Sức mạnh của đồng USD thay đổi như thế nào trong 6 tháng đầu năm 2020?
Trước cú sốc Covid-19, sức mạnh của đồng USD dần suy yếu do nhu cầu giảm.
Biểu đổ DXY
Nguồn: www.tradingview.vn
|
Sau mốc đỉnh 102.94 điểm mà chỉ số USD Index đạt được vào ngày 19/03/2020, vị thế đồng USD đang dần suy yếu khi chỉ số USD Index phiên 30/06 đã giảm về mức 97.37 điểm, tương đương giảm 10% so với mức đỉnh đã đạt được và chỉ tăng 1% so với mức 96.23 điểm của hồi đầu năm.
Tháng 03/2020 cũng là giai đoạn bùng phát dữ dội của dịch Covid-19, các quốc gia phải thực hiện lệnh phong tỏa khiến chuỗi cung ứng, sản xuất toàn cầu bị ảnh hưởng nặng nề. Trong bối cảnh đó, đồng USD được đánh giá là kênh trú ẩn an toàn với chỉ số USD Index liên tục tăng từ đáy.
Tuy nhiên, vị thế đó không được duy trì lâu do giới đầu tư tìm đến những đồng tiền an toàn hơn vì lo sợ bất ổn địa chính trị cũng như lo ngại nền kinh tế Mỹ sẽ chìm theo làn sóng lây nhiễm thứ 2 của đại dịch Covid-19.
Nhiều bang tại Mỹ có số ca nhiễm bệnh mới tăng mạnh như Texas, Florida, Arizona… và các hoạt động biểu tình tại Mỹ đã làm cho tình hình xã hội bất ổn, việc tụ tập đông người cũng khiến việc lây nhiễm bệnh càng diễn ra nhanh chóng.
Dịch Covid-19 ảnh hưởng tiêu cực tới kinh tế Mỹ, đẩy hàng chục triệu lao động Mỹ rơi vào cảnh thất nghiệp và dẫn tới Tổng sản phẩm trong nước (GDP) giảm 5% trong quý 1/2020.
Theo các nhà kinh tế, tình hình sẽ còn xấu hơn với việc GDP của Mỹ có thể giảm hơn 30% trong quý 2/2020, trước khi tăng trưởng trở lại vào cuối năm 2020.
Ngoài ra, với chính sách tiền tệ nới lỏng sẽ được duy trì trong thời gian dài để hỗ trợ kinh tế Mỹ, thanh khoản USD trên thị trường trở nên dồi dào khiến sức mạnh đồng USD bị thu hẹp.
Cụ thể, tại ngày 30/06/2020, USD đã giảm giá lần lượt 0.6%, 0.5%, 0.6%, 0.9%, 0.5%, 2% 0.6% và 2.2% so với EUR, SEK, DKK, HKD, PHP, JPY và CHF.
Ái Minh
FILI
|