Thiếu thị trường quốc tế, ngành hàng không chật vật đà hồi phục
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, vẫn cần thêm nhiều thời gian để thị trường hàng không hồi phục hoàn toàn khi các hãng được khai thác các đường bay quốc tế.
* Cục Hàng không đề xuất nghiên cứu mở lại đường bay quốc tế từ cuối tháng 7
Máy bay đậu tại một góc sân bay Nội Bài. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)
|
Là một trong những lĩnh vực chịu tác động nặng nề nhất do dịch COVID-19 nhưng thị trường hàng không nội địa cũng đang là ngành có sự khôi phục đáng kể sau khi bỏ giãn cách xã hội nhờ các chính sách hỗ trợ kịp thời của Chính phủ và sự vượt khó mạnh mẽ của các hãng hàng không.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, vẫn cần thêm nhiều thời gian để thị trường hàng không hồi phục hoàn toàn khi các hãng được khai thác các đường bay quốc tế.
Khai thác tối đa các đường bay trong nước
Trung tuần tháng 6 vừa qua, các hãng hàng không Việt Nam liên tiếp mở các đường bay nội địa mới. Chỉ tính riêng Vietnam Airlines, trong vòng 2 tuần qua đã mở trên chục đường bay mới, nâng tổng số đường bay nội địa toàn mạng của hãng đến thời điểm này lên 57 đường bay. Hiện Vietnam Airlines đã khôi phục hoàn toàn và không ngừng mở rộng mạng bay nội địa với trung bình gần 320 chuyến bay mỗi ngày.
Tương tự, Vietjet Air và Bamboo Airways cũng tăng cường mở thêm hàng chục đường bay mới đến các điểm du lịch và trung tâm kinh tế, đánh dấu sự phục hồi hoàn toàn các đường bay nội địa vào cuối tháng 6, đầu tháng 7 này.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Cục Hàng không Việt Nam, trong hoạt động hàng không, thị trường vận chuyển nội địa và quốc tế luôn có sự phụ thuộc nhất định. Cho dù, thị trường nội địa đã khôi phục hoàn toàn các đường bay nhưng do chưa được mở lại các đường bay quốc tế nên các hãng hàng không trong nước vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, đánh giá thị trường hàng không trong nước cơ bản sẽ khôi phục hoàn toàn vào giữa năm 2021. Nhưng thị trường hàng không quốc tế tương đối khó đoán vì diễn biến dịch COVID-19 ở các quốc gia trên thế giới hết sức phức tạp và việc khôi phục bay quốc tế phụ thuộc nhiều vào nhu cầu du lịch. Dự báo nhanh nhất phải 1-2 năm tới, thị trường hàng không quốc tế mà Việt Nam khai thác mới khôi phục bằng năm 2019.
Hiện tại, dù đã tăng cường mở mới các đường bay nội địa, nhưng đại diện các hãng hàng không trong nước chia sẻ vẫn phải “gồng gánh” từ vài trăm tỷ đến hàng nghìn tỷ đồng mỗi tháng để duy trì các hoạt động như tiền thuê, mua máy bay, tiền thuê sân đỗ, lãi suất ngân hàng... Thậm chí, các hãng đang phải đối mặt với tình trạng âm dòng tiền, cạn kiệt tiền dự trữ, tăng vay ngắn hạn để đáp ứng nhu cầu thanh toán.
Ông Trần Thanh Hiền, Kế toán trưởng Vietnam Airlines, chia sẻ trong thời gian cao điểm chống dịch COVID-19 vừa qua, từ việc cắt giảm các chi phí vận hành, cho trên 80% nhân viên, phi công, tiếp viên nghỉ luân phiên không nhận lương hoặc chỉ nhận lương cơ bản, Vietnam Airlines đã giảm chi phí được khoảng 4.500 tỷ đồng.
Ngoài ra, hãng cũng đã đàm phán với các đối tác cho thuê tàu bay để xin giảm giá thuê, giãn thời gian thanh toán với số tiền khoảng vài nghìn tỷ đồng trong 2 năm 2020-2021.
“Sau khi được phép khôi phục lại mạng bay nội địa, mặc dù lượng khách trong nhiều tuần của tháng 5 và tháng 6 đã vượt so với cùng kỳ năm ngoái, tuy nhiên trong bối cảnh kích cầu đi lại, các hãng hàng không đều thực hiện chương trình giảm giá vé.
Vì thế, dù sản lượng tăng nhưng doanh thu nội địa lại giảm gần 50%. Trong khi đó, doanh thu quốc tế chiếm bình quân 65% tổng doanh thu của hãng thì hiện tại vẫn chưa có gì”, ông Trần Thanh Hiền thông tin.
Với khó khăn trên, ông Trần Thanh Hiền đưa ra dự báo: “Trong năm 2020, Vietnam Airlines sẽ thâm hụt dòng tiền khoảng 16.000 tỷ đồng. Hãng đã tự xoay sở một phần, hiện còn thiếu 12.000 tỷ đồng cần hỗ trợ.”
Chia sẻ về những khó khăn Bamboo Airways gặp phải trong và sau khi giãn cách xã hội, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FLC và Hãng hàng không Bamboo Airways cho biết, thời gian qua những kiến nghị mà Bamboo Airways gửi tới Cục Hàng không Việt Nam và Bộ Giao thông Vận tải cơ bản đều được giải quyết.
Đến thời điểm này, Chính phủ, các bộ, ngành đã chỉ đạo rất quyết liệt và đưa ra các giải pháp, chính sách từng bước tháo gỡ khó khăn cho ngành hàng không.
Nhiều chuyên gia kinh tế đặt câu hỏi, với thiệt hại vài chục nghìn tỷ đồng toàn thị trường, sau dịch, các hãng hàng không liệu còn đủ nguồn lực để chớp cơ hội phục hồi?
Tiếp thêm động lực
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, hàng không là ngành chịu ảnh hưởng nặng nề khi cơn bão COVID-19 quét qua, nhưng hàng không Việt Nam được dự báo sẽ là một trong những ngành có tốc độ hồi phục nhanh nhất sau dịch, dù mức tăng khó đạt như kỳ vọng.
Nếu ngành hàng không hồi phục sớm sẽ là động lực kéo theo nhiều lĩnh vực khác tăng tốc, từ du lịch, kinh tế dịch vụ tại nhiều địa phương.
Tuy đã được khôi phục lại hoàn toàn các đường bay nội địa, nhưng tại thời điểm này, khu vực nhà ga T1 sân bay Nội Bài lượng hành khách vẫn vắng vẻ. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)
|
Bình luận về việc Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư quy định mức thu, nộp phí, lệ phí trong lĩnh vực hàng không; trong đó giảm nhiều loại phí đến hết năm nay, ông Đinh Việt Thắng cho rằng, đây là một cú hích cả về tinh thần và vật chất để các hãng hàng không có quyết tâm vượt qua khó khăn này.
“Tuy nhiên, trong dài hạn, cần thiết lập các đường bay, hoạt động bay và đặc biệt là có nguồn vay để các hãng bổ sung nguồn vốn thiếu, vốn mất trong thời điểm dịch bệnh và khôi phục sản xuất kinh doanh. Khi đó, các hãng có lãi mới có thể phát triển lại thị trường,” ông Đinh Việt Thắng chia sẻ.
Trước mắt, để hỗ trợ các hãng hàng không khôi phục vào thời điểm sống còn này, Cục Hàng không Việt Nam sẽ hỗ trợ tối đa, tạo điều kiện tốt nhất cho các hãng khôi phục thị phần nội địa.
Cục cũng kiến nghị các cơ quan Nhà nước, các doanh nghiệp trong ngành có các gói giãn, giảm giá, thậm chí là miễn giá, đồng thời làm việc với các ngân hàng có gói vay ưu đãi cho các hãng hàng không chi trả các chi phí nhằm tiếp tục duy trì hoạt động.
Theo ông Lê Hồng Hà, Phó Tổng giám đốc Vietnam Airlines, hàng không là khâu đầu tiên trong chuỗi cung ứng của nhiều ngành kinh tế và là một trong những điều kiện để hoạt động giao thương, đầu tư quay trở lại sau dịch bệnh. Vì vậy, các chính sách hỗ trợ nói trên là rất cần thiết để ngành hàng không có thể duy trì và phục hồi.
Ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho rằng, hàng không Việt phải luôn ở tâm thế sẵn sàng vươn ra quốc tế khi dịch bệnh được kiểm soát, các rào cản nhập cảnh, các yêu cầu về cách ly được dỡ bỏ.
Khi đó, ngành hàng không hoạt động lại bình thường và hàng không quốc tế cũng sẽ nhộn nhịp như hàng không nội địa bây giờ. Tuy nhiên, từ đây đến lúc đó vẫn còn một quãng thời gian.
Theo Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, để tháo gỡ khó khăn cho các hãng hàng không, đồng thời chia sẻ với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hàng không như: Cảng Hàng không, Công ty phục vụ mặt đất, cung cấp suất ăn..., Cục Hàng không Việt Nam sẽ tạo điều kiện tối đa theo nhu cầu cho các hãng, không hạn chế về tần suất bay trừ trường hợp gặp khó khăn về cơ sở hạ tầng.
Ngoài ra, Cục cũng đang thực hiện chính sách dành thời gian cất cánh và hạ cánh các chuyến bay quốc tế để các hãng tăng cường khai thác bay nội địa, mở các đường bay mới giữa các địa phương trong nước.
Tiến sỹ Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế nhận định, để “lò xo” nền kinh tế bật trở lại, nhất là trong thời kỳ bình thường mới, xét về vĩ mô, đây không chỉ là vấn đề của riêng ngành hàng không.
Tuy nhiên, hàng không bật dậy sẽ không chỉ vì riêng ngành này mà nó còn gắn kết, đẩy du lịch bật lên. Khi du lịch bật lên sẽ kéo theo một loạt các hoạt động như lưu trú, khách sạn, lữ hành, nhà hàng, quán ăn... cũng phát triển theo.
Sự phát triển trở lại của ngành hàng không sẽ giúp tạo ra sự lan tỏa, kết nối để phục hồi kinh tế của các địa phương.
Có thể nói, từ nhiều năm nay trước khi có dịch COVID-19, đường bay quốc tế đóng góp lớn đến doanh thu của các hãng hàng không Việt Nam, chỉ riêng Vietnam Airlines các đường bay quốc tế hiện đóng góp tới 60% tổng số doanh thu của hãng.
Với dự báo của Hiệp hội vận tải Hàng không quốc tế (IATA), dịch COVID-19 sẽ ảnh hưởng trong thời gian dài, có thể mất vài năm tới, dự báo đến tháng 6/2022 mới có thể trở về bằng cuối 2019,còn với những chặng bay đường dài, có lẽ đến năm 2023 mới bắt đầu trở lại.
Như vậy, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, các hãng phải cầm cự ít nhất một đến hai năm nữa trước khi các đường bay quốc tế được mở lại.
Ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam chia sẻ thêm, việc cơ cấu lại thị trường, thị phần và cổ phần tại các hãng hàng không cũng là bài toán mang tính tổng thể.
Đơn cử, Hãng hàng không Jetstar Pacific đã thực hiện cuộc “lột xác,” đổi tên thương hiệu và đẩy mạnh hợp tác phát triển cùng Vietnam Airlines.
Điều này được kỳ vọng sẽ cải thiện hoạt động sản xuất kinh doanh và khả năng lợi nhuận của hãng hàng không chi phí thấp này, đồng thời thúc đẩy quy mô và sức mạnh thương hiệu của Vietnam Airlines tại thị trường nội địa.
Đại diện các hãng hàng không đều khẳng định sẵn sàng quay lại các đường bay quốc tế. Ông Nguyễn Quang Trung, Trưởng ban Kế hoạch phát triển - Vietnam Airlines cho biết Hãng đã sẵn sàng mở lại các đường bay quốc tế ngay khi được Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải và Cục Hàng không Việt Nam cấp phép./.
Quang Toàn
Vietnam+
|