Doanh nghiệp quan tâm hiệp định EVFTA còn ít hơn cả sinh viên
"Cho đến giờ phút này, hiệp định đã kết thúc đàm phán 5 năm nhưng sự quan tâm của doanh nghiệp đối với hiệp định còn tương đối ít. Số lượng các câu hỏi gửi về Bộ đối với hiệp định EVFTA còn hạn chế, thậm chí còn ít câu hỏi kém hơn cả sinh viên", Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cho hay.
* Hiệp định EVFTA: Thực thi cơ chế hạn ngạch thuế quan
* Khi nào hiệp định EVFTA có hiệu lực?
Các đại biểu tham dự hội nghị
|
Tại Hội nghị “Tận dụng hiệu quả Hiệp định EVFTA: Cơ hội phát triển cho doanh nghiệp Việt Nam sau cú sốc COVID-19, ngày 29/6, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, chỉ một thời gian ngắn nữa, vào 1/8/2020, Hiệp định EVFTA sẽ đi vào thực thi. Với những cam kết sâu rộng, Hiệp định này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy thương mại, đầu tư song phương giữa Việt Nam và EU cũng như thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.
Theo ông Khánh, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế và thương mại của nước ta. Riêng về thương mại, tính đến hết tháng 5/2020, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đã giảm 2,8%. Trong đó, xuất khẩu giảm 0,9% và nhập khẩu giảm 4,6%. Riêng tháng 4/2020, xuất khẩu giảm đến 13,9% và nhập khẩu giảm 11,4% so với cùng kỳ năm 2019.
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho rằng, các doanh nghiệp cần tích cực nghiên cứu hiệp định EVFTA hơn nữa, đừng để người nước ngoài nắm bắt cơ hội được mở ra
|
Trong bối cảnh đó, EVFTA khi đưa vào thực thi được kỳ vọng sẽ phần nào giúp doanh nghiệp Việt Nam phục hồi và phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình. Doanh nghiệp sẽ có cơ hội tiếp cận thị trường gần 460 triệu dân, GDP bình quân đầu người khoảng 35.000 USD, với mức thuế 0%, trong đó 85% dòng thuế về 0% ngay khi có hiệu lực. Ngoài ra, doanh nghiệp có thể tham gia các chuỗi cung ứng mới, đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, giảm sự lệ thuộc vào một thị trường nhất định.
Thứ trưởng Khánh cho biết, đáng buồn là cho đến giờ phút này, hiệp định đã kết thúc đàm phán 5 năm nhưng sự quan tâm của doanh nghiệp đối với hiệp định còn tương đối ít. Số lượng các câu hỏi gửi về Bộ đối với hiệp định EVFTA còn hạn chế, thậm chí còn ít câu hỏi chất lượng hơn cả sinh viên.
“Điều này cũng dễ hiểu vì 50% doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, số còn lại là hoạt động trong những lĩnh vực nội địa như xây dựng, sản xuất…. Trong số 50% doanh nghiệp xuất nhập khẩu này, chủ yếu là ngồi ở Việt Nam, chờ khách hàng đến mua mà không cần biết khách hàng ấy là ai.
"Với kiểu bán hàng và nhập khẩu kiểu ấy, nhiều doanh nghiệp không quan tâm thuế bên ngoài thế nào. Đấy là một điều đáng tiếc. Do vậy, chúng tôi mong muốn các doanh nghiệp cần tích cực hơn nữa, nghiên cứu hiệp định tốt hơn nữa, đừng để người nước ngoài nắm bắt cơ hội được mở ra", Thứ trưởng nói.
Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho rằng, việc tham gia Hiệp định EVFTA là ra biển lớn. Tuy nhiên, cách chơi trên thế giới hiện nay đã khác hơn so với trước đây, tức chuyển đổi sang hợp tác thông qua hiệp định mang tính song phương, với tiêu chuẩn cao. Việt Nam là một trong những nước đi đầu, đón xu hướng này, do đó cần phải chuẩn bị tâm thế, nguồn lực để tham gia một cách chơi mới. Đây là điều buộc phải làm vì thế giới bắt đầu chuyển đổi về chuỗi cung ứng.
Vũ Phong
Tiền phong
|