Phí vận chuyển tăng cao làm khó doanh nghiệp
Chi phí logistics nội địa tại nước ta hiện vẫn cao hơn so với các nước phát triển.
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, phí vận chuyển qua hàng không, đường biển, đường bộ đều tăng cao. Trong ảnh: Đóng gói vải thiều tại Bắc Giang để xuất khẩu sang Nhật Bản. Ảnh: CTV
|
Cước phí vận chuyển hàng nông sản dù ở đường bộ, đường sắt, đường biển hay hàng không đều tăng mạnh do ảnh hưởng dịch COVID-19.
Phí đã cao còn bị “delay”
Bà Ngô Tường Vy, Phó Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, cho biết chi phí vận chuyển bằng đường hàng không tăng quá cao, khiến doanh nghiệp (DN) gặp không ít khó khăn. Đơn cử như phí vận chuyển hàng không từ nước ta đi Mỹ bình thường ở mức 3-3,5 USD/kg, nay tăng thêm 1,5-2 USD/kg. Không chỉ vận chuyển đi Mỹ mà đi các thị trường khác cũng tăng 15%-50%, thậm chí gấp ba lần so với thời điểm trước khi xảy ra dịch COVID-19.
“Chẳng hạn, phí vận chuyển sang Trung Quốc tăng 20%-50% tùy thời điểm. Nguyên nhân là do quá trình thông quan ở cửa khẩu kéo dài hơn, chi phí thuê nhân công bốc dỡ hàng hóa tăng lên… Phí vận chuyển sang Nhật Bản cũng tăng lên gấp hai, ba lần do chuyến bay rất ít” - bà Vy dẫn chứng.
Cước vận chuyển cao đẩy giá thành sản phẩm lên cao, sức mua vì vậy cũng bị giảm đi. Đặc biệt, phí vận chuyển hàng không quá cao buộc công ty phải điều chỉnh lại chiến lược kinh doanh cho phù hợp. “Chúng tôi đã ngưng toàn bộ vận chuyển hàng không, chuyển sang đi đường biển. Mặt khác, trước giờ công ty tập trung vào các loại trái cây như thanh long, xoài, vú sữa, chôm chôm… thì nay chỉ tập trung vào những loại có thời gian bảo quản dài ngày như nhãn, sầu riêng đông lạnh… để đi được đường biển” - phó giám đốc Công ty Chánh Thu cho biết thêm.
Đáng chú ý, ngoài phí vận chuyển tăng cao, các DN còn phản ánh vận chuyển bằng đường hàng không nhiều rủi ro vì nhiều chuyến bay hay bị “delay” (trì hoãn chuyến - PV) gây ảnh hưởng đến nhiệt độ, chất lượng nông sản. Từ thực tế trên, nhiều nhà kinh doanh đề nghị cần nghiên cứu để có công nghệ bảo quản sau thu hoạch cho mặt hàng này.
“Nếu nông sản có thời gian bảo quản lâu hơn thì các công ty xuất khẩu có thể sử dụng bằng đường tàu, đường biển thay thế cho hàng không để giảm chi phí vận chuyển, giảm rủi ro. Tôi cho rằng đây là giải pháp lâu dài, mang tính bền vững” - đại diện một công ty xuất khẩu trái cây nói.
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, phí vận chuyển qua hàng không, đường biển, đường bộ đều tăng cao. Trong ảnh: Đóng gói vải thiều tại Bắc Giang để xuất khẩu sang Nhật Bản. Ảnh: CTV
|
Cao do trạm thu phí cầu đường quá nhiều
Đại diện một số DN cho hay ngoài chi phí vận chuyển bằng đường hàng không cho hàng hóa xuất ngoại tăng cao thì chi phí vận chuyển ngay tại thị trường nội địa ở nước ta cũng đang ở mức cao. Bà Đỗ Thị Thanh Thủy, phụ trách Phòng kinh doanh, Tập đoàn Nam Việt (NAVICO), đánh giá chi phí vận chuyển cao đang làm đội giá thành sản xuất.
“Hiện phí vận chuyển một container 40 feet từ An Giang ra Hà Nội hết khoảng 75 triệu đồng. Phí vận chuyển cao làm chi phí bán hàng tăng lên, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa” - bà Thủy dẫn chứng.
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo điều hành giá hồi đầu tháng 7 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu xem xét, sớm giảm giá nhiều mặt hàng. Riêng đối với giá dịch vụ hàng không, logistics…, Thủ tướng giao Bộ GTVT, Bộ Tài chính, các bộ, ngành liên quan chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ các yếu tố hình thành giá, không để tăng giá mà phải giảm giá để kích cầu tiêu dùng trong bối cảnh khó khăn hiện nay. |
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thảo Ngân, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại giao nhận vận tải HNT, giãi bày: Chi phí vận chuyển bằng đường bộ từ TP.HCM ra Hà Nội phải tầm 80 triệu đồng/container/40 feet, thời điểm rẻ cũng phải hơn 60 triệu đồng. “Nguyên nhân là do trạm thu phí cầu đường của Việt Nam (VN) quá nhiều. Ngoài ra còn nhiều loại phí khác cũng tương đối cao. Trong khi đó phí vận chuyển đường thủy rẻ hơn, chỉ hơn 40 triệu đồng” - bà Ngân cho hay.
Nói thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Tương, Phó Tổng thư ký Hiệp hội DN dịch vụ logistics VN (VLA), cho rằng chi phí logistics chuyên chở hàng hóa bao gồm chi phí vận tải, chi phí lưu kho lưu bãi, chi phí về quản lý. Ngoài ra, ở VN còn có thêm chi phí “ngoài luồng” nữa là chi phí trên đường như giá xăng dầu, phí cầu đường, phí lót tay... “Nhìn chung, chi phí logistics những năm gần đây ngày càng giảm. Cụ thể, chi phí logistics năm 2014 là 20,8% thì năm 2019 giảm còn 16,8%” - ông Nguyễn Tương cho hay.
Tuy vậy, vị đại diện VLA cũng thừa nhận chi phí logistics nội địa tại nước ta hiện vẫn cao hơn so với các nước phát triển nhưng không đến mức cao nhất thế giới như một số ý kiến đã đưa ra. “Theo xếp hạng Chỉ số hoạt động logistics của Ngân hàng Thế giới thực hiện năm 2018 thì VN đứng thứ 39/160 quốc gia. Còn ở khu vực ASEAN, nước ta xếp thứ ba, sau Singapore và Thái Lan” - ông Tương nói.
Ưu tiên vận chuyển đường thủy
Phó Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu Ngô Tường Vy cho biết hiện nay nhiều công ty lựa chọn vận chuyển bằng đường thủy. Lý do là so với đường bộ, đường hàng không, đường sắt thì đường thủy rẻ hơn khá nhiều.
Bà Vy phân tích: Hiện vận chuyển một container bằng đường thủy từ TP.HCM đến các cảng của Trung Quốc dao động 15-50 triệu đồng. Trong khi đó, nếu vận chuyển bằng đường bộ thì chi phí thấp nhất cũng phải 50-90 triệu đồng, thậm chí lên tới 100 triệu đồng. Nếu vận chuyển bằng đường sắt dao động 70-100 triệu đồng.
|
AN HIỀN
Pháp luật TPHCM
|