Làm gì để thực thi hiệu quả Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU?
Để EVFTA được triển khai hiệu quả, mang lại lợi ích kinh tế và thu hút đầu tư FDI mạnh mẽ từ khu vực EU, cải cách hành chính, tạo thuận lợi thương mại tiếp tục là mấu chốt quan trọng.
* Tác động của EVFTA đến xuất nhập khẩu, định hướng cho doanh nghiệp Việt Nam
* EU công bố hạn ngạch nhập khẩu nông sản và gạo Việt Nam theo EVFTA
* Thực thi EVFTA: Những mặt hàng chủ lực nào của Việt Nam thắng lớn?
Sản xuất sản phẩm may mặc tại Công ty cổ phần may và dịch vụ Hưng Long, huyện Mỹ Hào, Hưng Yên. (Ảnh: TTXVN)
|
Cải cách thủ tục hành chính và nâng cao chất lượng hạ tầng là những yếu tố quyết định đến hiệu quả thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA).
Đây là ý kiến của các doanh nghiệp tại Hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh và Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) ngày 28/7.
Ông Jean Jacques Bouflet, Phó Chủ tịch EuroCham nhận định, những năm qua, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc điều chỉnh, hợp lý hóa các điều kiện kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư và hiện đại hóa khung pháp lý để đón đầu các cơ hội đầu tư, kinh doanh mới.
Các chỉ số môi trường kinh doanh vừa được EuroCham công bố cũng cho thấy mức độ tin tưởng của doanh nghiệp EU vào sự phát triển của Việt Nam ngày càng tăng.
Bên cạnh đó, Hiệp định EVFTA được thông qua và chuẩn bị đi vào thực thi chính là lá phiếu tín nhiệm của EU đối với Việt Nam trong nỗ lực hội nhập quốc tế.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 đang gây ra những thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế toàn cầu, khiến hoạt động giao thương bị đình trệ và doanh nghiệp rơi vào khó khăn thì EVFTA được kỳ vọng sẽ là động lực giúp khởi động lại các hoạt động thương mại, đầu tư giai đoạn hậu COVID-19.
Tuy nhiên, để EVFTA được triển khai một cách hiệu quả, mang lại lợi ích kinh tế và thu hút đầu tư FDI mạnh mẽ từ khu vực EU, cải cách hành chính, tạo thuận lợi thương mại tiếp tục là mấu chốt quan trọng cần được cải thiện.
Ông Bob Fletcher, Phó Chủ tịch Tiểu ban vận tải và hậu cần EuroCham thông tin, mặc dù Việt Nam đã nỗ lực cắt giảm các thủ tục hành chính và tích cực điều chỉnh các văn bản pháp luật theo hướng hài hòa với thông lệ quốc tế, song quá trình thực thi trên thực tế còn nhiều bất cập.
Cụ thể, công tác cấp giấy chứng nhận xuất xứ cho hàng hóa xuất nhập khẩu chưa được thống nhất, nhiều cán bộ chưa hiểu rõ quy tắc xác định xuất xứ khiến doanh nghiệp không nhận được ưu đãi thuế quan chính đáng.
Thêm vào đó, cơ chế quản lý, kiểm soát của hải quan Việt Nam trong một số trường hợp chưa được thông thoáng. Cán bộ hải quan có xu hướng loại bỏ ưu đãi đối với các trường hợp nghi ngờ về xuất xứ mà không đưa ra bằng chứng cụ thể.
Liên quan đến ứng dụng công nghệ, ông Alexandre Sompheng, Chủ tịch Tiểu ban kỹ thuật số EuroCham chia sẻ, Việt Nam đang nỗ lực số hóa nền kinh tế, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động kinh tế, xã hội nhưng vẫn còn tình trạng một số ngân hàng địa phương không công nhận giá trị của các hợp đồng giao dịch bằng chữ ký điện tử.
Công nhân làm việc tại nhà máy sợi Huế thuộc Công ty Cổ phần Dệt may Huế (Thừa Thiên-Huế). (Ảnh: TTXVN)
|
Ngược lại, họ yêu cầu các hợp đồng giấy, các bản photocopy…có khả năng giả mạo cao hơn khiến không ít doanh nghiệp EU bối rối.
Chính vì vậy, cộng đồng doanh nghiệp EU mong muốn Việt Nam nâng cao tính thống nhất và hiệu quả thực thi chính sách vào thực tế; đẩy mạnh việc xây dựng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa; để doanh nghiệp chịu trách nhiệm công bố xuất xứ hàng hóa của mình.
Các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh giám sát theo cơ chế quản trị rủi ro, tạo điều kiện để doanh nghiệp nhận được các ưu đãi phù hợp theo cam kết đã thỏa thuận, đặc biệt trong bối cảnh EVFTA sắp đi vào thực thi.
Bên cạnh vấn đề về thủ tục hành chính, các doanh nghiệp EU cũng mong muốn Thành phố Hồ Chí Minh cải thiện chất lượng hạ tầng, logistics để phục vụ hiệu quả hơn cho họat động thương mại, đặc biệt là thương mại điện tử đang trên đà phát triển mạnh mẽ.
Theo đó, thành phố cần xác định, quy hoạch khu vực phát triển kho bãi trong phạm vi bán kính một giờ di chuyển bằng ôtô vào trung tâm thành phố, bảo đảm hàng hóa được cung ứng nhanh với chất lượng tốt nhất khi đến tay khách hàng.
Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp EU thuận lợi hơn trong việc phân phối hàng hóa mà cũng thúc đẩy hàng hóa nội địa Việt Nam lưu thông nhanh hơn, cắt giảm đáng kể chi phí vận chuyển.
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung đang nỗ lực hết sức để thực hiện cùng lúc hai mục tiêu quan trọng là phục hồi kinh tế và phòng chống dịch COVID-19.
Vừa tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, duy trì doanh thu nhưng cũng phải bảo đảm môi trường an toàn dịch bệnh cho mọi công dân đang sinh sống, làm việc tại Việt Nam.
“EU là đối tác kinh tế quan trọng của Thành phố Hồ Chí Minh nhiều năm qua, là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3, chỉ sau Trung Quốc và Mỹ. Tuy nhiên, kim ngạch và thị phần hàng hóa của Thành phố Hồ Chí Minh xuất đi EU thời gian qua chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu thành phố. Trong bối cảnh EVFTA sắp đi vào thực thi, cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa đã được dự báo rất khả quan. Vậy nên để biến cơ hội thành giá trị thực thì các rào cẩn về cơ chế, chính sách cần được tháo gỡ ngay,” ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.
Với các ý kiến, đề xuất của cộng đồng doanh nghiệp EU, ông Nguyễn Thành Phong khẳng định, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ chọn lọc để xây dựng thành chương trình hành động cụ thể.
Trong phạm vi quyền hạn của thành phố sẽ nhanh chóng rà soát, khắc phục các bất cập trong việc thực thi chính sách tại địa phương. Đồng thời ghi nhận và kiến nghị lên cấp trên các nội dung vướng mắc về mặt cơ chế, vượt thẩm quyền giải quyết của thành phố để sớm được điều chỉnh, tạo thuận lợi tối đa cho cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp từ EU đến khởi nghiệp, đầu tư và phát triển lâu dài./.
Xuân Anh
Vietnam+
|