Luckin, Wells Fargo và loạt bê bối gian lận lớn nhất 40 năm qua
Những vụ lừa đảo của chuỗi cà phê Trung Quốc Luckin Coffee và hãng tài chính Đức Wirecard đang gây xôn xao dư luận. Trước đó, giới kinh doanh từng chứng kiến nhiều scandal lớn.
* Wirecard đệ đơn phá sản vì khoản nợ 4 tỉ USD
* Wirecard – Niềm tự hào một thời bỗng chốc trở thành nỗi xấu hổ của nước Đức
* Luckin Coffee có gì khi đòi đánh bại Starbucks ở Trung Quốc?
Wirecard: Vài tuần trước, các kiểm toán viên phát hiện 2 tỷ USD trong sổ sách của công ty Đức không cánh mà bay. Khoản tiền đó không hề tồn tại và Wirecard bị cho là đã làm giả số liệu tài chính. Ngày 23/6, CEO Markus Braun bị bắt. Công ty này tuyên bố giải thể hai ngày sau đó. Hiện, giám đốc vận hành của công ty này vẫn biệt tích. Điểm sáng duy nhất của bê bối này là chính phủ Đức có thể sẽ siết chặt quản lý và tăng cường các quy định tài chính để tránh các vụ gian lận tương tự.
|
Luckin Coffee: Vụ bê bối đình đám nhất gần đây là scandal của chuỗi cà phê Trung Quốc Luckin Coffee. Cổ phiếu "Starbucks Trung Quốc" tăng 300% từ 17 USD khi IPO hồi tháng 5/2019 lên hơn 50 USD vào tháng 1/2020. Tuy nhiên, mọi thứ sụp đổ khi cuộc điều tra nội bộ hồi tháng 4 cho thấy giám đốc Luckin thổi phồng doanh thu thêm gần 310 triệu USD trong năm 2019. Vụ việc gây ra cú sốc lớn với giới đầu tư, khiến giá cổ phiếu Luckin có thời điểm sụt xuống 1,39 USD. Công ty Trung Quốc đã bị hủy niêm yết trên sàn Nasdaq (Mỹ).
|
Wells Fargo: Ban lãnh đạo ngân hàng Mỹ ép nhân viên phải đạt các chỉ tiêu doanh thu quá cao từ năm 2002 đến 2016. Để đạt chỉ tiêu, nhiều nhân viên mở các tài khoản giả dưới tên khách hàng. Cụ thể, nếu một khách hàng mở tài khoản tiết kiệm tại ngân hàng, nhân viên sẽ âm thầm mở một thẻ tín dụng dưới tên của họ. Có khách hàng thậm chí được mở thêm 7 loại tài khoản khác tại Wells Fargo mà không hề biết. Lợi nhuận ngắn hạn của ngân hàng tăng vọt nhờ hơn 2 triệu tài khoản giả như vậy. Khi vụ việc vỡ lở, Wells Fargo bị Ủy ban Chứng khoán Mỹ và Bộ Tư pháp Mỹ phạt 3 tỷ USD.
|
Volkswagen: Chính phủ các nước thường yêu cầu các nhà sản xuất ôtô tuân thủ nghiêm ngặt mọi tiêu chuẩn về khí thải. Việc tuân thủ gây tốn kém chi phí lớn, do đó Volkswagen "chơi chiêu" bằng cách cài đặt một phần mềm đặc biệt vào 11 triệu xe chạy dầu diesel của mình hãng. Mục tiêu là can thiệp vào quá trình kiểm tra khí thải và thay đổi kết quả. Gian lận này bị phát hiện vào tháng 9/2015, gây hậu quả nặng nề cho hãng xe Đức. Chỉ riêng tại Mỹ, công ty này phải thu hồi hơn 480.000 xe và bị phạt 2,8 tỷ USD. CEO Martin Winterkorn phải từ chức.
|
Enron: Được tạp chí Fortune bình chọn là “công ty sáng tạo nhất tại Mỹ” từ năm 1996 đến 2001, Enron vụt sáng từ làn sóng công nghệ dot.com để trở thành công ty lớn thứ bảy tại Mỹ, ít nhất trên giấy tờ. Trên thực tế, Enron đã dùng thủ thuật kế toán để ghi lợi nhuận cao hơn trong sổ sách, đồng thời giấu nhẹm khoản mọi khoản lỗ qua các công ty vỏ bọc. Khi sự thật bị phơi bày, giá cổ phiếu Enron lao dốc từ 90 USD xuống chỉ còn 65 xu trong 4 tháng. Công ty này phá sản vào ngày 2/12/2001. Một số giám đốc lĩnh án tù. Bê bối này là một trong những động lực để chính phủ Mỹ thông qua đạo luật Sarbanes-Oxley vào năm 2002, áp dụng những quy định kiểm toán nghiêm ngặt hơn với các công ty niêm yết.
|
WorldCom: Năm 1997, WorldCom sáp nhập với MCI Communications và trở thành công ty viễn thông lớn thứ hai tại Mỹ. Năm 1999, WorldCom cố gắng thâu tóm Sprint trong thương vụ sáp nhập lớn nhất lịch sử thời điểm đó. Tuy nhiên, vụ sáp nhập này đã bị nhà chức trách Mỹ chặn đứng, khiến cổ phiếu của WorldCom lao dốc. Đây là thảm họa với CEO Bernie Ebbers, người dùng cổ phiếu của WorldCom để vay hơn 365 triệu USD cho các công ty riêng của mình. Khi cổ phiếu WorldCom lao dốc, Ebbers rơi vào tuyệt vọng và vào năm 2001, ông bắt đầu gian lận chi phí của công ty. Gian lận này bị phát hiện vào tháng 6/2002, đẩy WorldCom đến phá sản. Ebbers lĩnh án tù 25 năm và qua đời vào tháng 2/2020.
|
ZZZZ Best: Năm 1982, cậu bé Barry Minkow thành lập hãng vệ sinh thảm ZZZZ Best trong garage ôtô của gia đình khi mới 15 tuổi. Năm 21 tuổi, Minkow đưa công ty lên sàn chứng khoán. Đây sẽ là câu chuyện lập nghiệp thành công nếu như không vướng phải một vấn đề: đó là 90% khách hàng của công ty đều là giả. Minkow lấy tiền từ các nhà đầu tư mới để chi trả cho những nhà đầu tư cũ theo mô hình đa cấp Ponzi. Minkow đã suýt thành công với thủ đoạn của mình khi ZZZZ Best gần như sắp thâu tóm được đối thủ lớn nhất KeyServ - điều này có nghĩa là không phải gian lận và không còn khách hàng giả nữa. Tuy nhiên, mọi việc bị bại lộ trước khi thương vụ được ký kết. ZZZZ Best, từng có vốn hoá 300 triệu USD, đã sụp đổ hoàn toàn chỉ 7 tháng sau khi lên sàn.
|
Nguyễn Duy
Zing.vn
|