Ấn Độ ngừng mua 2,8 tỷ USD thiết bị điện từ Trung Quốc
Bộ trưởng Năng lượng Ấn Độ Raj Kumar Singh tuyên bố quốc gia Nam Á sẽ ngừng nhập khẩu thiết bị điện của Trung Quốc sau cuộc đụng độ chết người tại biên giới.
* Hàng hóa Trung Quốc tắc nghẽn tại cảng Ấn Độ
* Quyết tẩy chay hàng Trung Quốc, Ấn Độ chấp nhận thiệt hại kinh tế?
Theo Bloomberg, trong cuộc họp với quan chức ngành điện các bang, Bộ trưởng Singh khẳng định Ấn Độ có đủ năng lực sản xuất mọi thiết bị điện. Ông yêu cầu chính quyền các địa phương mua thiết bị điện sản xuất trong nước, thay vì nhập khẩu từ Trung Quốc.
Thống kê của Bộ Năng lượng Ấn Độ cho thấy Trung Quốc xuất khẩu 2,8 tỷ USD thiết bị điện sang Ấn Độ trong năm tài khóa kết thúc vào tháng 3/2019. Trong quãng thời gian này, Ấn Độ mua sắm tổng cộng 9,5 tỷ USD thiết bị điện để phục vụ các dự án điện truyền thống.
Giá gổ phiếu của Bharat Heavy ELectricals, nhà sản xuất thiết bị điện lớn nhất Ấn Độ, tăng 5,3% sau tuyên bố của Bộ trưởng Singh.
Trước đó, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đề nghị doanh nghiệp nước này mua hàng từ các nhà cung cấp nội địa để thúc đẩy phục hồi kinh tế và tạo công ăn việc làm sau quãng thời gian giãn cách xã hội vì dịch Covid-19. Căng thẳng biên giới Ấn - Trung càng thúc đẩy các nỗ lực của chính phủ Ấn Độ.
Người dân Ấn Độ mở chiến dịch tẩy chay hàng hóa Trung Quốc. Ảnh: Getty Images.
|
"Một quốc gia dám xâm nhập vào lãnh thổ của chúng ta, giết binh lính của chúng ta, mà chúng ta lại tạo công ăn việc làm cho quốc gia đó. Đó là điều không thể chấp nhận được", Bộ trưởng Singh nhấn mạnh.
Ông Singh cho biết để kiểm tra thiết bị điện sạch nhập khẩu, chính phủ Ấn Độ sẽ sử dụng hàng rào thuế quan thay vì ra lệnh cấm. Ước tính 80% tấm pin điện mặt trời bán tại Ấn Độ có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Ngoài ra, Bộ trưởng Năng lượng Ấn Độ giải thích nguy cơ tấn công mạng là lý do khác buộc nước này phải lựa chọn nhà cung cấp cẩn thận. "Chúng tôi sẽ kiểm tra thiết bị nhập khẩu từ các quốc gia khác để xem chúng có chứa phần mềm độc hại độc hại hay không. Hệ thống điện lực rất nhạy cảm và rất dễ bị tấn công mạng", ông nhấn mạnh.
Tháng 10/2019, một nhà máy điện hạt nhân Ấn Độ bị tấn công bằng mã độc. Vài tháng sau, chính phủ Ấn Độ công bố dự thảo hướng dẫn vận hành các mạng lưới điện, yêu cầu doanh nghiệp phải áp dụng các biện pháp an ninh mạng nghiêm ngặt.
Thanh Hoa
ZING
|