Fitch Ratings hạ bậc tín nhiệm với 33 quốc gia và thực thể có chủ quyền trong 6 tháng đầu năm
Fitch Ratings đã hạ bậc tín nhiệm đối với 33 quốc gia và thực thể có chủ quyền trong nửa đầu năm 2020 và mọi chuyện vẫn chưa dừng lại ở đó.
James McCormack, Trưởng bộ phận xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Fich Ratings, cho biết Fitch đã áp triển vọng “tiêu cực” cho 40 quốc gia hoặc thực thể có chủ quyền. Điều này có nghĩa xếp hạng tín nhiệm của 40 quốc gia này có khả năng bị hạ bậc.
“Trong lịch sử, chúng ta chưa bao giờ chứng kiến Fitch Ratings áp triển vọng ‘tiêu cực’ cho 40 quốc gia và thực thể có chủ quyền cùng một lúc”, ông nói trên chương trình “Capital Connection” trong ngày thứ Sáu (03/07).
“Điều này diễn ra sau khi chúng tôi đã hạ bậc 33 quốc gia và thực thể có chủ quyền trong 6 tháng đầu năm nay. Chúng tôi chưa bao giờ hạ bậc 33 quốc gia trong bất kỳ năm nào”, ông nói thêm.
Các quốc gia và thực thể có chủ quyền đã bị Fitch Ratings hạ bậc có cả Anh, Australia và Hồng Kông.
Ông McCormack lý giải nhiều chính quyền đã gia tăng chi tiêu để bảo vệ nền kinh tế trước đại dịch Covid-19. Do đó, tình hình tài chính của 119 quốc gia mà Fitch Ratings theo dõi đều trở nên xấu đi.
Sự đi xuống về tài chính có thể diễn ra dưới dạng thâm hụt ngân sách lớn hơn hoặc thặng dư thấp hơn, hoặc ở dưới dạng nợ, ông nói.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết các biện pháp phong tỏa tại nhiều quốc gia đã gây tổn thương đến nền kinh tế toàn cầu mạnh hơn dự báo. Quỹ này cảnh báo rằng lượng nợ công toàn cầu có thể đạt mức cao nhất mọi thời đại, hơn 100% GDP thế giới.
Trong báo cáo tháng 5/2020, Fitch Ratings cũng cảnh báo số quốc gia vỡ nợ có thể chạm kỷ lục trong năm nay giữa lúc đại dịch hoành hành và giá dầu suy yếu. Argentina, Ecuador và Lebanon đã tuyên bố vỡ nợ trong năm nay, Fitch Ratings cho biết trong báo cáo.
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FILI
|