Đến thời điểm này, cuộc chạy đua phát triển vắc-xin Covid-19 đang vào giai đoạn nước rút với các công ty ở Anh, Mỹ và Trung Quốc đang dẫn đầu.
Nhân viên của Sinopharm đang kiểm tra các mẫu vắc-xin Covid-19 ở một nhà máy ở Bắc Kinh. Ảnh: Xinhua
|
Các công ty này đang hoặc chuẩn bị triển khai thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 với vắc-xin ngừa Covid-19, giai đoạn cuối cùng trong quy trình phát triển vắc-xin. Nếu kết quả thử nghiệm thuận lợi, họ có thể được cấp phép sử dụng chính thức vào cuối năm nay.
Trung Quốc đang dẫn đầu cuộc đua...
Tại Trung Quốc, có 8 loại vắc-xin Covid-19 đang được thử nghiệm lâm sàng ở người, trong đó đáng chú ý là các sản phẩm của Tập đoàn dược phẩm quốc gia Trung Quốc (Sinopharm), Công ty công nghệ sinh học Sinovac Biotech và Công ty dược sinh học CanSino Biologics.
Xét về mặt kỹ thuật, các công ty Trung Quốc đang dẫn đầu cuộc đua này.
Tập đoàn công nghệ sinh học Trung Quốc, một đơn vị thành viên của Sinopharm, cho biết đã thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 và 2 một loại vắc-xin bất hoạt ở hơn 1.000 người tình nguyện. Kết quả thử nghiệm cho thấy tính an toàn và hiệu quả. Vắc-xin bất hoạt được sản xuất bằng cách nuôi cấy tác nhân, sau đó bất hoạt chúng bằng nhiệt hoặc hóa chất.
Giờ đây, vắc-xin của Sinopharm bắt đầu được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 tại Abu Dhabi (Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất) với 15.000 người tình nguyện tuổi từ 18-60 sẽ tham gia, dự kiến kéo dài 3-6 tháng.
Hôm 20-7, Bangladesh cho phép hãng công nghệ sinh học Sinovac Biotech thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 đối với một vắc-xin Covid-19 do hãng này phát triển ở 4.200 người tình nguyện tại 7 bệnh viện ở Dhaka, Bangladesh. Sản phẩm này của Sinovac Biotech cũng đang thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 ở Brazil.
Song đáng chú ý nhất là vắc-xin Ad5-nCoV do Công ty dược sinh học CanSino Biologics và Viện Công nghệ sinh học Bắc Kinh thuộc Học viện Khoa học quân y Trung Quốc, hợp tác phát triển.
Hồi tháng 5, CanSino Biologics bất ngờ trở thành công ty đầu tiên công bố báo cáo nghiên cứu khoa học đầy đủ về cuộc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 của vắc-xin Ad5-nCoV ở hơn 100 người tình nguyện. Báo cáo cho biết các mức hàm lượng cao của kháng thể chống virus SARS-CoV-2 xuất hiện ở 75% người tình nguyện được tiêm liều cao và 50% ở người thử nghiệm được tiêm liều từ trung bình đến thấp.
Tuy nhiên, Dennis Burton, nhà nghiên cứu miễn dịch ở Viện Nghiên cứu y khoa Scripps Research (Mỹ), nhận định kết quả thử nghiệm trên không gây ấn tượng.
CanSino Biologics cho biết cuộc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 ở 508 người tình nguyện có kết quả tốt hơn về tính an toàn và phản ứng miễn dịch so với cuộc thử nghiệm giai đoạn 1.
Hồi cuối tháng 6, Trung Quốc đã đồng ý cho phép sử dụng vắc-xin Ad5-nCoV ở lực lượng binh sĩ Trung Quốc trong vòng một năm dù vaccine này chưa hoàn tất cuộc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3.
Hồi đầu tháng 7, Qiu Dongxu, người đồng sáng lập CanSino Biologics cho biết đang đàm phán với nhà chức trách ở Nga, Brazil, Chile và Ả Rập Saudi để triển khai cuộc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3. CanSino Biologics đặt mục tiêu sản xuất 100-200 triệu liều vắc-xin vào đầu năm 2021.
... nhưng Anh có khả năng về đích trước
Vắc-xin ChAdOx1 nCoV-19 (hay còn gọi là AZD1222), do Viện Jenner của trường Đại học Oxford và hãng dược phẩm AstraZeneca ở Anh phát triển, có thể trở thành vắc-xin Covid-19 được cấp phép đầu tiên trên thế giới.
Sản phẩm đang bước vào thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 ở Anh, Nam Phi và Brazil. AZD1222 được phát triển từ phiên bản của một virus cúm thông thường ChAdOx1, thường hiện diện ở con tinh tinh. Các nhà khoa học Anh đã bổ sung các nguyên liệu gen liên quan đến protein có tên gọi Spike glycoprotein (S) của virus SARS-CoV-2 vào virus ChAdOx1 để thử nghiệm ở người.
Sarah Gilbert, Giáo sư vắc-xin học ở Viện Jenner, người đứng đầu cuộc nghiên cứu AZD1222, cho biết 8.000 người tình nguyện đã được tuyển dụng cho cuộc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3.
Theo thỏa thuận hợp tác với Đại học Oxford, AstraZeneca đã đồng ý bán AZD1222 không lợi nhuận trong thời kỳ khủng hoảng.
Giám đốc điều hành AstraZeneca, Pascal Soriot, cho biết sẽ cung cấp vắc-xin này ra thị trường với giá chỉ vài đô la Mỹ mỗi liều. Hồi tháng 5, chính phủ Anh đã đồng ý hỗ trợ 65 triệu bảng để giúp các nhà nghiên cứu ở Đại học Oxford đẩy nhanh tiến độ thử nghiệm AZD1222 đồng thời đặt mua 30 triệu liều để sử dụng ở Anh.
Đây là một phần của thỏa thuận mua 100 triệu liều vắc-xin AZD1222 của chính phủ Anh, trong đó, nhiều triệu liều sẽ cung cấp cho nước đang phát triển với giá rẻ. AstraZeneca cũng đã ký kết thỏa thuận 1,2 tỉ đô la Mỹ với Cơ quan Nghiên cứu và phát triển Y sinh tiên tiến (BARDA) thuộc Bộ Y tế và dịch vụ con người Mỹ (HHS) để phát triển và cung cấp 300 triệu liều cho Mỹ.
Vaccine ChAdOx1 nCoV-19 (hay còn gọi là AZD1222), do Viện Jenner của Đại học Oxford và hãng dược phẩm AstraZeneca ở Anh phát triển. Ảnh: Daily Mail
|
Hồi đầu tháng 6, Liên minh Đổi mới sẵn sàng ứng phó dịch bệnh (CEPI), một tổ chức từ thiện có trụ sở ở Davos, Thụy Sĩ và Liên minh toàn cầu về vắc-xin (GAVI) thông báo đầu tư 750 triệu đô la vào AstraZeneca để hợp tác sản xuất 300 triệu liệu AZD1222 cho chương trình tiếp cận vắc-xin công bằng trên toàn cầu.
Mới đây, Viện Srum, nhà sản xuất vắc-xin hàng đầu ở Ấn Độ, đã được sự cho phép của AstraZeneca để sản xuất và cung cấp 1 tỉ liều AZD1222 cho Ấn Độ và các nước có thu nhập thấp trên khắp thế giới. Viện này cho biết sẽ bắt đầu tiến hành thử nghiệm ở người tại Ấn Độ vào tháng sau.
Tại một cuộc điều trần trước Quốc hội Anh hồi đầu tháng 7, Kate Bingham, người đứng đầu nhóm chuyên trách vắc-xin Covid-19, nhận định hiện tại AZD1222 là vắc-xin Covid-19 dẫn đầu thế giới.
Hôm 20-7, tạp chí y khoa Lancet công bố kết quả thử nghiệm lâm sàng AZD1222 cho thấy vắc-xin này không gây bất cứ phản ứng phụ nghiêm trọng nào, đồng thời tạo ra phản ứng miễn dịch thông qua sự xuất hiện các kháng thể và tế bào T độc (nhóm tế bào tiêu diệt các tế bào bị nhiễm virus).
Với thành công bước đầu này, AZD1222 có thể được cấp phép vào đầu năm 2021 nếu dữ liệu của các cuộc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 và giai đoạn 3 tiếp tục có kết quả tích cực.
Các đối thủ ở Mỹ bám sát
Tại Mỹ, vắc-xin mRNA-1273 của Công ty công nghệ sinh học Moderna (Mỹ) cũng vừa hoàn tất đăng ký tuyển người tình nguyện cho cuộc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 và chuẩn bị cho cuộc thử nghiệm lâm sang giai đoạn 3 vào ngày 27-7 tới.
Kết quả cuộc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 của vaccine này, công bố hôm 14-7, cho thấy đã tạo ra phản ứng miễn dịch khả quan. Kỳ vọng của giới đầu tư về sự thành công của mRNA-1273 đã giúp giá cổ phiếu Moderna tăng 385% trong năm nay.
Hồi tháng 4, Moderna đã được BARDA đồng ý đầu tư 483 triệu đô la để tăng tốc phát triển mRNA-1273. Ngày 17-6, chính phủ Israel đã ký thỏa thuận mua sản phẩm này để cung cấp cho nhu cầu trong nước nếu nó được phát triển thành công.
Một đối thủ nặng ký khác trong cuộc đua phát triển vắc-xin Covid-19 là Công ty công nghệ sinh học Novavax, trụ sở tại Maryland, Mỹ. Công ty này bắt đầu thử nghiệm làm sàng giai đoạn 1 đối với NVX-CoV2373 hồi tháng 5.
Trong lịch sử 33 năm tồn tại, Novavax chưa bao giờ cung cấp bất kỳ vắc-xin nào ra thị trường nhưng các chuyên gia lạc quan về công nghệ mà Novavax đang sử dụng để phát triển NVX-CoV2373.
Đó là công nghệ sản xuất vắc-xin bằng cách biến các tế bào của côn trùng thành các “nhà máy nhỏ” để bơm hút các protein quan trọng của virus SARS-Cov-2 với tốc độ nhanh hơn so với phương pháp sản xuất vắc-xin thông thường, sử dụng tế bào chuột hoặc các động vật có vú khác.
Cho đến nay, Novavax đã nhận được nhiều khoản đầu tư để phát triển NVX-CoV2373 bao gồm 388 triệu đô la Mỹ từ CEPI và 1,6 tỉ đô la Mỹ từ chương trình Operation Warp Speed của chính phủ Mỹ. Khoản đầu tư 1,6 tỉ đô la của chính phủ Mỹ sẽ được sử dụng để hỗ trợ Novavax tiến hành các cuộc thử nghiệm lâm sàng và sản xuất 100 triệu liều vào cuối năm 2020.