VDS: Không gian tăng trưởng của TTCK tháng 6 hẹp dần, nhà đầu tư nên tiết kiệm sức mua
Trong báo cáo chiến lược mới công bố, CTCK Rồng Việt (VDS) khuyến nghị việc mua mới ở thời điểm hiện tại cần được cân nhắc cẩn trọng. VDS dự báo quý 2 sẽ là quý ghi nhận KQKD tệ nhất đối với nhiều lĩnh vực cũng như tăng trưởng GDP. Cơ hội để mua với mức giá hấp dẫn có thể phát sinh tại thời điểm đó, nhà đầu tư nên tiết kiệm một phần sức mua.
Xu hướng tham gia thị trường chứng khoán của các nhà đầu tư (NĐT) trong nước có thể tiếp tục trong tháng 6. TTCK tháng 5 đã tăng mạnh hơn kỳ vọng của VDS, nhờ sự tham gia mạnh mẽ của NĐT trong nước cũng như áp lực bán ròng từ NĐT nước ngoài giảm.
VDS cho rằng sự tham gia tích cực của NĐT trong nước, bên cạnh những tiến triển khả quan của việc kiểm soát dịch bệnh, còn có sự hỗ trợ lớn từ việc nới lỏng hơn nữa chính sách tiền tệ của NHNN, đặc biệt trong giai đoạn nhu cầu vốn của nền kinh tế chưa cao (hoạt động SX trì trệ do các quốc gia đối tác thương mại lớn của Việt Nam vẫn đang đóng cửa).
Lực cầu từ khối ngoại sẽ chủ yếu đến từ các ETFs mới khi mà các ETFs này giải quyết phần nào bài toán giới hạn sỡ hữu nước ngoài hiện nay.
Tuy nhiên, báo cáo của VDS chỉ ra rằng không gian tăng trưởng của thị trường không còn nhiều.
Sau khi diễn biến tốt hơn so với các thị trường chứng khoán trong khu vực và trên thế giới, VN-Index đã gần như bắt kịp nhịp hồi của thị trường thế giới trong tháng 5. Hầu hết các cổ phiếu trụ đã hồi phục tốt hơn so với phần còn lại của thị trường ngoại trừ một số cổ phiếu như VIC, VJC và NVL. Do đó, VDS cho rằng lực kéo chỉ số của các cổ phiếu trụ cũng sẽ giảm đi đáng kể so với hai tháng trước đó.
Trong khi đó, dòng tiền từ nhà đầu tư cá nhân trong nước đã bắt đầu mua bán có chọn lọc hơn khi mà khối này bắt đầu luân phiên mua bán ròng trong tháng 5 thay vì mua ròng hoàn toàn trong các tháng trước đó. Thống kê của VDS cho thấy lượng tài khoản mở mới trong tháng 5 đã bắt đầu chậm lại.
Ở khía cạnh cơ bản, thị trường đang tỏ ra đắt hơn so với giai đoạn đầu năm khi mà VN-Index chỉ còn giảm 8.5% so với đầu năm trong lợi nhuận cơ bản dự phóng trên mỗi cổ phiếu 2020 được điều chỉnh xuống -4% thay vì +12% thời điểm đầu năm.
Ngoài ra, với việc thị trường đã hồi phục 30% kể từ đáy tháng 3 và định giá cổ phiếu không còn hấp dẫn, còn nhiều rủi ro mà NĐT cần lưu tâm như diễn biến phức tạp của chính trị thế giới, nguy cơ dịch bùng phát trở lại, nhà đầu tư Mỹ đặt cược nhiều hơn vào khả năng giảm điểm. VDS nhận định các rủi ro này chủ yếu là ngoại tác, vốn không/chưa ảnh hưởng tác động trực tiếp đến hoạt động kinh tế Việt Nam, nhưng có thể chi phối tâm lý của NĐT.
Tóm lại, sự tích cực của dòng tiền có thể giúp VN-Index chi phục mốc cao hơn trong tháng 6, tuy nhiên không gian tăng trưởng không nhiều. VN-Index được kỳ vọng sẽ dao động trong khoảng là 830 - 905.
Việc mua mới ở thời điểm hiện tại cần được cân nhắc cẩn trọng. Các nhà đầu tư đã mua và sinh lời được VDS khuyến nghị nên chốt lời. VDS nhắc lại quý 2 sẽ là quý ghi nhận KQKD tệ nhất đối với nhiều lĩnh vực cũng như tăng trưởng GDP. Cơ hội để mua với mức giá hấp dẫn có thể phát sinh tại thời điểm đó, nhà đầu tư nên tiết kiệm một phần sức mua.
Trong số các nhóm ngành sẽ ghi nhận KQKD kém trong quý 2, một số ngành sẽ có kết quả tốt hơn so với quý 1, chẳng hạn như chứng khoán hay thủy sản (cá tra). Tích lũy cổ phiếu của các nhóm ngành này trong tháng 6 có thể mang lại lợi nhuận ngắn hạn cho các nhà đầu tư.
Đông Tư
FILI
|