Trung Quốc và Hàn Quốc bắt đầu chạy đua công nghệ 6G
Khi mạng 5G đang dần được triển khai rộng khắp, hai quốc gia này đã bắt đầu phát triển công nghệ 6G.
Khi các mạng không dây thế hệ thứ năm (5G) bắt đầu được triển khai rộng rãi, nhiều ông lớn công nghệ đã bắt đầu cạnh tranh để phát triển 6G. Samsung Electronics và Huawei Technologies là hai cái tên đi đầu trong việc triển khai các trạm cơ sở, vốn là hạ tầng quan trọng của mạng viễn thông.
Nhờ sự tham gia của hai gã khổng lồ, Hàn Quốc và Trung Quốc sẽ có lợi thế trong cuộc chạy đua công nghệ 6G, theo Nikkei. Nhật Bản và Mỹ sẽ gặp khó nếu muốn đuổi kịp hai quốc gia nói trên về 6G.
Một trạm phát đang được lắp đặt tại Mỹ. Ảnh: Reuters.
|
Công việc chuẩn hóa các thông số kỹ thuật công nghệ cho mạng 6G dự kiến sẽ bắt đầu vào khoảng năm 2023. Động thái đó có thể sẽ khởi động sự phát triển thiết bị và linh kiện 6G, tiến tới thương mại hóa dự kiến vào khoảng năm 2027.
Hàn Quốc và Trung Quốc có lợi thế từ những nhà sản xuất smartphone, trạm cơ sở và linh kiện điện tử. Điều đó giúp cho họ tận dụng được thế mạnh công nghệ và thiết lập các tiêu chuẩn công nghệ 6G thông qua các công ty tư nhân. Hàn Quốc sẽ tìm cách trở thành quốc gia đầu tiên triển khai dịch vụ thương mại 6G, với dự án phát triển trị giá 800 triệu USD và trung tâm nghiên cứu của Samsung, LG.
Trong khi đó, Trung Quốc cũng tiết lộ chương trình nghiên cứu và phát triển vào tháng 11, và công ty công nghệ lớn nhất nước này là Huawei đã giới thiệu đội ngũ nghiên cứu về 6G.
Với công nghệ 6G, tốc độ mạng có thể đạt tới hơn 1 Tb/s, nhanh hơn 10 lần so với 5G. Nhưng về phạm vi phủ sóng, khoảng cách truyền của các trạm gốc 6G sẽ chỉ từ 200 m trở xuống, do công nghệ 6G sử dụng bước sóng ngắn hơn, ăng-ten nhỏ hơn.
Trung Quốc là nước có lợi thế về phát triển 5G, gần đây đã lắp đặt trạm phát 5G tại đỉnh Everest. Ảnh: Twitter.
|
Do vậy, mạng 6G sẽ cần số trạm phát nhiều gấp khoảng 10 lần dân số, theo Giáo sư Tetsuya Kawanishi tại đại học Waseda Tokyo. Ông Kawanishi cho rằng riêng nước Nhật đã cần khoảng 1 tỷ trạm phát, và toàn thế giới cần khoảng 100 tỷ trạm. Tuy nhiên, trạm phát 6G sẽ thu gọn lại chỉ tương đương chiếc điện thoại, chứ không cần phải lớn như hiện nay.
Theo số liệu của IHS Markit, ba công ty là Huawei, Ericsson và Nokia đã chiếm khoảng 80% thị phần trạm phát viễn thông. Tuy Mỹ và Nhật đều không có công ty nào nổi bật trong lĩnh vực này, cả hai quốc gia đều thể hiện tham vọng. Tổng thống Mỹ Donald Trump từng nói về mục tiêu đưa Mỹ dẫn đầu công nghệ 6G. Trong khi đó, chính phủ Nhật đã đưa ra chiến lược "hậu 5G", với mục tiêu đạt 30% thị phần toàn cầu về trạm phát và các nền tảng, 10% số bản quyền công nghệ với công nghệ 6G.
Hiện tại Samsung đang là công ty đi đầu về bản quyền 5G, nắm giữ 8,9% số lượng bản quyền. Huawei đứng thứ hai với 8,3%, Qualcomm là 7,4%, trong khi NTT Docomo của Nhật đứng thứ 6 với 5,5%.
Hà My
Zing.vn
|