Thoái bớt vốn ngành bán lẻ, Vietnam Holding rót tiền vào VTP với kỳ vọng về thương mại điện tử
“Những chồi non trong tháng 5” là bình luận mở đầu của Vietnam Holding tại báo cáo cập nhật mới nhất của Quỹ.
Vietnam Holding chú ý đến sự tăng trưởng mạnh của thương mại điện tử trong mùa dịch, khi người tiêu dùng hạn chế ra ngoài. Các hoạt động mua sắm trực tuyến tăng 33% trong tháng 4-5/2020, thanh toán trực tuyến và việc sử dụng ví điện tử tăng 10%.
Tổng CTCP Bưu chính Viettel (UPCoM: VTP) xuất hiện trong danh sách các khoản đầu tư lớn nhất của Vietnam Holding, với 4.6% tỷ trọng danh mục tính đến cuối tháng 05/2020. Hãng chuyển phát nhanh thuộc Tập đoàn Viettel có mức tăng trưởng doanh thu đến 84% trong quý đầu năm, và được kỳ vọng hưởng lợi từ xu hướng mua sắm trực tuyến trong thời gian tới.
Một khoản đầu tư mới khác của Vietnam Holding nằm trong lĩnh vực hóa phẩm. Tuy nhiên, Quỹ không tiết lộ thêm thông tin về thương vụ này.
Đáng chú ý, tỷ trọng ngành bán lẻ trong cơ cấu danh mục Vietnam Holding giảm mạnh từ mức 18% vào cuối tháng 3 xuống còn mức 14% vào cuối tháng 5. Tỷ trọng các khoản đầu tư vào MWG và PNJ đều giảm. Giữa viễn cảnh nền kinh tế có thể chịu nhiều tác động vì dịch Covid-19, dịch vụ bán lẻ là một trong những ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi sức tiêu dùng suy giảm khi thu nhập người dân đi xuống. Các mặt hàng chính trong cơ cấu doanh thu, lợi nhuận của MWG (điện thoại, điện máy) và PNJ (trang sức), vốn là những sản phẩm không thiết yếu, đối diện với viễn cảnh kinh doanh có phần xám màu.
PNJ là cổ phiếu đóng góp nhiều nhất vào thành tích của Vietnam Holding trong tháng 5 vừa qua. Theo chia sẻ của Vietnam Holding, hãng bán lẻ kim hoàn lớn nhất nước đã triển khai kế hoạch dự phòng ngay từ tháng 2, theo đó, đẩy mạnh bán hàng trực tuyến để bù đắp cho việc đóng cửa hàng trong suốt thời gian phong tỏa. Dù vậy, PNJ phải chấp nhận một khoản lỗ ròng 89 tỷ đồng trong tháng 4, giai đoạn cả nước thực hiện các biện pháp giãn cách để ngăn dịch bệnh lây lan.
Thị trường chứng khoán Việt Nam có thành tích tăng điểm đứng đầu châu Á trong tháng 05/2020. Không chỉ vậy, Việt Nam còn nổi bật trong công cuộc kiểm soát đại dịch Covid-19 và những khởi đầu suôn sẻ trong quá trình tái mở cửa nền kinh tế, Vietnam Holding nhận định.
Giá trị tài sản ròng trên mỗi chứng chỉ quỹ (NAV per Share) của Vietnam Holding tăng 10.4% trong tháng 5 vừa qua, nhưng vẫn thấp hơn mức tăng 13% của chỉ số tham chiếu Vietnam All Share. Thị trường chứng khoán trong tháng 5 được dẫn dắt phần lớn bởi nhóm cổ phiếu ngân hàng và bất động sản.
Thành tích của Vietnam Holding so với Vietnam All Share Index
Nguồn: Vietnam Holding
|
Vietnam Holding là quỹ đầu tư phân bổ tài sản khá tập trung, với toàn bộ danh mục gồm 24 khoản đầu tư tính đến cuối tháng 5. Theo chia sẻ của Quỹ, hầu hết công ty trong danh mục đầu tư đều hoạt động liên tục theo kế hoạch một cách hiệu quả trước và trong giai đoạn phong tỏa vì dịch bệnh. Tính đến nay, chưa có ca nhiễm virus Corona nào tại các công ty nằm trong danh mục Vietnam Holding.
Các khoản đầu tư lớn nhất của Vietnam Holding
Nguồn: Vietnam Holding
|
FPT - khoản đầu tư lớn nhất của Vietnam Holding - tỏ ra nổi bật trong cách thức truyền tải các biện pháp bảo vệ và kế hoạch dự phòng cho các bên liên quan và cổ đông, đặc biệt là nhân viên và những công ty trong chuỗi cung ứng. FPT cũng đã tổ chức họp thường niên trực tuyến vào tháng 04/2020 thay vì hoãn đại hội.
Một trong những công ty có mức tăng trưởng kinh doanh tốt nhất trong danh mục Vietnam Holding là HPG. Hãng thép xây dựng lớn nhất nước đang tiếp tục đầu tư mạnh vào những công nghệ tối ưu năng lượng. Đồng thời, mối quan hệ đối tác dài hạn với những nhà nhập khẩu ở các quốc giá khác đã giúp xuất khẩu ống thép của Hòa Phát tăng vọt 78% trong 5 tháng đầu 2020.
Thừa Vân - Vũ Hạo
FILI
|