Sadeco 'vẽ' hai đợt tham quan học tập ở châu Âu hơn 4,6 tỉ đồng
Sadeco chi tiền cho các cá nhân đi du lịch nước ngoài, dưới danh nghĩa đi “tham quan, khảo sát, học tập”, gây thất thoát cho Sadeco hơn 3,6 tỉ đồng.
* Ai tiếp tay thâu tóm Sadeco gây thiệt hại hàng trăm tỉ đồng?
Trụ sở IPC tại Q.7, TP.HCM Ảnh: Độc Lập
|
Mở rộng điều tra vụ án “tham ô tài sản; vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, xảy ra tại Công ty TNHH MTV phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC), Công ty CP phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco), ngày 17.6, Phòng CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế buôn lậu (PC03) Công an TP.HCM đã khởi tố thêm 3 bị can, gồm: Huỳnh Phước Long (53 tuổi, nguyên chuyên viên Văn phòng Thành ủy, nguyên thành viên HĐQT Sadeco), Đỗ Công Hiệp (47 tuổi, kế toán trưởng Sadeco), Trần Công Thiện (nguyên Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV đầu tư và xây dựng Tân Thuận) cùng về hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Trước đó, tháng 5.2019, Hồ Thị Thanh Phúc, nguyên Tổng giám đốc Sadeco bị khởi tố, bắt giam về cùng hành vi trên. Ông Tề Trí Dũng, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC) kiêm Chủ tịch HĐQT Sadeco cũng bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về hành vi tham ô tài sản và vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí sau hàng loạt sai phạm nghiêm trọng.
Nhiều cá nhân đi du lịch không phải nhân viên Sadeco
IPC là doanh nghiệp nhà nước do UBND TP.HCM sở hữu 100% vốn điều lệ lên đến hơn 2.900 tỉ đồng. Hàng loạt sai phạm nghiêm trọng tại IPC diễn ra trong thời gian ngắn sau khi ông Tề Trí Dũng được bổ nhiệm làm tổng giám đốc, nắm quyền lực chi phối IPC và ở hầu hết các công ty con, liên doanh và liên kết như Sadeco.
Tề Trí Dũng không chỉ có sai phạm trong những “phi vụ” ném tiền qua cửa sổ, lũng đoạn tài sản nhà nước thông qua việc chuyển nhượng dự án, "phù phép" tăng vốn điều lệ mà còn có sai phạm trong việc lợi ích nhóm, chủ trương chi tiền cho một số cá nhân ở IPC, Sadeco đi du lịch ở châu Âu dưới danh nghĩa đi “tham quan, khảo sát, học tập”.
Cụ thể, ông Tề Trí Dũng, Chủ tịch HĐQT Sadeco, ký ban hành nghị quyết thông qua việc hạch toán 100% chi phí nghỉ mát của cán bộ nhân viên vào chi phí hoạt động, đảm bảo không quá 1 tháng lương thực tế theo quy định của Bộ Tài chính. Năm 2017, số tiền chi lương thực tế của Sadeco là hơn 21 tỉ đồng nên tiền lương bình quân 1 tháng là hơn 1,8 tỉ đồng. Vì vậy chi phí đi nghỉ mát sẽ không được vượt quá số tiền này.
Tính đến ngày 25.10.2017, tổng chi phí tham quan, nghỉ mát của Sadeco đã chi cho cán bộ nhân viên hết 949 triệu đồng; nguồn kinh phí nghỉ mát chỉ còn lại 861 triệu đồng, tức là các khoản chi nghỉ mát tiếp theo không được cao hơn khoản tiền này. Điều đáng nói, Hồ Thị Thanh Phúc chỉ đạo lập và duyệt hồ sơ, thủ tục cho 2 đoàn công tác nước ngoài với lý do “Tham quan, khảo sát mô hình phát triển các khu công nghiệp, cảng và bất động sản dân dụng tại một số quốc gia phát triển ở châu Âu”, trong khi Sadeco không hề có dự án khu công nghiệp hay dự án cảng nào.
Tháng 11.2017, Phúc ký 2 hợp đồng nghỉ mát ở châu Âu nói trên với Công ty B.T, giá hơn 4,6 tỉ đồng. Cụ thể, chuyến du lịch châu Âu 15 ngày (từ ngày 11.11.2017 đến 25.11.2017) với giá hơn 180 triệu đồng/người và một chuyến 18 ngày (từ 29.12.2017 đến 15.1.2018) với chi phí hơn 240 triệu đồng/người. Chuyến đầu tiên có 9 người tham gia và chuyến thứ hai có 11 người tham gia. Đáng chú ý, có nhiều cá nhân đi du lịch lần này không phải là cán bộ, nhân viên Sadeco; còn lại đa số là thành viên HĐQT, ban kiểm soát và các lãnh đạo phòng ban của Sadeco và IPC, trong đó có ông Tề Trí Dũng.
Thừa nhận đi châu Âu du lịch, nghỉ mát
Về vụ việc này, CQĐT xác định, việc chi hơn 4,6 tỉ đồng này cũng đã vượt quá hơn 3,7 tỉ đồng số tiền chi đi nghỉ mát theo quy định. Đặc biệt, việc đi nước ngoài cũng không phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh nào của Sadeco. Lãnh đạo Sadeco đã tự “vẽ” ra việc đi học tập, khảo sát dự án để đi du lịch, tham quan châu Âu.
Được biết, số tiền chi trả cho cán bộ nhân viên đã được hạch toán vào kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2017, báo cáo thuế năm 2017 và đã quyết toán thuế. Tuy nhiên, đến tháng 4.2018, do chi phí chi trả cho các cá nhân ngoài công ty là không hợp lý, Sadeco yêu cầu và được 4 cá nhân nộp lại tổng số tiền 984 triệu đồng.
Đến tháng 1.2019, HĐQT Sadeco chấp thuận sử dụng Quỹ khen thưởng hội đồng quản trị và ban kiểm soát để hoàn lại toàn bộ chi phí cho chuyến đi nước ngoài còn lại nêu trên và hạch toán vào thu nhập khác của Sadeco trong năm 2018, 2019. Những người tham gia chuyến đi đều thừa nhận chương trình đi du lịch tham quan những điểm nổi tiếng của châu Âu, nghỉ mát chứ không gặp đối tác, cá nhân, doanh nghiệp nước ngoài, và cũng chẳng khảo sát dự án, cảng biển, công trình nào, không liên quan đến công việc của công ty.
CQĐT cũng chỉ ra, kế toán trưởng Sadeco Đỗ Công Hiệp đã có sai phạm vì ký trình tổng giám đốc duyệt các tờ trình thông qua chủ trương tham quan - học tập tại châu Âu, ký duyệt hạch toán chi phí hai chuyến đi nghỉ mát với nội dung “Chi phí nghỉ mát BĐH đợt 2 năm 2017” và duyệt thanh toán hơn 4,6 tỉ đồng. Còn Tề Trí Dũng, thời điểm đó là Chủ tịch HĐQT Sadeco, trực tiếp tham gia chuyến đi, là người chủ trương chuyến đi, biết rõ việc chi các khoản tiền vượt quá chi phí nghỉ mát theo quy định công ty nhưng vẫn cho cấp dưới thực hiện, gây thiệt hại cho Sadeco hơn 3,6 tỉ đồng.
CQĐT nhận thấy trách nhiệm gây thất thoát số tiền này thuộc về Hồ Thị Thanh Phúc, Tề Trí Dũng và Đỗ Công Hiệp. Hiện PC03 đang tiếp tục điều tra mở rộng, làm rõ hành vi của những người liên quan trong vụ án tại Sadeco.
Ngọc Lê
Thanh niên
|