Malaysia không chấp nhập khoản tiền bồi thường 3 tỷ USD từ Goldman Sachs
Theo phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur, ngày 6/6, Bộ trưởng Tài chính Malaysia Zafrul Aziz cho biết chính phủ nước này sẽ không chấp nhận khoản tiền bồi thường 3 tỷ USD từ Goldman Sachs liên quan tới bê bối tại Quỹ đầu tư Nhà nước Malaysia (1MDB).
Trụ sở Goldman Sachs tại New York, Mỹ. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
|
Malaysia đã cáo buộc Goldman Sachs và 17 cá nhân giữ chức vụ giám đốc và cựu giám đốc các đơn vị của ngân hàng này đã lừa dối các nhà đầu tư về bán số trái phiếu trị giá 6,5 tỷ USD cho quỹ 1MDB, mặc dù biết rõ số tiền này sẽ được sử dụng sai trái.
Theo Bộ trưởng Zafrul Aziz, tháng 5 vừa qua ông và đại diện của Tập đoàn Goldman Sachs, đơn vị sở hữu ngân hàng này, đã thảo luận các nội dung liên quan tới thỏa thuận bồi thường. Ông nhấn mạnh quốc gia Đông Nam Á sẽ tiếp tục theo đuổi chặt chẽ vụ việc nhằm thu được tối đa số tiền bồi thường từ tập đoàn này, cũng như tiếp tục chờ đợi trong khi các thủ tục pháp lý liên quan vụ kiện đối với Goldman Sachs đang tiếp diễn.
Quan chức cấp cao này khẳng định Malaysia không chấp nhận số tiền bồi thường ở mức 2 tỷ hoặc 3 tỷ USD và sẽ tiếp tục các thủ tục pháp lý đối với vụ việc này trừ khi phía Goldman Sachs đưa ra con số mà chính phủ nước này có thể nhận được. Tuy nhiên, ông Zafrul Aziz không tiết lộ các chi tiết cụ thể.
Hiện người đứng đầu truyền thông khu vực châu Á của Goldman Sachs, Edward Naylor, từ chối đưa ra bình luận về thông tin trên.
Theo Bộ Tư pháp Mỹ, Goldman Sachs thu được khoản lợi nhuận vào khoảng 600 triệu USD tiền phí từ các công việc liên quan tới 1MDB.
1MDB là quỹ đầu tư do cựu Thủ tướng Najib Razak sáng lập năm 2009 nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của Malaysia thông qua quan hệ đối tác toàn cầu và đầu tư trực tiếp nước ngoài. Quỹ này là trung tâm của vụ bê bối thất thoát 3,7 tỷ USD, được cho là tiền tham nhũng và chuyển ra nước ngoài để rửa tiền, dẫn đến một loạt cuộc điều tra ở Malaysia và các nước như Mỹ, Thụy Sĩ, Singapore.
Vụ bê bối cũng là một trong những nguyên nhân khiến ông Najib Razak thất bại trong cuộc bầu cử năm 2018. Ông Najib đã bị đưa ra xét xử về vụ bê bối này kể từ khi mất quyền lực, đối mặt với 42 cáo buộc rửa tiền và hối lộ. Tuy nhiên, Ông Najib Razk khẳng định ông vô tội, đồng thời cho rằng các cáo buộc chống lại ông là nhằm mục đích chính trị. Tới nay, phía Mỹ đã trả lại hoặc hỗ trợ Malaysia thu hồi khoảng 600 triệu USD từ việc bán những tài sản được cho là mua bằng số tiền thất thoát từ quỹ 1MDB.
Đáng chú ý, trong phiên xét xử ngày 5/6, Thẩm phán Tòa án Kuala Lumpur, Mohamad Nazlan Mohamad Ghazali cho biết sẽ đưa ra phán quyết vào ngày 28/7 tới sau khi các công tố viên và luật sư bào chữa đưa ra các lập luận cuối cùng. Trong trường hợp bị kết tội, ông Najib sẽ phải đối mặt với án tù từ 15 đến 20 năm cho mỗi tội danh.
Mạnh Tuân
TTXVN
|