Kinh tế Nhật Bản được nhận định 'gần như ngừng suy giảm'
Văn phòng Nội các Nhật Bản cho biết kinh tế Xứ sở Mặt trời vẫn trong tình trạng cực kỳ nghiêm trọng do dịch COVID-19, nhưng gần như đã ngừng suy giảm.
Cảng container ở Tokyo, Nhật Bản. (Ảnh: AFP/TTXVN)
|
Trong báo cáo kinh tế tháng Sáu được công bố ngày 19/6, Chính phủ Nhật Bản cho biết, nền kinh tế nước này đã gần như ngừng suy giảm, trong bối cảnh Nhật Bản đã bắt đầu mở cửa trở lại sau khi dỡ bỏ hoàn toàn tình trạng khẩn cấp toàn quốc do dịch COVID-19.
Sau khi nhận định nền kinh tế đang “suy giảm nhanh chóng” trong báo cáo tháng Năm, đây là lần đầu tiên kể từ tháng 1/2018 Chính phủ Nhật Bản nâng mức đánh giá đối với nền kinh tế.
Trước sự cải thiện trong hoạt động tiêu dùng tư nhân cùng với tiến trình mở cửa trở lại các hoạt động kinh tế trên khắp cả nước, Văn phòng Nội các Nhật Bản cho biết: "Kinh tế Nhật Bản vẫn trong tình trạng cực kỳ nghiêm trọng do dịch COVID-19, nhưng gần như đã ngừng suy giảm."
Hôm 25/5, Thủ tướng Abe đã quyết định dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc. Tuy nhiên, người dân vẫn được khuyến cáo tránh đến và đi từ thủ đô Tokyo cùng với ba tỉnh lân cận nằm trong vùng thủ đô gồm Chiba, Kanagawa và Saitama, và tỉnh Hokkaido nằm ở phía Bắc nước này nếu không có việc cần thiết hoặc khẩn cấp.
Từ ngày 19/6, Nhật Bản cũng đã dỡ bỏ các biện pháp hạn chế đi lại giữa các địa phương do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã được khống chế ở nước này.
Tuy nhiên, báo cáo cho biết dù nền kinh tế được dự đoán sẽ phục hồi phần nào trong ngắn hạn, nhờ những biện pháp kích thích của chính phủ và việc mở cửa trở lại nền kinh tế, nhưng vẫn cần chú ý đến "xu hướng lây nhiễm dịch bệnh trong nước và quốc tế,” cũng như những biến động trên thị trường tài chính toàn cầu.
Trong một thông tin có liên quan, chỉ số giá tiêu dùng cốt lõi của Nhật Bản, bao gồm giá dầu nhưng không bao gồm giá thực phẩm tươi sống vốn dễ biến động, đã giảm 0,2% trong tháng 5/2020 so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu tháng thứ hai liên tiếp chỉ số này đi xuống, qua đó củng cố những dự đoán về giảm phát, đồng thời làm gia tăng thách thức cho các nhà hoạch định chính sách đang nỗ lực vực dậy nền kinh tế trước tác động của dịch COVID-19./.
Khánh Ly
Vietnam+
|