Thứ Tư, 10/06/2020 08:27

Hiệp định EVFTA tác động như nào tới các doanh nghiệp phân phối?

Thị trường trong nước, đặc biệt là thị trường phân phối của Việt Nam sẽ gặp nhiều thách thức và chịu nhiều tác động từ quá trình mở cửa theo cam kết của EVFTA.

* Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ ngày 01/08/2020

* VNDirect: Hàng xuất khẩu thủy sản, điện tử, dệt may của Việt Nam hưởng lợi nhờ EVFTA

* Hiệp định EVFTA: Mở 'nút thắt' cho xuất khẩu dệt may, da giày

Hiệp định Thương mại Tự do EVFTA sẽ là cơ hội lớn cho cho ngành da giày của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU. (Ảnh: TTXVN)

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) chính thức được Quốc hội Việt Nam thông qua ngày 8/6 mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam phát triển thương mại, dịch vụ và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Theo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), việc này sẽ thúc đẩy các luồng vốn chất lượng cao của EU và các đối tác khác vào Việt Nam cũng như quá trình chuyển dịch cơ cấu và đổi mới mô hình tăng trưởng của thương mại trong nước.

Tuy nhiên, EVFTA cũng có những tác động tiêu cực, tạo ra những thách thức lớn đối với doanh nghiệp phân phối trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp phân phối có quy mô nhỏ và vừa nếu bộ phận doanh nghiệp này không thay đổi để thích ứng.

Thông qua Hiệp định này, thị trường trong nước có cơ hội tiếp cận và hấp thụ nguồn vốn đầu tư lớn, công nghệ quản lý tiên tiến, hiện đại trong các hoạt động thương mại từ các nước EU, cơ sở hạ tầng thương mại, nhất là hệ thống phân phối bán buôn, bán lẻ sẽ được hiện đại hóa.

Cùng với đó, các doanh nghiệp, người tiêu dùng trong nước được tiếp cận nguồn cung các sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao từ EU trong các lĩnh vực.

Thực tế thời gian qua, đầu tư trực tiếp nước ngoài vẫn là động lực quan trọng để Việt Nam đạt các kết quả đáng ghi nhận về thương mại và tăng trưởng kinh tế nói chung.

Khu vực FDI đóng góp khoảng 18% GDP của Việt Nam, gần một phần tư tổng đầu tư toàn xã hội, hai phần ba tổng kim ngạch xuất khẩu và tạo ra hàng triệu việc làm trực tiếp và gián tiếp.

Cá ngừ đại dương là mặt hàng chiến lược của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU. (Ảnh: TTXVN)

Đầu tư trực tiếp nước ngoài không những chỉ đem lại vốn đầu tư mà cả các công nghệ tiên phong, năng lực quản lý và kiến thức thị trường cho Việt Nam, góp phần nâng tầm cho các ngành kinh tế và tăng trưởng năng suất.

Trong giai đoạn hội nhập mạnh mẽ vừa qua, hoạt động thương mại trong nước hàng năm tạo ra giá trị khoảng 14-15% GDP, hỗ trợ tích cực cho công tácgiải quyết việc làm khi thu hút khoảng 6-7 triệu lao động (chiếm hơn 12% tổng lao động toàn xã hội), góp phần xóa đói giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội.

Dưới tác động của việc thực thi các cam kết hội nhập, hoạt động lưu thông hàng hóa trong nước liên tục gia tăng về quy mô và tốc độ.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2019 đạt 4,49 triệu tỷ đồng, gấp gần 3 lần so với năm 2010. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011-2019 đạt 12,75%/năm.

Đặc biệt, doanh nghiệp được tiếp cận với công nghệ tiên phong từ các nền kinh tế thành viên của các hiệp định thông qua hoạt động đầu tư, trao đổi thương mại, các chủ thể trên thị trường trong nước có nhiều cơ hội để đổi mới hoạt động kinh doanh, quản trị doanh nghiệp.

Đáng lưu ý, các hình thức bán hàng và phương thức kinh doanh thương mại và dịch vụ trên thị trường trong nước đã phát triển đa dạng, phong phú hơn và thương mại điện tử cũng ngày càng trở thành một kênh phân phối quan trọng.

Tuy nhiên, thị trường trong nước, đặc biệt là thị trường phân phối của Việt Nam sẽ gặp nhiều thách thức và chịu nhiều tác động từ quá trình mở cửa theo cam kết của EVFTA.

Đó là sự gia tăng áp lực cạnh tranh đối với các doanh nghiệp trong nước, hệ thống chính sách, pháp luật có thể không theo kịp biến động của thị trường, cơ sở hạ tầng và pháp luật quản lý đối với thương mại điện tử có sự chênh lệch với các nước.

Hơn nữa, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm trong lưu thông hàng hóa nhập khẩu trên thị trường nội địa, khó khăn trong việc cân đối giữa phát triển kinh tế, thương mại, phát triển xã hội và bảo vệ môi trường.

Dây chuyền chế biến trái cây xuất khẩu của Công ty Cổ phần Nafoods miền Nam. (Ảnh: TTXVN)

Ngoài ra, cạnh tranh gay gắt giữa các doanh nghiệp phân phối trong nước với năng lực hạn chế hơn so với các doanh nghiệp phân phối lớn đến từ các nước thuộc EU vốn đã có tiềm lực rất mạnh, do đó có thể dẫn đến khả năng các doanh nghiệp phân phối trong nước dễ bị thâu tóm, chiếm lĩnh thị phần bởi các doanh nghiệp nước ngoài.

Không những thế, thời gian để triển khai và thực thi các cam kết tại các FTA thế hệ mới nói chung và EVFTA nói riêng đang là lực cản lớn đối với Việt Nam.

Bởi, với các FTA thông thường, tổng thời gian thực thi tất cả các cam kết kéo dài 10 năm.

Với EVFTA, Việt Nam sẽ phải thực hiện các cam kết chỉ trong 5-7 năm, trong đó nhiều điều khoản sẽ phải thực hiện ngay sau khi hiệp định có hiệu lực, nhiều thỏa thuận sẽ phải thực hiện sau 2-3 năm.

Trong khi đó, trình độ phát triển của Việt Nam vẫn đang mở mức trung bình và thấp, do đó việc thực thi các cam kết EVFTA cũng đồng nghĩa với việc phải mở cửa thị trường cho hàng hóa, dịch vụ đến từ các nước đối tác thuộc EVFTA, lúc đó sẽ không còn khái niệm “sân nhà”.

Theo báo cáo của Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsel, tại khu vực châu Á, trong thời gian gần đây, thị trường bán lẻ Việt Nam là một trong những thị trường có tốc độ tăng trưởng cao.

Việt Nam đang có nhiều điều kiện thuận lợi như thu nhập bình quân đầu người đang tăng, kinh tế vĩ mô đang đà phát triển và việc ký kết thêm EVFTA... đã, đang và sẽ mang lại những điểm sáng nhất định cho kinh tế nói chung và thị trường bán lẻ nói riêng, là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam gia nhập vào các chuỗi cung ứng trong nước, khu vực và toàn cầu.

Để hạn chế những tác động tiêu cực và tận dụng các cơ hội mới do EVFTA mang lại, Vụ Thị trường trong nước khuyến cáo các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước cần nghiên cứu kỹ những nội dung, các quy tắc nội khối để có sự chuẩn bị sẵn sàng trong việc tận dụng những cơ hội có được từ EVFTA.

Các doanh nghiệp cần chuẩn bị và nâng cao khả năng xử lý những vấn đề mới, phi truyền thống như lao động, môi trường, mua sắm của Chính phủ, doanh nghiệp Nhà nước...

Mặt khác, các doanh nghiệp thúc đẩy liên kết và hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước để tận dụng công nghệ, quản lý và cả thị trường để tăng cường khả năng tham gia vào chuỗi giá trị, liên kết, hợp tác với các nhà sản xuất, tạo mối quan hệ thân thiện, tín nhiệm và tin cậy đối với khách hàng qua việc tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi cung ứng trong nước/khu vực/toàn cầu để nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường.

Đặc biệt, các doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển, quảng bá thương hiệu qua mạng, trên các kênh internet, điện thoại di dộng, mạng xã hội; hoàn thiện chỉ dẫn địa lý, nguồn gốc xuất xứ các sản phẩm hàng hóa của Việt Nam để tận dụng cơ hội thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường các nước thành viên trong các FTA.../.

Uyên Hương

Vietnam+

Các tin tức khác

>   Giảm gần 1.200 tỷ đồng tiền điện cho khách hàng (10/06/2020)

>   Chống ngập không chỉ cần tiền (10/06/2020)

>   Hà Nội lo áp lực dịch vụ công nếu bỏ điều kiện thường trú (09/06/2020)

>   Khi nào hiệp định EVFTA có hiệu lực? (10/06/2020)

>   Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ ngày 01/08/2020 (09/06/2020)

>   Thủ tướng: Cân nhắc mở lại đường bay quốc tế (09/06/2020)

>   Tính toán lại kịch bản tăng trưởng xuất, nhập khẩu năm 2020 (09/06/2020)

>   VNDirect: Hàng xuất khẩu thủy sản, điện tử, dệt may của Việt Nam hưởng lợi nhờ EVFTA (09/06/2020)

>   Chi hơn 1 tỉ USD, TPHCM vẫn ngập (09/06/2020)

>   'Phao cứu sinh' cho ngành du lịch sau đại dịch Covid-19 (09/06/2020)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật