VNDirect: Hàng xuất khẩu thủy sản, điện tử, dệt may của Việt Nam hưởng lợi nhờ EVFTA
Tại Báo cáo chuyên đề phát hành ngày 08/06/2020, Công ty Chứng khoán VNDirect (VND) cho rằng hai hiệp định EVFTA và EVIPA được kỳ vọng sẽ thúc đẩy mạnh mẽ thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và EU trong thập kỉ tới cũng như mở ra cánh cửa cho Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Ngày 08/06/2020, Quốc hội Việt Nam đã bỏ phiếu và chính thức thông qua hiệp định thương mại tự do (EVFTA) và hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA) giữa Việt Nam với Liên minh Châu Âu (EU). EVFTA dự kiến có hiệu lực chính thức kể từ ngày 01/08/2020 trong khi EVIPA còn cần sự phê chuẩn của từng nước thành viên EU trước khi chính thức có hiệu lực.
EVFTA mang lại nhiều lợi thế cho hàng xuất khẩu của Việt Nam tại thị trường EU
EU cam kết xóa bỏ 85.6% số dòng thuế đối với hàng hóa Việt Nam, tương ứng với 70.3% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Hiện tại, chỉ có hơn 42% giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang EU được hưởng thuế suất 0% theo Quy chế ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP). Trong vòng 7 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực, EU cam kết xóa bỏ 99.2% các dòng thuế, tương đương 99.7% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Đối với các mặt hàng còn lại, EU cam kết cung cấp cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu bằng 0%.
EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam sau Mỹ trong năm 2019. Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tổng giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và EU (28 nước, bao gồm cả Vương quốc Anh) đạt 56.4 tỷ USD trong năm 2019, chiếm gần 11% tổng giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam.
Trong đó, tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang EU trong năm 2019 đạt 41.5 tỷ USD, chiếm 15.7% tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam. Tổng giá trị hàng hóa nhập khẩu từ EU về Việt Nam đạt 14.9 tỷ USD, chiếm 5.9% tổng giá trị nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam.
VND cho rằng việc giảm thuế đối với hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang EU sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh lớn so với các đối thủ khác như Trung Quốc và các nước ASEAN. Cụ thể, giày dép của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU sẽ được hưởng thuế suất thấp hơn 3.5-4.2% so với hàng từ Trung Quốc khi khi thuế suất giảm về 0% sau 3-7 năm. Đặc biệt, Việt Nam là quốc gia thứ hai ở Đông Nam Á sau Singapore có hiệp định thương mại tự do với EU.
Theo VND, các sản phẩm điện tử, thủy sản và dệt may sẽ hưởng lợi lớn nhất trong số các mặt hàng xuất khẩu
Xuất khẩu sang EU được dự báo tăng 42.7% vào năm 2025 so với trường hợp không có EVFTA
Theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nếu EVFTA có hiệu lực trong năm 2019, giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang EU có thể tăng khoảng 20% vào năm 2020, 42.7% vào năm 2025 và 44.4% vào năm 2030 so với kịch bản không có EVFTA. Đồng thời, nhập khẩu của Việt Nam từ EU cũng sẽ tăng nhưng với tốc độ chậm hơn.
Cụ thể, giá trị nhập khẩu từ EU có thể tăng xấp xỉ 15.3% vào năm 2020; 33.1% vào năm 2025 và 36.7% vào năm 2030 so với trường hợp không có EVFTA. EVFTA có thể giúp GDP của Việt Nam tăng 2.2-3.3% (trong giai đoạn 2019-2023); tăng 4.6-5.3% (trong giai đoạn 2024-2028) và tăng 7.1-7.7% (trong giai đoạn 2029-2033) so với trường hợp không có EVFTA.
Việt Nam cũng sẽ mở rộng thị trường cho hàng hóa xuất khẩu từ EU
Việt Nam cam kết xóa bỏ 48.5% số dòng thuế đối với hàng hóa xuất khẩu từ EU ngay sau khi EVFTA có hiệu lực, tương đương 64.5% tổng giá trị nhập khẩu từ EU. Trong vòng 10 năm từ khi EVFTA có hiệu lực, Việt Nam cam kết xóa bỏ hơn 98.3% số dòng thuế đối với hàng hóa xuất khẩu của EU, tương đương 99.8% tổng giá trị nhập khẩu từ EU.
Hiện tại, EU là nhà cung cấp hàng hóa lớn thứ tư của Việt Nam. Xuất khẩu của EU sang Việt Nam chủ yếu bao gồm máy móc, hóa chất và thiết bị vận tải, đều là những mặt hàng cần thiết cho sự chuyển đổi mô hình phát triển và hiện đại hóa của nền kinh tế Việt Nam.
Việc giảm thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ EU sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận với máy móc, thiết bị chất lượng cao và công nghệ mới từ châu Âu với giá thấp hơn. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp cải thiện năng suất lao động cũng như tăng cường ứng dụng công nghệ cao, từ đó mở ra cơ hội tiến sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Ngoài ra, sự thâm nhập của hàng hóa châu Âu vào Việt Nam sẽ tạo ra áp lực cạnh tranh buộc các nhà sản xuất trong nước phải cắt giảm chi phí sản xuất và cải thiện chất lượng sản phẩm để cạnh tranh. Do đó, người tiêu dùng Việt Nam sẽ là bên được hưởng lợi lớn nhất.
Một số ngành trong nước như dược phẩm, sữa và chăn nuôi sẽ phải đối mặt với áp lực cạnh tranh gia tăng từ các sản phẩm nhập khẩu từ EU khi EVFTA có hiệu lực
Khoảng một nửa xuất khẩu dược phẩm của EU sẽ được miễn thuế ngay lập tức và phần còn lại được miễn thuế sau 7 năm. Việc giảm thuế nhập khẩu đối với dược phẩm từ EU sẽ làm tăng áp lực cạnh tranh đối với các nhà sản xuất dược phẩm trong nước.
Thịt heo đông lạnh sẽ được miễn thuế sau 7 năm, các sản phẩm hàng ngày sau 5 năm, thực phẩm chế biến sau 7 năm và thuế suất đối với thịt gà sẽ giảm dần về 0% trong 10 năm. Hiện tại, các sản phẩm chăn nuôi của EU xuất khẩu sang Việt Nam chịu mức thuế từ 10-40%. Việc giảm thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm chăn nuôi từ EU sẽ thúc đẩy sự thâm nhập của các sản phẩm này vào Việt Nam và làm gia tăng áp lực cạnh tranh đối với các sản phẩm chăn nuôi trong nước.
Một số nước châu Âu nổi tiếng về các sản phẩm sữa. Việc giảm thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm sữa nhập khẩu từ EU sẽ làm tăng áp lực cạnh tranh đối với các nhà sản xuất sữa trong nước. Tuy nhiên, EVFTA cũng mở ra cơ hội cho các công ty sữa Việt Nam tiếp cận dễ dàng hơn với công nghệ sản xuất và nguyên liệu sữa từ Châu Âu vốn được đánh giá cao về chất lượng và an toàn thực phẩm, từ đó góp phần cải thiện chất lượng các sản phẩm sữa trong nước.
Duy Na
FILI
|