Gelex muốn sở hữu chi phối Viglacera để 'có chân' trong lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp
Tổng CTCP Thiết bị Điện Việt Nam (HOSE: GEX) sẽ định hướng công ty mẹ Gelex là Công ty quản lý vốn (holdings) tư nhân của 3 nhóm ngành kinh doanh chính. Đồng thời đặt kế hoạch tiếp tục hoàn tất các thương vụ đầu tư chiến lược đang thực hiện của Tổng Công ty và đơn vị thành viên trong hệ thống.
Định hướng theo mô hình holdings
Theo tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên, HĐQT GEX hoạch định hai khối kinh doanh chính gồm sản xuất công nghiệp (ngành sản xuất thiết bị điện và vật liệu xây dựng) cùng với hạ tầng (sản xuất điện, nước, khu công nghiệp và hệ sinh thái quanh khu công nghiệp).
Trong đó, HĐQT GEX định hướng công ty mẹ Gelex là Công ty quản lý vốn (holdings) tư nhân của 3 nhóm ngành kinh doanh chính. Đồng thời đặt kế hoạch tiếp tục hoàn tất các thương vụ đầu tư chiến lược đang thực hiện của Tổng Công ty và đơn vị thành viên trong hệ thống.
Cụ thể, GEX mua và sở hữu chi phối cổ phần Tổng Công ty Viglacera; mua và sở hữu chi phối cổ phần Tổng Công ty Thiết bị điện Đông Anh; mua và sở hữu 100% Công ty Dây đồng Việt Nam CFT và thoái 100% vốn tại Công ty TNHH MTV GELEX Logistics nhằm thu xếp nguồn vốn cho các hoạt động đầu tư mua cổ phần Viglacera.
HĐQT GEX cũng đặt mục tiêu đẩy mạnh lĩnh vực đầu tư phát triển khu công nghiệp thông qua Tổng Công ty Viglacera hoặc trực tiếp phát triển dự án nếu phù hợp và dịch vụ tiện ích xung quanh khu công nghiệp.
Theo GEX, việc phát triển lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp sẽ bao gồm cả hoạt động đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở chuyên gia. Tại các khu vực lân cận khu công nghiệp, các dự án nhà ở giá rẻ sẽ được nghiên cứu đầu tư.
Ngoài ra, GEX còn muốn phối hợp với Viglacera trong việc phát triển kinh doanh khu công nghiệp và các hạ tầng phụ trợ, chuẩn bị đầu tư khu công nghiệp Tây Ninh giai đoạn 1 (100ha), khả năng mở rộng giai đoạn 2 (600ha) và đầu tư vào các khu công nghiệp chuyên dụng cận cảng.
GEX cho biết, dịch Covid-19 gây hạn chế đi lại giữa các quốc gia khiến quá trình xây dựng nhà máy tại các khu công nghiệp bị gián đoạn, ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh và tiến độ thoái vốn của Nhà nước tại Viglacera.
Tại đại hội, HĐQT GEX sẽ trình ĐHĐCĐ về việc cho phép ông Nguyễn Văn Tuấn – Chủ tịch HĐQT GEX và người có liên quan được mua/nhận chuyển nhượng cổ phiếu GEX dẫn đến tăng tỷ lệ sở hữu tới mức 36% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết của Tổng Công ty mà không phải thực hiện thủ tục chào mua công khai.
HĐQT GEX cũng trình ĐHĐCĐ thông qua việc miễn nhiệm chức vụ thành viên HĐQT đối với bà Đỗ Thị Phương Lan và bà Nguyễn Thị Bích Ngọc theo đơn xin từ nhiệm. Thay vào đó bầu bổ sung 2 thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2016-2020.
Kế hoạch lợi nhuận đi lùi
Về mặt chỉ tiêu tài chính, ở kế hoạch hợp nhất Viglacera, GEX đặt mục tiêu 19,600 tỷ đồng tổng doanh thu hợp nhất và 975 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế hợp nhất.
So với kết quả đạt được năm 2019, GEX đang đặt kế hoạch tăng 27% về doanh thu nhưng giảm 12% về lợi nhuận trước thuế.
Theo GEX, kế hoạch kinh doanh trong phương án hợp nhất Viglacera nêu trên được xây dựng trên giả định bắt đầu hợp nhất từ đầu quý 4/2020. Yếu tố chi phí vốn phục vụ M&A tăng cao trong khi Viglacera chỉ được hợp nhất một quý trong năm 2020, chi phí khấu hao và lãi vay của các dự án mở rộng đầu tư đã hoàn thành sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận trước thuế của GEX và đơn vị thành viên.
Ngược lại, trong trường hợp không hợp nhất Viglacera, GEX đặt mục tiêu 17,500 tỷ đồng doanh thu hợp nhất và 735 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế hợp nhất, lần lượt tăng 13% và giảm 33% so với thực hiện năm 2019.
Khang Di
FILI
|