ĐHĐCĐ OIL: Trong kịch bản tiêu cực, sản lượng kinh doanh 2020 có thể giảm 18%
Đó là dự báo của ông Cao Hoài Dương - Tổng Giám đốc của Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV OIL, UPCoM: OIL) tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2020 khi đề cập đến sản lượng kinh doanh trong năm nay.
Cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2020 của OIL diễn ra sáng ngày 08/06
|
Ban lãnh đạo OIL cho biết kinh tế toàn cầu và trong nước dự báo khó đạt được mức tăng trưởng kỳ vọng tại thời điểm đầu năm 2020 vì nhiều hoạt động bị ngưng trệ kéo dài do ảnh hưởng dịch Covid-19. Nhu cầu tiêu thu xăng dầu theo đó suy giảm mạnh (khoảng 20%).
Về điều hành kinh doanh xăng dầu, Chính phủ tiếp tục duy trì biên độ điều chỉnh giá 15 ngày và thông qua các công cụ thuế, quỹ bình ổn giá và nổ lực kiểm soát thị trường bằng nhiều giải pháp. Theo OIL, Nghị định 83/2014/CP có khả năng được điều chỉnh theo hướng siết chặt và bất lợi hơn cho các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu.
Thị trường trong nước ngày càng gia tăng cạnh tranh do có thêm các đầu mối và thương nhân phân phối được cấp phép mới, tình trạng kinh doanh trái phép vẫn diễn biến phức tạp.
Trong khi đó, Nhà máy lọc dầu Dung Quất sẽ ngừng hoạt động để bảo dưỡng khoảng 50 ngày từ cuối quý 2/2020 và Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn chưa thực sự hoạt động ổn định sẽ gây thêm khó khăn cho doanh nghiệp trong năm nay.
Sản lượng năm 2020 có thể sụt giảm 8-10%
Ông Cao Hoài Dương - Tổng Giám đốc - chỉ ra sản lượng kinh doanh trong quý 1/2020 giảm 4% so cùng kỳ và 10% so với kế hoạch. Quý 1/2019, giá dầu thế giới tăng khá nhanh, nhưng đây cũng là quý rơi vào dịp Tết Nguyên đán. Phía Nhà nước đã có sự điều tiết khiến sản lượng quý 1/2019 giảm hơn so với bình thường. Tuy vậy, con số trong quý 1 năm nay còn đi xuống hơn nữa. Trong quý 1/2020, ảnh hưởng của dịch Covid-19 là hết sức rõ ràng, người dân và phương tiện giao thông công cộng đều hạn chế đi lại theo khuyến cáo chung.
*Trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho, PV OIL lỗ ròng 423 tỷ đồng trong quý 1/2020
Tháng 4 còn chứng kiến việc cách ly xã hội khiến sản lượng kinh doanh của OIL lao dốc. Lãnh đạo Công ty chỉ ra những tín hiệu tích cực chỉ xuất hiện trong tháng 5, khi các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng (dù sản lượng vẫn giảm so cùng kỳ).
Theo dự báo của ông Dương, sản lượng cả năm 2020 của OIL có thể sẽ sụt giảm khoảng 8-10%; trong kịch bản tiêu cực, sản lượng có thể lao dốc 18%.
Đánh giá chung về lĩnh vực xăng dầu, vị Tổng Giám đốc dự đoán sản lượng có thể sụt giảm từ 5-7%, trong diễn biến xấu thì có thể đi lùi khoảng 10% so với năm 2019.
Năm 2020, Công ty dự kiến doanh thu và lãi sau thuế đạt 52,200 tỷ đồng và 376 tỷ đồng, lần lượt giảm 35% và tăng 14%; cổ tức năm 2020 chia với tỷ lệ 2%. Kế hoạch kinh doanh có thể được HĐQT điều chỉnh, tùy theo tình hình hoạt động thực tế.
Kế hoạch kinh doanh năm 2020 của OIL
(**) Doanh thu tạm tính theo giá dầu thô 60 USD/thùng. Nguồn: BCTN 2019 của OIL
|
Do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối sau khi bù đắp các khoản lỗ năm trước chỉ còn lại 98 tỷ đồng (tương đương 0.9% vốn điều lệ), rất thấp nên OIL sẽ giữ lại toàn bộ lợi nhuận sau thuế chuyển sang năm sau.
Phương án phân phối lợi nhuận nam 2019 của OIL
Nguồn: Tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2020 của OIL
|
Còn thiếu tính linh hoạt, nhạy bén trong kinh doanh
Giải thích thắc mắc về tiềm năng phát triển của doanh nghiệp có quy mô lớn như OIL, ông Cao Hoài Dương nhận định rằng mấu chốt liên quan đến cơ cấu sở hữu. Vào năm 2017, OIL đã được Chính phủ phê duyệt hạ sở hữu Nhà nước xuống mức 30%. Tuy nhiên, tiến trình thoái vốn vẫn chưa hoàn tất. Theo đó, tính linh hoạt và nắm bắt cơ hội kinh doanh có phần bất lợi hơn so với các doanh nghiệp tư nhân.
Ví dụ như trong diễn biến giá dầu xuống thấp gần đây, Công ty muốn nâng sản lượng dầu trữ cũng phải thông qua nhiều bước thủ tục, trong khi một số đơn vị cùng ngành khác có thể quyết định ngay và làm ngay. Ngược lại, điều này cũng đảm bảo cho OIL về tính thận trọng, an toàn, tránh trường hợp "bắt phải dao" thay vì bắt đáy.
Hiện nay, nếu 2 nhà máy Dung Quất và Nghi Sơn chạy hết công suất cũng chỉ mới đảm bảo được khoảng 75% nhu cầu thị trường trong nước. Về vấn đề các nhà máy lọc dầu tiến hành bão dưỡng trong thời gian tới, OIL sẽ lên kế hoạch tăng nguồn cung, nguồn hàng để tránh bị thiếu hụt. Bên cạnh việc nhập dầu từ 2 nhà máy này thì OIL còn nhập khẩu từ nước ngoài.
Ông Cao Hoài Dương khẳng định giá mua xăng dầu trong nước hoàn toàn cạnh tranh so với nhập khẩu do công thức giá hoàn toàn xây dựng theo công thức giá nhập khẩu.
Tất nhiên, việc dùng nguồn hàng trong nước sẽ có lợi về các loại chi phí hậu cần, logistic, thời gian vận chuyển. Phía OIL sẽ căn cứ tình hình thực tế để chủ động lựa chọn nguồn hàng cho linh hoạt và có lợi nhất.
Duy Na
FILI
|