FTM đặt mục tiêu có lãi trong năm 2020
Ban lãnh đạo của CTCP Đầu tư và Phát triển Đức Quân (HOSE: FTM) kỳ vọng những lợi thế về các hiệp định tự do thương mại có hiệu lực sẽ giúp FTM vượt qua những bất lợi trong năm 2020. Theo đó, Công ty dự kiến lãi sau thuế gần 4.5 tỷ đồng trong năm nay.
Trong tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2020, FTM đánh giá năm 2020 đã bắt đầu với những yếu tố bất lợi từ nền kinh tế toàn cầu có dấu hiệu tăng trưởng chậm, rủi ro dịch bệnh Covid-19 và chiến tranh thương mại. Theo đó, nền kinh tế chung và các thị trường tiêu thụ dệt may chủ chốt (Mỹ, EU, Nhật) được dự kiến sẽ giảm tốc trong năm nay.
Dù vậy, ban lãnh đạo FTM vẫn kỳ vọng ngành dệt may Việt Nam nói chung và FTM nói riêng sẽ tăng trưởng. Các lợi thế về thuế quan của Việt Nam trong các hiệp định tự do thương mại đã ký với Nhật Bản, Hàn Quốc, và CPTPP (mới có hiệu lực trong năm 2019) và EVFTA (dự kiến có hiệu lực trong năm 2020) sẽ là lực hút các đơn hàng dệt may dịch chuyển về Việt Nam.
Với riêng FTM, Công ty dự kiến tập trung vào chiến lược sản phẩm và khách hàng để có cơ hội mở rộng mạng lưới khách hàng trong và ngoài nước.
Bên cạnh đó, Công ty chú trọng việc sắp xếp lại bộ máy quản lý từ nhà máy đến văn phòng; đầu tư nâng cấp và quy hoạch lại thiết bị máy móc tại 3 nhà máy; chuyển đổi sản xuất mặt hàng 100% sợi CD sang mặt hàng sợi 100% PE, sợi pha TCD, CVCD tại nhà máy Đức Quân 2.
Năm 2020, FTM đặt kế hoạch doanh thu đạt gần 799 tỷ đồng, giảm 20% so với thực hiện năm 2019. Lãi sau thuế dự kiến gần 4.5 tỷ đồng (năm 2019 lỗ gần 94 tỷ đồng).
Nguồn: Tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2020 của FTM
|
Về các giải pháp tài chính, lãnh đạo FTM đề ra chủ trương duy trì các hợp đồng hạn mức với các ngân hàng hiện tại, đề xuất phương án tỷ lệ tài sản hiện tài nhưng không giảm hạn mức; tìm kiếm thêm các nguồn tài chính khác; lên kế hoạch đề xuất cơ cấu, khoanh nợ, giảm lãi vay với ngân hàng nhằm đối phó khó khăn do dịch Covid-19; xin giảm phí dịch vụ phát sinh từ các ngân hàng.
Về nhân sự, Công ty tiếp tục sắp xếp lại các bộ phận chức năng theo định hướng và Nghị quyết HĐQT đã giao; xây dựng tiêu chuẩn hóa đội ngũ cán bộ; cơ cấu lại bộ phận quản lý và nhân sự nhà máy 2 và 5;…
Cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên của FTM dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 25/06/2020.
Do tình hình thua lỗ trong năm 2019, HĐQT đề xuất cổ đông chấp thuận việc không chia cổ tức năm 2017, 2018 và 2019. Mặc dù đặt kế hoạch có lãi trong năm 2020, nhưng ban lãnh đạo FTM vẫn chủ trương dùng phần lợi nhuận này đầu tư vào sản xuất phát triển kinh doanh để bù lỗ năm 2019.
Kết thúc quý đầu năm 2020, FTM báo lỗ ròng gần 45 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước lỗ hơn 14 tỷ đồng; đây cũng là quý thứ 5 liên tiếp Công ty này thua lỗ. Tính đến ngày 31/03/2020, lỗ lũy kế của FTM đã lên gần 91 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh 4 quý gần đây của FTM. Đvt: Triệu đồng
|
*FTM báo lỗ quý thứ 5 liên tiếp
Duy Na
FILI
|