Bài cập nhật
ĐHĐCĐ ACB: Có thể thực hiện ít nhất 50% kế hoạch lợi nhuận trong nửa đầu năm, chuyển sàn tháng 11, 12
Sáng ngày 16/06/2020, Ngân hàng TMCP Á Châu (HNX: ACB) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2020. Cổ đông thông qua tất cả tờ trình về kế hoạch lãi trước thuế 2020 khoảng 7,636 tỷ đồng, tăng vốn điều lệ từ việc chia cổ tức bằng cổ phiếu và muốn chuyển sàn niêm yết từ HNX sang HOSE.
Kết thúc Đại hội, tất cả tờ trình đều được thông qua.
Thảo luận:
Cổ tức 18% cho năm 2020 bằng cổ phiếu, cổ đông có ý kiến cân nhắc nâng lên 20% và trả một phần bằng tiền mặt, HĐQT cho ý kiến?
Ông Đỗ Minh Toàn: Ban đầu, ACB dự kiến 2019 chia cổ tức bằng cổ phiếu 20% và tiền 10%, nhưng do tình hình dịch bệnh nên HĐQT trình NHNN chia 30% cổ tức bằng cổ phiếu.
Về hoạt động kinh doanh 2020, khi dịch bệnh xảy ra, Ngân hàng đưa ra 2 phương án. Với kết quả trình cổ đông năm nay so với năm 2019, việc chia cổ tức nhiều hơn 18% là mong muốn của HĐQT nhưng phải căn cứ vào tình hình thực tế của toàn ngành kinh tế.
Về vấn đề nợ xấu là 1%, thay vì 2%?
Ông Đỗ Minh Toàn: Tổng nợ xấu dưới 3%. Hiện đang có dịch bệnh, Ban điều hành đưa ra dự kiến nếu xấu nhất, Ngân hàng vẫn kiểm soát được. Hy vọng đến cuối năm 2020, nợ xấu sẽ về dưới 1%.
Khách hàng không bị ảnh hưởng trực tiếp nhưng bị gián tiếp, ACB chưa dự báo được những tác động tiêu cực mà khách hàng bị ảnh hưởng do dịch bệnh. Tình hình rõ nét nhất phải đến cuối quý 3 mới thấy. Do vậy, HĐQT đưa ra mức 2% nợ xấu tối đa.
Kỳ vọng năm 2020 chuyển sàn thành công
Kế hoạch chuyển sàn dự kiến khi nào?
Ông Đỗ Minh Toàn: ACB sẽ cố gắng hoàn thành trong năm 2020. Chia thành 2 giai đoạn chia cổ tức bằng cổ phiếu và chuyển sàn trong tháng 11, 12. Kỳ vọng năm 2020 chuyển sàn thành công.
Chiến lược ACB hậu Covid: Quản lý rủi ro tín dụng như thế nào?
Ông Đỗ Minh Toàn: Khi thực hiện chủ trương của Nhà nước hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19, ACB đã trích 35,000 tỷ đồng hỗ trợ, cho vay mới và hạ lãi suất so với khoản vay trước 1%.
Các khoản vay mới giải ngân thấp hơn 1% so với mặt bằng cho vay chung để giữ mối quan hệ với khách hàng. Các tháng vừa qua, tín dụng của ACB đã tăng trưởng. Cuối tháng 5 và 6, ACB tăng 4% tín dụng, mục tiêu cả năm là 11%.
ACB sẽ cơ cấu lại danh mục cho vay để đảm bảo mảng cá nhân hỗ trợ lại mảng doanh nghiệp, tập trung phát triển tín dụng bán lẻ.
ACB đi theo chiến lược bán lẻ, năm 2019, mảng cho vay bán lẻ KHCN tăng 21%. Tất cả hoạt động bán buôn của ACB cũng thuộc về bán lẻ, tập trung khai thác KHCN để phục vụ cho bán lẻ.
Ngân hàng số giúp tiết kiệm được nhiều chi phí
Ngân hàng số của ACB thế nào?
Ông Đỗ Minh Toàn: ACB đang từng bước triển khai phát triển ngân hàng số. ACB chia làm 2 giai đoạn, đầu tiên là số hóa quy trình hoạt động của ngân hàng để đảm bảo tính đồng bộ. Thứ 2 là số hóa quy trình thanh toán dịch vụ cho vay. Năm 2020, ACB đã lập ra các đội ngũ chiến lược để triển khai số hóa.
Nếu hoàn chỉnh giai đoạn 2, ngân hàng số sẽ tiết kiệm được nhiều chi phí, nhất là chi phí về nhân sự. Đây cũng là mục tiêu của ACB trong giai đoạn 2022-2025.
ACB có kế hoạch tiếp tục phát hành trái phiếu cấp 2 trong năm 2020 hay không?
Ông Đỗ Minh Toàn: Với tình hình hiện nay, ACB hoàn toàn đủ điều kiện phát triển tín dụng cho 2 năm 2020 và 2021. Kế hoạch tăng vốn trong năm 2020 chưa bị áp lực. Tùy vào điều kiện phục hồi kinh tế sau dịch, ACB khó thể tiên lược được, do đó năm 2020 chưa có kế hoạch tăng vốn cấp 2.
Tại sao ACB có kế hoạch phát hành trái phiếu quốc tế?
Ông Đỗ Minh Toàn: Nhằm đa dạng hóa nguồn vốn, tài trợ cho các doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu. Huy động vốn quốc tế sẽ có chi phí rẻ hơn so với huy động trong nước.
Nguồn vốn cũng như hiệu quả của các công ty con của ACB?
Ông Đỗ Minh Toàn: ACB có công ty con là Công ty quản lý nợ và khai thác tài sản ACB (ACBA) hỗ trợ công tác thu hồi nợ, còn 2 công ty là Công ty chứng khoán ACB (ACBS) và công ty cho thuê tài chính ACB (ACBL). ACBS hoạt động ở mức trung bình, chưa thực sự hiệu quả. Còn ACBL thì có hiệu quả hơn. Hoạt động công ty con của ACB nhìn chung còn khiêm tốn. ACBS có kế hoạch mời gọi nhà đầu tư để hoạt động hiệu quả hơn.
Tình hình thu nợ hiện nay của ACB, xử lý nợ của nhóm 6 công ty?
Ông Đỗ Minh Toàn: HIện nay, nợ tại ACB của nhóm 6 công ty là 806 tỷ đồng gồm trái phiếu, khoản phải thu, nợ gốc và hơn 1,000 tỷ đồng lãi.
Tài sản đảm bảo 806 tỷ đồng có khả năng thu hồi nợ trong thời gian tới và đã trích lập dự phòng 100%. Nếu thu hồi được, lợi nhuận ACB sẽ tăng thêm 806 tỷ đồng.
Nếu muốn bán tài sản này phải có người mua phù hợp, mất nhiều thời gian và còn phụ thuộc sự hợp tác của các bên liên quan.
Có thể mất 2 năm để thu hồi các khoản nợ này trong năm 2020 và 2021.
Về mặt hiệu quả, ACB bán được bao nhiêu thì có lời bấy nhiêu, ngoại trừ hiệu quả sinh lời hiện tại ACB đang có.
Về vấn đề nới room ngoại từ 30% lên 49%?
Ông Đỗ Minh Toàn: Đây là cơ hội cho tổ chức niêm yết, kể cả ACB, làm sao để tối đa hóa hiệu quả cổ đông bằng cách mời thêm cổ đông nước ngoài. ACB sẽ bàn khi cơ hội xảy ra. Chốt lời trái phiếu Chính phủ cũng là cơ hội cho ACB.
Tỷ lệ CIR của ACB tại sao lại cao hơn trung bình ngành?
Ông Đỗ Minh Toàn: Nếu không tăng đầu tư, có thể nhiều năm về sau sẽ phải hối tiếc. Chi phí cho người lao động chiếm gần 50% tổng chi phí ACB. Thứ 2 là chi phí đầu tư quy trình hệ thống, công nghệ, nếu không nâng cấp trong 3 năm vừa rồi, ACB sẽ khó phát triển.
Muốn phát triển ngân hàng số phải đầu tư, vài chục triệu USD để phát triển digital, tiêu tốn cả ngàn tỷ đồng hạch toán vào chi phí.
Từ nay đến 2022, CIR của ACB trên 50%. Nhưng sau năm 2022 chắc chắn sẽ về dưới 46%. Việc cải thiện tỷ lệ này còn liên quan đến thu hút thêm CASA.
Lợi nhuận hợp nhất đạt 3,500 tỷ đồng trong 5 tháng đầu năm
Ảnh hưởng của dịch Covid-19 lên dư nợ tín dụng 5 tháng vừa qua? Dư nợ tái cơ cấu theo Thông tư 01 chiếm bao nhiêu phần trăm tổng dự nợ?
Ông Đỗ Minh Toàn: Tăng trưởng tín dụng hiện tại xấp xỉ 4%, cùng kỳ năm trước là 8%. Tăng trưởng tín dụng năm nay chậm hơn mọi năm, tổng thu nhập từ hoạt động của ACB giảm hơn 30 điểm phần trăm. ACB hy sinh thu nhập từ cho vay chia sẻ với người vay là một phần để giữ khách hàng.
Tổng quy mô cơ cấu nợ không quá 15,000 tỷ đồng. Những khoản này chỉ là chậm thu, trong quý 4/2020 hoặc quý 1/2021 sẽ thu nhập trở lại. Đây chỉ là dự báo trước mắt, và còn phụ thuộc vào sự phục hồi của nền kinh tế.
Tiến độ thoái vốn khỏi ACBS?
Ông Đỗ Minh Toàn: Kế hoạch thoái vốn rất rõ ràng, nhưng tùy thuộc vào đối tác và cơ quan quản lý. Hiện tại diễn ra chậm hơn so với tiến độ, có thể trong cuối năm nay hoặc đầu năm sau.
Ước lợi nhuận quý 2/2020?
Ông Đỗ Minh Toàn: Tính đến 31/05/2020, lợi nhuận hợp nhất ACB là 3,500 tỷ đồng, riêng ngân hàng là 3,450 tỷ đồng. Trong 5 tháng vừa qua, hoạt động tốt trong Bancassurance và thẻ. Trong tháng 6, có khả năng thực hiện được tối thiểu 50% kế hoạch lợi nhuận. ACB có khả năng hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm với tiến độ hiện tại.
ĐHĐCĐ thường niên 2020 của ACB diễn ra sáng ngày 16/06/2020.
|
Tăng vốn điều lệ từ chia cổ tức 30% bằng cổ phiếu
Năm 2020, ACB lên kế hoạch kinh doanh với chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế khoảng 7,636 tỷ đồng. Tổng tài sản tăng 12%, tiền gửi khách hàng tăng 12%, tín dụng tăng 11.75% (chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2020 của ACB được NHNN giao tối đa là 11.75%). Tỷ lệ nợ xấu cuối năm 2020 kiểm soát dưới 2%. Chia cổ tức 2020 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 18%.
ACB dự kiến tăng vốn điều lệ năm 2020 từ chia cổ tức bằng cổ phần phổ thông cho cổ đông với tỷ lệ 30%. Gần 1.7 triệu cp phổ thông sẽ được chia cổ tức năm 2019 từ 6,270 tỷ đồng lợi nhuận có thể sử dụng chia cổ tức sau khi trích lập đầy đủ các quỹ của năm 2019. Vốn điều lệ tối đa dự kiến tăng thêm hơn 4,988 tỷ đồng, nâng vốn điều lệ từ mức 16,627 tỷ đồng lên gần 21,616 tỷ đồng. Việc tăng vốn dự kiến hoàn thành trong quý 4/2020.
Mục đích của đợt tăng vốn này nhằm gia tăng nguồn vốn trung, dài hạn cho các hoạt động tín dụng, đầu tư trái phiếu Chính phủ của Ngân hàng, đầu tư vào các dự án chiến lược 2019-2024…
Mức thù lao và ngân sách hoạt động của HĐQT và BKS ACB dự kiến là 0.6% lợi nhuận sau thuế của Tập đoàn theo BCTC hợp nhất kiểm toán 2020.
ACB sẽ dùng nguồn tiền từ quỹ khen thưởng, phúc lợi mua cổ phiếu quỹ để phân phối cho Công đoàn. Công đoàn ACB được giao giữ hộ nguồn cổ phiếu này để thưởng và phân phối cho người lao động theo quyết định của HĐQT.
Phát hành trái phiếu quốc tế và chuyển sàn sang HOSE
Vì nhu cầu đa dạng hóa kênh huy động vốn, hạn chế phụ thuộc vào nguồn vốn huy động ngoại tệ trong nước, bổ sung nguồn vốn cấp 2 và tăng tỷ lệ vốn trung dài hạn để cho vay, ACB dự kiến trình ĐHĐCĐ thông qua phương án chào bán chứng khoán và phương án sử dụng vốn huy động từ đợt chào bán chứng khoán tại nước ngoài. Số lượng trái phiếu dự kiến phát hành tối đa 10% tổng huy động tiền gửi khách hàng, với kỳ hạn trung - dài hạn bằng đồng USD. Thời gian dự kiến phát hành từ năm 2020, lãi suất theo thị trường tại thời điểm phát hành.
Đáng chú ý, trong tài liệu, ACB sẽ trình cổ đông thông qua việc chuyển đăng ký niêm yết cổ phiếu từ Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) sang Sở giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE). Thời gian cụ thể sẽ theo quyết định của HĐQT.
Cát Lam
FILI
|