Thứ Bảy, 27/06/2020 09:01

Diện tích bình quân nhà ở toàn quốc đạt 23,6m2 sàn mỗi người

Theo thống kê, diện tích bình quân nhà ở toàn quốc đạt 23,6m2 sàn/người; trong đó, diện tích bình quân nhà ở tại đô thị là 24,5m2 sàn/ngày và nông thôn là 22,5m2 sàn/người.

(Ảnh minh họa: Nguyễn Oanh/TTXVN)

Diện tích bình quân nhà ở toàn quốc đạt 23,6m2 sàn/người là thông tin được công bố tại hội nghị giao ban đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm và triển khai các quý cuối năm 2020 của Bộ Xây dựng tổ chức tại Hà Nội ngày 26/6.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà nhận định từ đầu năm 2020, diễn biến dịch bệnh COVID-19 phức tạp, khó lường, gây ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế, tác động tiêu cực đến nhiều lĩnh vực; trong đó, có ngành xây dựng.

Các khó khăn toàn ngành phải đối mặt như: thị trường bất động sản suy giảm và chịu tác động mạnh; việc triển khai thực hiện các hợp đồng thi công xây lắp phải tạm dừng hoặc thi công cầm chừng; nhu cầu tiêu thụ vật liệu xây dựng nội địa giảm mạnh; xuất khẩu gặp khó khăn...

Trong bối cảnh đó, Bộ Xây dựng đã bám sát tình hình, quyết liệt trong chỉ đạo điều hành để vừa đảm bảo phòng, chống, khống chế dịch hiệu quả.

Đồng thời, đề xuất với Chính phủ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.

Cụ thể nhất là ổn định, phát triển lĩnh vực bất động sản, vật liệu xây dựng; áp dụng chính sách chung cho các doanh nghiệp hoạt động xây dựng.

Nhìn chung, Bộ Xây dựng đã thực hiện thành công một số nhiệm vụ có tính chất cơ bản, lâu dài đối với sự phát triển toàn thể của ngành.

Đặc biệt, việc xây dựng, hoàn thiện thể chế được coi là nhiệm vụ trọng tâm. Điển hình là kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV vừa qua đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng với nhiều điểm mới, mang tính chất đột phá. Phát triển nhà ở và thị trường bất động sản có biến quan trọng với cơ bản kiểm soát được thị trường, tái cơ cấu sản phẩm, hàng hóa phù hợp với nhu cầu.

Giải pháp phát triển nhà ở thương mại giá thấp và nhà ở xã hội được đưa ra sẽ tạo đột phá cho thị trường bất động sản. Quản lý đầu tư xây dựng, quy hoạch và phát triển đô thị, quản lý, đổi mới doanh nghiệp… đều thực hiện có hiệu quả, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà phân tích.

Trọng tâm 6 tháng cuối năm 2020, Bộ Xây dựng tiếp tục bám sát tình hình để đề xuất kịp thời những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy vốn đầu tư công theo yêu cầu của Nghị quyết 84/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm an ninh trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19 của Chính phủ.

Bộ sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật; hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Kiến trúc; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật về quản lý phát triển đô thị; hoạt động đầu tư xây dựng, nhà ở...

Đáng chú ý, ngành xây dựng tập trung triển khai hiệu quả việc lập Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050; tăng cường chấn chỉnh quy hoạch xây dựng quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch được duyệt theo chỉ đạo tại Chỉ thị 05/CT-TTg ngày 01/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ; tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến 2030 và phấn đấu tổ chức thành công “Diễn đàn cấp cao về phát triển đô thị thông minh và Hội nghị thường niên Mạng lưới đô thị thông minh ASEAN (ASCN) năm 2020.”

Cùng đó, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nhấn mạnh các đơn vị cần tập trung nghiên cứu xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 99/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở, Nghị định số 100/2015/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, Nghị định số 101/2015/NĐ-CP về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư trình Chính phủ ban hành trong quý 4/2020 theo kế hoạch.

Đồng thời, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cũng yêu cầu nghiên cứu xem xét, ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung các Thông tư hướng dẫn sau khi Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung được Chính phủ ban hành.

Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát, xây dựng phương án cắt giảm, đơn giản điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ; kiện toàn quy chế thực hiện, quy trình kiểm soát để đáp ứng tốt nhiệm vụ thẩm định dự án, thiết kế, điều kiện năng lực của tổ chức, cá nhân...

Cùng với việc khẩn trương tái cơ cấu, cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước do Bộ Xây dựng làm đại diện, các đơn vị tập trung xây dựng kế hoạch cho giai đoạn 2021-2025.

Tuy 6 tháng đầu năm 2020 còn gặp nhiều khó khăn nhưng ngành xây dựng đã nỗ lực thực hiện các mục tiêu đề ra.

Tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc đạt 39,3% - tăng 0,5% so với cùng kỳ năm 2019; tỷ lệ người dân đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung là 89% - tăng 2%; tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị đạt 86,5% - tăng 0,5%.

Đáng chú ý, diện tích bình quân nhà ở toàn quốc đạt 23,6m2 sàn/người; trong đó, diện tích bình quân nhà ở tại đô thị là 24,5m2 sàn/ngày và nông thôn là 22,5m2 sàn/người./.

Thu Hằng

Vietnam+

Các tin tức khác

>   Luật mới tháo gỡ ách tắc cho dự án nhà ở (24/06/2020)

>   Có nên cho người nước ngoài mua bất động sản du lịch? (20/06/2020)

>   Xây nhà ở nông thôn dưới 7 tầng sẽ không cần xin giấy phép (17/06/2020)

>   'Người nghèo ở đô thị không mua được nhà thì có thể thuê' (17/06/2020)

>   Mở rộng khu đô thị lấn biển Cần Giờ gần 3.000 ha (13/06/2020)

>   Giao dịch bất động sản phải qua sàn (12/06/2020)

>   Hà Nội: Nhiều người dân đến làm thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp (11/06/2020)

>   Quyết định 60 - Trên thúc 'tháo', dưới vẫn chưa 'gỡ' (11/06/2020)

>   Quốc hội thông qua miễn thuế đất nông nghiệp thêm 5 năm (10/06/2020)

>   Không sửa luật Đất đai trong năm 2020, chuyển sang Quốc hội khóa sau (10/06/2020)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật