Thứ Năm, 11/06/2020 13:32

Quyết định 60 - Trên thúc 'tháo', dưới vẫn chưa 'gỡ'

Trong lúc nhu cầu tách thửa của người dân đang bị ách tắc, việc sửa đổi một số nội dung của Quyết định 60/2017/QĐ-UBND (quy định diện tích tối thiểu được tách thửa, ban hành ngày 5-12-2017, có hiệu lực ngày 1-1-2018) dường như dậm chân tại chỗ.

* Thoáng hơn, dự thảo phân lô bán nền mới vẫn bị phản đối

* Giới bất động sản 'phản ứng' dự thảo quy định cấm phân lô bán nền

Những bất hợp lý trong Quyết định 60 cho đến nay vẫn chưa được tháo gỡ, người dân có đất vẫn mòn mỏi chờ hướng dẫn.

UBND TPHCM liên tục yêu cầu các sở ngành tham mưu, báo cáo để TP xem xét, quyết định, nhưng cho đến nay việc này cũng đang bế tắc.

Mỏi mòn chờ hướng dẫn

Anh N. (quận 9) cho biết, khi Quyết định 60 có hiệu lực, cất công tìm hiểu, anh thấy so với quy định cũ có nhiều điểm thuận lợi hơn, như diện tích thửa tối thiểu nhỏ hơn, có quy định ưu tiên cho gia đình nghèo… nên quyết định nộp hồ sơ xin tách thửa để sử dụng cho mục đích của gia đình.

Anh N. cùng một số hộ dân vay mượn tiền san lấp mặt bằng, đóng tiền chuyển mục đích sử dụng đất và nộp hồ sơ xin tách thửa, nhưng hơn 2 năm qua vẫn không thể thực hiện việc tách thửa. Cán bộ thụ lý hồ sơ nói phải chờ hướng dẫn của các sở ngành liên quan, nhưng chờ đến khi nào thì… chưa biết.

Hiện nay nhiều khu đất có quy hoạch từ hàng chục năm nay đã lỗi thời, thực trạng những khu vực này đã được xây dựng nhà ở gần kín, nhưng không được coi là khu dân cư hiện hữu. Khi người dân xin được thực hiện phân lô tách thửa theo Quyết định 60 vẫn bị coi là “đất ở hiện hữu cải tạo”, “khu dân cư xây dựng mới”, trong khi quy định “loại đất” này không có trong Luật Đất đai 2013. Điều này khiến người dân không thể thực hiện quyền lợi hợp pháp của mình, dù thửa đất của họ đã được chuyển thành đất ở và đã nộp tiền sử dụng đất đầy đủ cho Nhà nước. 

Theo ghi nhận của ĐTTC, hầu hết hồ sơ xin tách thửa của người dân bị vướng trong khu vực quy hoạch được cho là “khu dân cư xây dựng mới” và “khu đất ở hiện hữu”. Người dân kiến nghị, đối với các khu vực trước đây đã được phân định trong quy hoạch - dù là đất ở xây dựng mới hay đất ở chỉnh trang - nhưng sau 5 năm kể từ khi công bố quy hoạch theo quy định, nếu đã có nhà ở và cư dân sinh sống đúng luật pháp, phải được coi là đất ở hiện hữu. Trong khi đó lãnh đạo UBND TP và các sở ngành liên quan có nhiều cuộc họp để tháo gỡ vướng mắc. Sau mỗi lần họp TP đều có chỉ đạo tháo gỡ nhưng đến nay vẫn chưa thấy gì.

Mới đây nhất,  UBND TPHCM giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc (QH-KT) phối hợp với UBND các quận, huyện, đánh giá tính khả thi, những bất hợp lý của các khu vực là đất hỗn hợp, đất khu dân cư xây dựng mới trong các đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000; phân loại, xây dựng tiêu chí điều chỉnh quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000, để người sử dụng đất trong khu vực thực hiện các quyền theo quy định pháp luật về đất đai.

Riêng đối với vướng mắc liên quan đến tách thửa đất nông nghiệp, Sở Tài nguyên - Môi trường được UBND TP giao phối hợp với các cơ quan liên quan, nghiên cứu điều chỉnh nội dung cho dễ hiểu, đảm bảo phù hợp với quy định pháp luật. Sở này cũng được giao tham mưu điều chỉnh Quyết định 60 phù hợp quy định pháp luật và thực tiễn quản lý nhà nước về đất đai, quy hoạch, xây dựng trên địa bàn TP.

Những quy định cần sửa đổi

Theo Sở Tư pháp, nội dung đất thuộc “quy hoạch đất ở xây dựng mới” và “quy hoạch đất sử dụng hỗn hợp (trong đó có chức năng đất ở) không được tách thửa. Qua rà soát, Luật Đất đai 2013, Luật Quy hoạch đô thị 2009, Luật Xây dựng 2013 Luật Quy hoạch 2017 và các Nghị định của Chính phủ liên quan đến quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị và các loại quy hoạch được quy định tại Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị chung của TPHCM, các văn bản này đều không sử dụng thuật ngữ “quy hoạch xây dựng mới”, “quy hoạch đất sử dụng hỗn hợp”, hoặc giải thích đối với quy hoạch này.

Như vậy, quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 5 Quyết định 60 đã hạn chế quyền tách thửa của người sử dụng đất, không phù hợp với Luật Đất đai 2013 và Nghị định 01/2017/NĐ-CP, khi quy định các trường hợp không được tách thửa.

Về trường hợp tách thửa đất có hình thành đường giao thông và hạ tầng kỹ thuật, Điểm c Khoản 1 Điều 5 Quyết định 60 quy định: “Trường hợp khi tách thửa đất ở có hình thành đường giao thông và hạ tầng kỹ thuật giao UBND quận, huyện rà soát các điều kiện về diện tích đất, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, căn cứ quy định pháp luật quy hoạch, xây dựng và hướng dẫn các sở ngành theo quy định tại Khoản 2, Điều 7 quyết định này, để hướng dẫn người sử dụng đất thực hiện hạ tầng kỹ thuật đảm bảo phù hợp theo quy hoạch được duyệt, kết nối hạ tầng kỹ thuật chung hiện hữu của khu vực”.

Việc giao trách nhiệm cho UBND quận huyện căn cứ quy định về quy hoạch, xây dựng và hướng dẫn của các sở, ngành để hướng dẫn người sử dụng đất thực hiện hạ tầng kỹ thuật, là nhằm đảm bảo phù hợp theo quy hoạch… Tuy nhiên, việc quy định trên và thực tiễn hướng dẫn của các sở, ngành dẫn đến sự chưa thống nhất đồng bộ trong việc các điều kiện được tách thửa trên địa bàn TP, có dấu hiệu phát sinh thủ tục hành chính.

Theo phản ánh của UBND Quận Bình Tân, tại hướng dẫn số 914 của Sở QH-KT yêu cầu lấy ý kiến các sở ngành liên quan và quy định các tiêu chí về hạ tầng kỹ thuật để được tách thửa đất, là dấu hiệu quy định thủ tục hành chính - một trong những nội dung nghiêm cấm theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.

Ngoài ra, về thẩm quyền của UBND cấp tỉnh trong việc phân định loại đất được tách thửa, căn cứ Luật Đất đai 2013, UBND cấp tỉnh chỉ có thẩm quyền quy định diện tích tối thiểu được tách thửa đối với 2 loại đất, gồm “đất ở tại nông thôn” và “đất ở tại đô thị” (Điều 143 và Điều 144). Luật Đất đai 2013 không giao Chính phủ mở rộng thẩm quyền của UBND cấp tỉnh quy định diện tích tối thiểu được tách thửa đối với các loại đất khác.

Do đó, việc Quyết định 60 quy định diện tích tách thửa đối với đất không phải là “đất ở tại nông thôn” và “đất ở tại đô thị”, là chưa phù hợp với quy định của Luật Đất đai 2013, chưa đảm bảo nguyên tắc thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật. 

Bình Minh

Sài Gòn Giải Phóng

Các tin tức khác

>   Quốc hội thông qua miễn thuế đất nông nghiệp thêm 5 năm (10/06/2020)

>   Không sửa luật Đất đai trong năm 2020, chuyển sang Quốc hội khóa sau (10/06/2020)

>   Đồng Nai ban hành quy định tách thửa đất mới (10/06/2020)

>   Thoáng hơn, dự thảo phân lô bán nền mới vẫn bị phản đối (06/06/2020)

>   Rút đề xuất cấm phân lô, bán nền ở ngoại thành Hà Nội, TP HCM (04/06/2020)

>   Bộ trưởng Xây dựng nói gì về dự thảo siết phân lô bán nền của Bộ TN-MT? (04/06/2020)

>   Mô hình Ban Quản trị nhà chung cư có thực sự hoạt động hiệu quả? (04/06/2020)

>   4 giải pháp kiểm soát hiệu quả việc phân lô bán nền (04/06/2020)

>   Tự ý thêm thủ tục làm khó cho việc tách thửa của công dân (04/06/2020)

>   Bất cập định giá đất đai tại các địa phương (03/06/2020)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật