TTCK Việt Nam thể hiện tốt nhất châu Á trong tháng 5
Việt Nam đã cố gắng lặp lại thành công trong việc ngăn chặn sự bùng phát virus corona lần nữa và điều đó giúp thúc đẩy thị trường chứng khoán (TTCK) nước này thể hiện tốt nhất châu Á trong tháng 5.
Chỉ số chứng khoán chuẩn tăng 13% trong tháng 5, được thúc đẩy chủ yếu bởi nhà đầu tư trong nước, vì các quỹ nước ngoài đã rút tiền khỏi các tài sản rủi ro.
Chứng khoán Việt Nam đã được đưa vào danh sách nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp của FTSE Russell kể từ năm 2018. Nước này cũng đang tìm kiếm trạng thái thị trường mới nổi từ nhà cung cấp chỉ số MSCI Inc.
“Chúng tôi đã đầu tư và tiếp tục tìm kiếm những câu chuyện cụ thể về cổ phiếu tốt vì Việt Nam cho thấy triển vọng trung hạn đầy hứa hẹn”, Joshua Crabb, nhà quản lý danh mục đầu tư tại Robeco ở Hồng Kông, cho biết.
Đồng nội tệ tăng trở lại hơn 1% sau khi trượt xuống mức thấp kỷ lục vào tháng 3 trong đợt bán tháo toàn cầu. Đồng Việt Nam (VND) đã giữ ổn định so với USD trong tháng này, sau khi tăng 1.4% trong tháng 4 - mức tăng hàng tháng lớn nhất kể từ năm 2008.
Với quy mô chỉ 58 tỷ USD, thị trường trái phiếu địa phương của Việt Nam là thị trường nhỏ nhất trong số các nền kinh tế được theo dõi bởi Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Các nhà chức trách đang nhắm mục tiêu tăng quy mô thị trường nợ công lên 45% GDP vào năm 2030, so với mức 20% của năm ngoái. Trái phiếu doanh nghiệp được nhắm mục tiêu tăng lên 20% GDP trong một thập niên, so với mức 11% hiện nay.
Trái phiếu Chính phủ và ngân hàng Nhà nước thống trị thị trường nợ, chiếm khoảng 90% trong tổng số tính đến tháng 3 năm nay, các tín phiếu công ty chiếm phần còn lại. Người nước ngoài hiện sở hữu ít hơn 1% tín phiếu địa phương kể từ tháng 3, theo ADB.
Các quan chức hy vọng trái phiếu Chính phủ sẽ được đưa vào các chỉ số quốc tế vào năm 2021.
Việt Nam đã sử dụng một loạt biện pháp cứng rắn để ngăn chặn virus, trong đó có việc tích cực truy tìm nguồn gốc và kiểm dịch hơn 100,000 người, được các chuyên gia nước ngoài khen ngợi. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ nằm trong nhóm nhanh nhất châu Á trong năm nay, với việc nước này tránh được cuộc suy thoái có thể “càn quét” qua nhiều nước láng giềng ở châu Á.
Năm 2003, Việt Nam cũng giành được sự khen ngợi vì đã xử lý nhanh chóng sự bùng phát Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS). Đây là nước đầu tiên được đưa khỏi danh sách các nước có những ca lây bệnh ở châu Á của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Nhã Thanh (Theo Bloomberg)
FILI
|