Thị trường bất động sản của Việt Nam sẽ có thêm cú huých từ làn sóng dịch chuyển sản xuất?
Thị trường bất động sản của Việt Nam có khả năng nhận thêm cú huých thứ hai từ làn sóng đa dạng hóa cơ sở sản xuất của các công ty trong khu vực, khi đại dịch Covid-19 phơi bày sự dại dột của việc tập trung sản xuất tại Trung Quốc.
Đất nước hình chữ “S” nhiều khả năng hưởng lợi khi làn sóng tháo chạy khỏi “công xưởng thế giới” được đẩy nhanh. Nhờ đó, Việt Nam càng trở nên hấp dẫn và được xem là nơi thay thế cho Trung Quốc kể từ khi những ông lớn như Apple, Samsung và những nhà cung ứng của các gã khổng lồ này chuyển sản xuất sang nơi khác để hạn chế thiệt hại từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.
Các chuyên viên phân tích cho biết bất động sản công nghiệp và bất động sản nhà ở tại Hà Nội và Tp.HCM có thể nhận thêm một cú huých sau khi các biện pháp phong tỏa gây gián đoạn chuỗi cung ứng, đồng thời làm gia tăng căng thẳng thương mại và chính trị giữa Trung Quốc và các cường quốc kinh tế khác.
“Sự bùng phát của dịch Covid-19 đang buộc nhiều công ty phải đánh giá lại chiến lược chuỗi cung ứng”, Sunny Hoang Ha, Giám đốc kinh doanh tại Công ty phát triển bất động sản SPG Land Việt Nam – một phần của Tập đoàn kiểm soát Greenland Hong Kong Holdings, cho hay. “Việt Nam được đặt trong vị thế tốt để hưởng lợi”.
Tỷ lệ lấp đầy tại thị trường khu công nghiệp phía Bắc
|
Tỷ lệ lấp đầy trong khu công nghiệp ở khu vực phía bắc Việt Nam, bao gồm Hà Nội và Hải Phòng, tăng trung bình 200 điểm lên 72% trong quý đầu tiên từ cuối năm 2019, theo công ty tư vấn JLL. Sự gia tăng của tỷ lệ lấp đầy đến từ nhu cầu cơ bản, trước khi giảm trở lại từ tháng 2/2020 – thời điểm đại dịch bùng phát.
Theo báo cáo của PropertyGuru, sự xuất hiện của người nước ngoài và công nhân nhà máy cũng có thể cung cấp cho thị trường nhà ở địa phương một cú huých cần thiết. Đại dịch và suy thoái kinh tế đã làm giảm nhu cầu nhà ở khoảng 18% trong quý đầu năm, với số lượng bất động sản niêm yết giảm 28% trong cùng thời kỳ.
“Với sự đổ bộ của các chuyên gia công nghiệp nước ngoài, họ sẽ cần nhà ở cho cả nhân viên nước ngoài lẫn nhân viên trong nước – những người có thể đến từ các tỉnh khác”, Jeremy Williams, Giám đốc kinh doanh tại PropertyGuru – vốn điều hành website Batdongsan.com.vn, cho hay. “Phân khúc nhà ở sẽ chứng kiến nhu cầu tăng mạnh, do đó giá nhà sẽ tăng”.
Các chuyên viên phân tích đang theo dõi liệu động thái mới nhất của Nhật Bản sẽ tạo ra làn sóng dịch chuyển sang Việt Nam hay nơi khác. Tháng 4/2020, Chính phủ Nhật Bản tiết lộ sẽ chi ra 2.2 tỷ USD để hỗ trợ các nhà sản xuất chuyển ra khỏi Trung Quốc, sau khi bị ảnh hưởng bởi sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng vì các biện pháp phong tỏa.
Các quan chức Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) cũng thể hiện sự sẵn lòng giảm bớt phụ thuộc vào các quốc gia khác. Apple, Nintendo và Samsung cũng như nhiều nhà cung ứng có cơ sở tại châu Á đã chuyển dịch một phần sản xuất sang Việt Nam.
Khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam đã tăng 10% lên 15.5 tỷ USD trong năm 2018, đánh dấu 7 năm tăng liên tiếp, theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới (WB).
“Những suy nghĩ về việc dịch chuyển chuỗi cung ứng để giảm phụ thuộc vào một địa điểm sản xuất duy nhất sẽ đẩy nhanh làn sóng này”, ông Williams nhận định. “Việt Nam hưởng lợi nhờ vị trí gần Trung Quốc, cũng như lao động lành nghề và kỷ luật – với chi phí thấp hơn nhiều so với Trung Quốc”.
Động thái ứng phó quyết liệt và mạnh mẽ của Việt Nam trước đại dịch Covid-19 cũng giúp đất nước hình chữ “S” có vị thế phục hồi tốt hơn sau đại dịch.
Các nhà phát triển bất động sản, quỹ đầu tư vốn cổ phần tư nhân (PE) và các chuyên viên phân tích vẫn đặt cược vào triển vọng của thị trường bất động sản Việt Nam, nhất là sau khi người nước ngoài được phép sở hữu nhà ở tại Việt Nam không quá 30% số lượng căn hộ trong một tòa nhà chung cư từ năm 2015.
Việt Nam vẫn là một nơi “ưu tiên” cho EXS Capital – một quỹ đầu tư vốn tư nhân tại Hồng Kông đã có đầu tư vào công ty Sơn Kim Land. Các tuyến đường xe lửa tại Hà Nội – dự kiến bắt đầu hoạt động trong năm nay và năm 2021 – sẽ nâng cao sự hấp dẫn của hai thành phố này.
Vũ Hạo (Theo SCMP)
FILI
|