Sự sụp đổ của ‘Amazon châu Phi’
Một năm sau khi ra mắt trên thị trường chứng khoán New York (NYSE), công ty khởi nghiệp thương mại điện tử Jumia đã đóng cửa tại 3 nước châu Phi, vất vả kiếm lợi nhuận và bị các chủ sở hữu ban đầu bỏ rơi.
Đầu tháng 4, hai CEO Jumia tuyên bố họ chấp nhận giảm 25% tiền lương để hỗ trợ nhà bán lẻ trực tuyến này quản lý chi phí trong đại dịch Covid-19.
Năm 2019, bộ đôi này và giám đốc tài chính công ty kiếm được tổng cộng 5.3 triệu USD từ lương và thưởng. Tuy nhiên, những khoản lỗ của Jumia đã tăng 34%, lên 246 triệu USD, và đây là năm thứ 8 liên tiếp họ không có lãi.
Niềm tự hào của châu Phi
Khi đại dịch bùng phát, Jumia mở rộng dịch vụ tạp hóa và vệ sinh, đưa ra các lựa chọn giao hàng không tiếp xúc và thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Họ cũng bắt đầu bán những mặt hàng thiết yếu ở Nam Phi bằng cách sử dụng cơ sở hạ tầng của công ty bán lẻ thời trang Zando.
Tháng 4 năm ngoái, Jumia từng là niềm tự hào của châu Phi vì đây là 'start-up công nghệ châu Phi đầu tiên được niêm yết trên NYSE'.
'Tôi đã làm việc ở Phố Wall 25 năm và chưa thấy trường hợp nào như thế ở đó', một phụ nữ nói với Juliet Annamah, khi đó là CEO công ty này ở Nigeria.
Sụt giảm chóng mặt
Jumia là gã khổng lồ trực tuyến 'ba đầu' khi vừa là nơi họp chợ với 1 tỷ lượt truy cập hàng năm, bộ phận hậu cần xử lý các lô hàng và giao hàng, vừa là nền tảng thanh toán.
Jumia niêm yết ở mức 14.5 USD/cổ phiếu, được định giá công ty 1.1 tỷ USD. Chỉ 4 ngày sau, cổ phiếu của họ đạt 49.77 USD, nâng giá trị công ty lên mức kỷ lục trong giới khởi nghiệp ở châu Phi là 3.8 tỷ USD.
Tuy vậy, điều đó không kéo dài được lâu. Chỉ trong vài tuần, cổ phiếu của Jumia đã sụt giảm nhanh chóng, do các cáo buộc gian lận và giấu lỗ. Thế là, giá cổ phiếu của họ giảm xuống mức thấp nhất mọi thời đại, còn 2.15 USD vào tháng 8 năm ngoái, và chưa hề tăng lại.
Jumia đã rời 3 trong 14 thị trường của họ là Rwanda, Tanzania và Cameroon, và cố gắng vạch ra con đường dẫn đến lợi nhuận.
Năm hỗn loạn
Một tuần trước ngày sinh nhật đầu tiên của Jumia trên thị trường chứng khoán, Rocket Internet, chủ sở hữu ban đầu của nó, đã bán đổ bán tháo toàn bộ 11% cổ phần của họ, đẩy Jumia vào tình thế khó khăn thêm.
'Năm đầu tiên của Jumia trên NYSE là sự phản ánh đúng đắn về giá trị của công ty', Rebecca Enonchong, doanh nhân công nghệ người Cameroon, nói.
Thương vụ IPO của Jumia được coi là câu chuyện về tuổi tác cho các start-up non trẻ ở lục địa đen, nhưng công ty này đã đến Phố Wall khi sự kiên nhẫn của thị trường đối với những con kỳ lân không mang lại lợi nhuận bắt đầu cạn kiệt.
Gã khổng lồ thương mại điện tử Amazon của Mỹ, tên tuổi thường được mang ra so sánh, phải mất 6 năm mới có lãi, nhưng 8 năm sau khi ra mắt, Jumia vẫn đang gặp khó khăn.
'Không thể có hiệu quả'
'Việc kinh doanh của họ bị phá vỡ một cách cơ bản, họ không có lối thoát', Olumide Olusanya, đối thủ cạnh tranh ban đầu của Jumia ở Lagos, Nigeria, nói.
Doanh nhân này, bước vào lĩnh vực kinh doanh sau khi từ bỏ công việc bác sĩ, cho rằng Jumia đang đốt quá nhiều tiền mặt với tốc độ nhanh chóng trong một thị trường lợi nhuận biên thấp.
'Thực tế là không thể có hiệu quả. Tôi không hề ghen tị với anh chàng điều hành doanh nghiệp đó'.
Năm 2019, chi phí hoàn tất các đơn hàng của Jumia cao hơn 1.6 triệu USD so với lợi nhuận gộp. Điều đó nghĩa là Jumia đã bỏ ra nhiều tiền hơn để vận chuyển và giao hàng cho người mua so với số tiền họ kiếm được.
'Đưa châu Phi lên bản đồ'
Với Jeremy Hodara, đồng CEO của Jumia, một cơ sở ở Đức là hợp lý hơn bởi vì một cấu trúc công ty châu Âu có thể thu hút tài trợ từ các nhà đầu tư dễ dàng hơn so với một cơ sở ở châu Phi.
'Điều quan trọng là người tiêu dùng và người bán của chúng ta đang ở đâu', ông nói.
'Cá nhân tôi muốn công ty ở đây sau 50, 100 năm nữa để tiếp tục là một phần trong cuộc sống của người tiêu dùng và người bán hàng của chúng tôi, giúp họ thành công và kiếm được nhiều tiền hơn. Chúng tôi muốn xây dựng một doanh nghiệp lâu dài'.
Thế nhưng, bà Enonchong không thấy một tương lai có thể mang lại lợi nhuận cho Jumia.
'Những người sáng lập thực sự của họ, Rocket Internet, rõ ràng cũng không thấy điều đó vì họ đã bán tất cả cổ phần'.
Bác sĩ Olusanya bày tỏ quan điểm tương tự nhưng tin rằng Jumia đã làm nên lịch sử cho châu Phi trong bối cảnh internet ở đây chưa phát triển bằng phần còn lại của thế giới.
'Họ đã đưa châu Phi lên bản đồ. Không ai từng nghĩ bạn có thể xây dựng một doanh nghiệp trong 5-6 năm mà có thể được niêm yết trên NYSE', ông nói.
Nhã Thanh (Theo BBC)
FILI
|