Thương mại điện tử đang bùng nổ ở nhiều khu vực trên toàn cầu
Cuộc khủng hoảng COVID-19 mang đến những thách thức nhưng đồng thời cũng là cơ hội để các nhà bán lẻ thay đổi nhằm theo kịp sự phát triển của thương mại điện tử.
(Nguồn: Getty Images)
|
Mua sắm trực tuyến đang thay thế cho việc mua sắm tại cửa hàng khi hàng tỷ người trên khắp thế giới phải tuân thủ các sắc lệnh yêu cầu ở trong nhà để ngăn chặn sự lây lan của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Thương mại điện tử trong bối cảnh đó đang bùng nổ ở nhiều khu vực trên toàn cầu.
Cuộc khủng hoảng của ngày hôm nay mang đến những thách thức nhưng đồng thời cũng là cơ hội để các nhà bán lẻ thay đổi nhằm theo kịp sự phát triển của thương mại điện tử.
Khi nhu cầu của người tiêu dùng thay đổi
Để đảm bảo an toàn trong bối cảnh đại dịch, các sự kiện tập trung hàng nghìn người, hàng trăm người đã bị cấm.
Khi các thành phố bị phong tỏa, các hoạt động kinh doanh không thiết yếu đã buộc phải đóng cửa và người dân nhìn chung tránh đến các địa điểm công cộng.
Các nhà hàng, quán bar, rạp hát và phòng tập thể hình ở nhiều thành phố lớn đã đóng cửa. Trong khi đó, nhiều nhân viên văn phòng được làm việc từ xa hoàn toàn.
Trong giai đoạn giãn cách xã hội, nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng đã có những thay đổi lớn, từ những gì họ mua, đến thời điểm mua và cách thức mua.
Khi dịch COVID-19 lan rộng và được Tổ chức Y tế Thế giới chính thức tuyên bố là đại dịch, phản ứng của người dân là mua tích trữ hàng hóa.
Họ mua các vật dụng y tế như nước rửa tay sát khuẩn và khẩu trang cũng như các mặt hàng gia dụng thiết yếu như giấy vệ sinh, bánh mỳ... Việc hạn chế mua sắm trừ các mặt hàng thiết yếu đang trở thành điều bình thường.
Khi người dân tuân thủ yêu cầu giãn cách xã hội như một cách để làm chậm tốc độ lây lan của dịch bệnh, một điều dễ hiểu là mua sắm tại các cửa hàng giảm đi, trong khi mua sắm trực tuyến tăng lên. Tuy nhiên, không phải mặt hàng nào cũng có doanh số bán trực tuyến tăng.
Các nhà bán lẻ hàng gia dụng và thực phẩm đã chứng kiến doanh số tăng mạnh. JD.com, nhà bán lẻ trực tuyến lớn nhất Trung Quốc, có doanh thu từ hàng gia dụng tăng gấp bốn lần so với năm ngoái.
Theo một khảo sát của Engine, chi cho mua hàng trực tuyến của các gia đình tăng trung bình 10-30%.
Lượng mua thực phẩm trực tuyến trong tuần thứ hai của tháng Ba tăng vọt khi người tiêu dùng chuyển sang mua trực tuyến những mặt hàng họ cần nhưng đã không còn ở các cửa hàng.
Người tiêu dùng cũng chọn mua trực tuyến với một loạt các sản phẩm khác. Các dịch vụ tiện ích cũng chứng kiến xu hướng gia tăng mạnh về doanh thu.
Trước sự thay đổi nhu cầu của khách hàng, cả các cửa hàng thực tế và trực tuyến đều phải thích ứng và linh hoạt để đáp ứng.
Tập đoàn thương mại điện tử Amazon cho biết hoạt động trên web của tập đoàn tăng mạnh và đã phải thuê thêm 100.000 người làm công việc giao hàng và xếp kho.
Các nhà bán lẻ đã chuyển từ bán hàng tại cửa hàng theo cách truyền thống sang bán hàng trực tuyến. Điều này giúp khách hàng kiểm soát được thời gian mua hàng và mặt hàng nào sẽ mua cũng như cách thức giao hàng.
Trong bối cảnh nền kinh tế sa sút hay một cuộc khủng hoảng y tế, người dân vẫn tiếp tục sử dụng Internet để mua sắm. Internet mang đến cho họ đầy đủ thông tin về sản phẩm hay dịch vụ có thể không phải lúc nào cũng sẵn có ở các cửa hàng.
Bùng nổ mua sắm trực tuyến ở nhiều khu vực
Theo công cụ theo dõi trực tuyến của trang tiếp thị Emarsys và trang phân tích GoodData, lượng đơn đặt hàng trong hai tuần từ ngày 22/3 đến ngày 4/4 của các nhà bán lẻ trực tuyến chỉ qua trang web ở Mỹ và Canada tăng 52% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh số của nhóm này trong hai tuần đó tăng 30%.
Với các nhà bán lẻ tại cửa hàng, số đơn đặt hàng trực tuyến tại Mỹ và Canada tăng 56% trong hai tuần nói trên, còn doanh số bán trực tuyến tăng 43%.
Trong thời điểm mà người tiêu dùng tích trữ các mặt hàng thiết yếu, doanh số bán thực phẩm trực tuyến tăng mạnh hơn doanh thu thương mại điện tử nói chung.
Theo hãng tư vấn bán hàng và tiếp thị thực phẩm Brick Meets Click, doanh số bán thực phẩm trực tuyến trong cả tháng Ba tăng 233% so với tháng 8/2019.
Trong khi đó, nghiên cứu của Symphony RetailAI nhận thấy lượng truy cập các trang của một số nhà bán lẻ trực tuyến thực phẩm tăng hơn 300%, trong khi lượng khách ghé vào các cửa hàng giảm 45%.
Trong giai đoạn 22/3-1/4, tăng trưởng giao dịch của các nhà bán lẻ chỉ qua trang web tại châu Á-Thái Bình Dương so với cùng kỳ năm ngoái đạt 23%. Trong giai đoạn này, tăng trưởng doanh thu đạt 19%. Với các nhà bán lẻ chủ yếu tại cửa hàng, lượng đơn hàng trực tuyến tăng 82%, còn doanh thu tăng 22%.
Tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, bao gồm Trung Quốc, nơi những ca mắc COVID-19 xuất hiện vào cuối tháng 12/2019, lượng đơn hàng trực tuyến của các nhà bán lẻ qua web đạt đỉnh trong hai tuần kết thúc ngày 19/1, với mức tăng 78%.
Sau đó, lượng đơn hàng trực tuyến vẫn tăng so với cùng kỳ năm ngoái, mặc dù không còn tăng trưởng theo tuần.
Tại Hàn Quốc, trong bối cảnh tác động của dịch COVID-19, giá trị giao dịch mua sắm trực tuyến trong tháng 2/2020 đã xác lập mức tăng cao nhất trong vòng 16 tháng. Đặc biệt, tỷ trọng giá trị mua sắm trực tuyến trên tổng doanh thu bán lẻ đạt mức cao kỷ lục.
Báo cáo "Xu hướng mua sắm trực tuyến tháng 2/2020" của Hàn Quốc cho thấy giá trị giao dịch mua sắm trực tuyến tại nước này trong tháng Hai đạt 11.961,8 tỷ won (9,7 tỷ USD), tăng 24,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng cao nhất sau mức tăng 30,7% ghi nhận hồi tháng 10/2018, phản ánh hiệu ứng mua sắm tăng vọt dịp Tết Trung Thu.
Ở Tây và Trung Âu, trong giai đoạn 22/3-4/4, lượng đơn hàng trực tuyến của các nhà bán lẻ qua web tăng 44%, trong khi doanh thu tăng 39%. Với các nhà bán lẻ tại cửa hàng, lượng đơn hàng trực tuyến tại châu Âu tăng 71%, trong khi doanh số bán trực tuyến tăng 31%.
Riêng tại Anh, số liệu của hãng phân tích Contentsquare công bố cho thấy các giao dịch trên các trang siêu thị trực tuyến tăng 221% trong tuần kết thúc ngày 3/4.
Trong khi đó, các hãng mỹ phẩm có lượng giao dịch trên các trang web trong tuần nói trên tăng 53% so với tuần trước đó, tăng 156% so với mức tăng trung bình của giai đoạn trước khi dịch bùng phát.
Sức mua các thiết bị thể thao đã phục hồi sau hai tuần lắng xuống, với lượng giao dịch tăng 34% so với tuần trước và tăng 68% so với giai đoạn trước sắc lệnh phong tỏa.
Cơ hội từ trong khủng hoảng
Do việc mua sắm diễn ra trực tuyến, các cửa hàng thực tế trong tương lai sẽ không còn tập trung vào bán các sản phẩm mà sẽ hướng đến việc mang đến những trải nghiệm.
Một nhà bán lẻ dù cung cấp mặt hàng gì cũng cần thu hút khách hàng trực tuyến và cách truyền thống để hấp dẫn khách bằng các cuộc gọi hay quảng cáo theo lối cũ ngày càng không hiệu quả trong khi tốn kém hơn. Đó không đơn giản là cạnh tranh về những trải nghiệm mà là cạnh tranh về sự tiện ích.
Khi giãn cách xã hội và phong tỏa có thể là những biện pháp được áp dụng tạm thời, nhu cầu giao hàng được cho là sẽ tiếp tục trong tương lai, các nhà bán lẻ đứng trước cơ hội lớn để đầu tư nhằm tối ưu hóa mảng bán hàng trực tuyến.
Những nỗ lực như vậy có thể giảm đáng kể chi phí cho việc vận chuyển hàng hóa từ một cửa hàng và một cơ sở phân phối trong khu vực, trong khi giúp khách hàng có những lựa chọn giao hàng nhanh hơn và với chi phí thấp hơn.
Hơn 87% các hoạt động mua bán hiện bắt đầu bằng giao dịch trực tuyến. Khoảng 24-30 tỷ USD trong doanh số bán lẻ hàng năm của Amazon tại Bắc Mỹ là từ những khách hàng đã cố gắng mua các mặt hàng tại cửa hàng nhưng nhà cung cấp đã hết hàng.
Hình thức mua trực tuyến, nhận hàng tại cửa hàng (BOPIS) đã được cả khách hàng và các nhà bán lẻ lựa chọn nhiều hơn, giúp tiết kiệm chi phí giao hàng và rút ngắn thời gian mua bán.
Theo khảo sát của Radial & NAPCO Research đối với các nhà bán lẻ tại Mỹ có doanh thu hàng năm trên 10 triệu USD, có 67% số khách hàng tại Mỹ sử dụng BOPIS trong sáu tháng qua, 88% số các nhà bán lẻ có thể theo dõi sức mua từ các khách hàng mua theo hình thức này và 98% các nhà bán lẻ đã áp dụng chương trình này cho biết doanh thu từ các khách hàng BOPIS gia tăng.
Các nhà bán lẻ phải chú trọng đến các nhu cầu và mong muốn của khách hàng và thích ứng với hành vi của họ. Việc thực hiện điều này trên kênh bán hàng trực tuyến thuận lợi hơn bất kỳ kênh nào khác khi có thể đo lường được dựa trên các số liệu. Sự trung thành của khách hàng hay sự cải thiện trải nghiệm của họ là điều quyết định đối với sự thành công của thương mại điện tử.
Thương mại điện tử đang có một triển vọng sáng sủa, khi nền kinh tế đang đứng trước những biến động lớn.
Thương mại điện tử đang mang đến những cơ hội và việc phát triển công nghệ vượt trội nhất sẽ giúp các doanh nghiệp nắm bắt được các cơ hội.
Nhiều lợi ích đang được mở ra từ cuộc khủng hoảng của ngày hôm nay và người chiến thắng của ngày mai là người dũng cảm đương đầu./.
Lê Minh
Vietnam+
|