Nước ngoài đóng thuế lạm phát cho Mỹ
Cho đến nay, Mỹ đã chi khoảng 3.000 tỷ USD viện trợ trực tiếp cho các cá nhân và doanh nghiệp, cao kỷ lục trong lịch sử. Nhưng con số này chưa dừng lại khi ngày 15-5 vừa qua, Hạ viện Mỹ đã phê chuẩn một dự luật tiếp tục chi thêm 3.000 tỷ USD nữa để hỗ trợ nước Mỹ vượt qua đại dịch.
* Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ dự báo ở mức 2 con số trong giai đoạn bầu cử
* Thượng viện Mỹ thông qua dự luật để hủy niêm yết các công ty Trung Quốc
Tuy nhiên, bên cạnh các góc độ về kỷ lục chi tiêu, cần nhìn nhận định hướng của chính phủ Mỹ và giá trị của đồng đô la Mỹ dưới góc độ chiến lược quốc gia. Con số 6.000 tỷ USD lớn hơn cả tổng chi tiêu của chính phủ Mỹ trong năm 2019 là 4.450 tỷ USD, lớn hơn nhiều so với 3.460 tỷ USD tổng thu nhập từ thuế, và cao hơn quá nhiều so với mức 676 tỷ USD chi tiêu cho quốc phòng của Chính phủ Mỹ năm 2019.
Theo báo cáo được công bố vào tháng 8-2019 bởi Văn phòng Ngân sách Quốc hội lưỡng đảng (CBO), thâm hụt ngân sách liên bang sẽ đạt mức 1.000 tỷ USD vào năm 2020. Nếu cộng thêm khoảng 6.000 tỷ USD đã và sẽ chi hỗ trợ ảnh hưởng của đại dịch, có thể thấy rõ màu xám xịt đầy thách thức cho triển vọng tài chính quốc gia của Mỹ.
Bên cạnh đó, đối với nguồn thu, Tổng thống Trump đã cắt giảm thuế khoảng 1.500 tỷ USD trong thời gian trước Covid-19. Và điều này dự kiến kéo dài nhằm chuyển hướng sản xuất trong nước, giảm phụ thuộc Trung Quốc.
Mỹ tách riêng vai trò in tiền dành cho Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Tổng thống và Quốc hội, những người thường quyết định chi ngân sách hay thu thuế lại không có quyền quyết định in tiền hay điều tiết cung tiền. Điều này cũng là yếu tố làm quốc tế tin tưởng hơn vào đồng tiền của Mỹ.
Lạm phát trung bình của Mỹ thường xuyên dao động quanh mức gần 2%. Tuy nhiên, trong bối cảnh nợ chính phủ quá cao nhưng cần thiết phải chi tiêu lớn, thì lạm phát nếu tăng cao một chút sẽ không phải là vấn đề lớn, giá trị đồng USD cao lên hay thấp xuống liệu có lợi cho nước Mỹ?
Đánh thuế người nắm giữ tiền mặt
Thuế lạm phát (Inflation Tax) là loại thuế đánh lên những người nắm giữ tiền mặt. Họ chịu thuế mà không cần đi đâu để đóng. Nghe có phần phi lý. Thực tế khi chính phủ in tiền để chi trả cho những gói hỗ trợ nền kinh tế trong bối cảnh như đại dịch Covid-19, trong dài hạn gây ra lạm phát. Lạm phát đi kèm với sự mất giá của đồng tiền.
Phần mất đi về giá trị của đồng tiền xuất phát từ nguyên nhân do chính phủ in tiền để chi tiêu, được gọi là thuế lạm phát, là nguồn thu của Chính phủ, đồng thời là chi phí đối với những ai đang nắm tiền mặt.
Đồng tiền fiat của Mỹ đặc biệt hơn tất cả những đồng tiền khác trên thế giới. Người Mỹ bản địa không nắm giữ tiền mặt nhiều, mà nó chủ yếu lại được nắm giữ ở ngoài nước Mỹ như một kiểu lưu trữ tài sản.
Và điều này không có gì ngạc nhiên nếu một người Việt Nam nắm giữ tài sản của mình ở dạng tiền USD; hay Chính phủ Việt Nam cuối quý I-2020 cũng có mức dự trữ 84 tỷ USD, một mức cao kỷ lục. Thậm chí ở những nước phát triển như Nhật Bản, châu Âu... đồng USD cũng được ưa chuộng để lưu trữ tài sản, bên cạnh những kênh truyền thống khác như nắm giữ vàng, hay bất động sản. Cho nên khi lạm phát Mỹ tăng cao, rất nhiều cá nhân và tổ chức nước ngoài phải đóng thuế lạm phát cho chính phủ Mỹ.
Phù hợp chiến lược sản xuất tại Mỹ
Chính sách tiền tệ và tài khóa của Mỹ giai đoạn trước Covid-19 đã nhiều lần xảy ra tình huống trái ngược. Nghĩa là, chính sách tiền tệ theo định hướng thắt chặt thể hiện rõ trong 4 lần Fed tăng lãi suất trước dịch Covid-19.
Sử dụng thuế lạm phát đánh vào người nước ngoài nắm giữ USD trong thời điểm này là lá bài tẩy có tính chiến lược chưa từng có trong lịch sử nước Mỹ.
|
Trong khi đó, Tổng thống Trump liên tục cắt giảm thuế hỗ trợ cho doanh nghiệp và nền kinh tế, lại là định hướng nới lỏng chính sách tài khóa. Nhưng trước đại dịch, những mâu thuẫn nội bộ của chính phủ Mỹ cũng như định hướng chính sách đều trở nên đồng pha, đều được duy trì mở rộng cực kỳ mạnh để hỗ trợ nền kinh tế trong suy thoái.
Trong những động thái mới đây, về mặt tài khóa Tổng thống Mỹ tuyên bố có thể cắt đứt hoàn toàn quan hệ với Trung Quốc, cũng như mong muốn thúc đẩy sản xuất trong nước mang lại việc làm cho người Mỹ.
Về mặt chính sách tiền tệ, Chủ tịch Jerome Powell đã cam kết Fed sẽ làm tất cả những gì có thể, tiếp tục sử dụng mọi công cụ để chống lại sự suy thoái kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra. Và khi nước Mỹ cũng có định hướng sản xuất nội địa, đồng USD tăng giá không còn mang lại thuận lợi như trước khi họ chủ yếu sử dụng hàng hóa nhập khẩu từ thế giới.
Đồng tiền có giá trị cao chỉ khiến hàng hóa nội địa trở nên mắc mỏ so với khách hàng quốc tế, vì thế nó giảm sức cạnh tranh. Hàng hóa Trung Quốc luôn được cho là rẻ, bởi đồng NDT cũng luôn duy trì ở mức rất thấp. Chính vì thế, Trung Quốc đã bị Mỹ cáo buộc thao túng tiền tệ trong năm 2019.
Tất cả những điều này cho thấy, tỷ lệ lạm phát của Mỹ trong thời gian tới là lá bài chiến lược có thể hóa giải được tình hình tài chính nợ nần chồng chất hiện tại, cũng như phù hợp với viễn cảnh mới của nước Mỹ chuyển hướng từ sản xuất ở nước ngoài sang định hướng sản xuất nội địa.
Và khi loại thuế lạm phát này đánh vào đối tượng đang nắm giữ tiền mặt, rất nhiều cá nhân, tổ chức nước ngoài, không phải người Mỹ, nó trở nên quá phù hợp với chiến lược “Nước Mỹ là trên hết” của Tổng thống Trump.
Việc đồng NDT của Trung Quốc giảm giá trị là vấn đề cũ, nhưng đối với Mỹ là điều chưa có tiền lệ. Nhưng có thể, nước Mỹ trong viễn cảnh mới hậu Covid-19 sẽ chứng kiến sự mất giá của đồng USD thông qua việc chính phủ in tiền cung ra nền kinh tế, vừa phục vụ cho nhu cầu chi tiêu hiện tại, vừa giúp hàng hóa sản xuất nội địa Mỹ ở mức giá có sức mạnh cạnh tranh ở thị trường nước ngoài. Có thể nói sử dụng thuế lạm phát vào thời điểm này là lá bài tẩy có tính chiến lược chưa từng có trong lịch sử nước Mỹ.
Đinh Hạ Vân
Sài gòn Giải phóng
|