Thứ Ba, 12/05/2020 14:30

Không cơ cấu lại nợ cho các khoản đầu tư trái phiếu, bảo lãnh

Sau gần 2 tháng ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có bản giải đáp, hướng dẫn thực hiện về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ quy định tại thông tư.

Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM

Trong bản giải đáp này, NHNN đã trả lời, hướng dẫn về nhiều vấn đề liên quan đến phạm vi, thời hạn các khoản nợ được cơ cấu, trích lập dự phòng, ghi nhận lãi dự thu, trình tự, thủ tục thực hiện…

Chỉ áp dụng với hoạt động cho vay, thuê tài chính

Về phạm vi các khoản nợ được cơ cấu, có đề nghị NHNN xem xét mở rộng phạm vi áp dụng đối với các khoản đầu tư trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), các khoản cấp tín dụng dưới hình thức phát thẻ, chiết khấu, bao thanh toán… Trả lời vấn đề này, NHNN cho biết các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành quy định về các hình thức tín dụng khác bao gồm chiết khấu, bảo lãnh ngân hàng, bao thanh toán, TPDN… đều không có quy định về cơ cấu lại thời hạn trả nợ.

Đối với hoạt động chiết khấu, bao thanh toán, thời hạn chiết khấu, bao thanh toán không chỉ phụ thuộc vào khả năng trả nợ của khách hàng mà còn phụ thuộc vào thời hạn, kỳ hạn thanh toán còn lại của giấy tờ có giá, khoản phải thu, khoản phải trả tại hợp đồng mua, bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ và thời hạn truy đòi.

Đối với hoạt động bảo lãnh ngân hàng, trường hợp tổ chức tín dụng (TCTD) chưa phải thực hiện nghĩa vụ tài chính thay cho khách hàng thì không có cơ sở để thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ; trường hợp đã thực hiện nghĩa vụ tài chính thay khách hàng thì phải phân nợ đó vào nhóm 3 (nợ xấu), như vậy việc giữ nguyên nhóm nợ thì cũng chỉ giữ nguyên khoản này ở nhóm 3.

Đối với hoạt động mua TPDN, NHNN cho biết quyền thay đổi thời hạn thanh toán gốc và/hoặc lãi TPDN không phải do TCTD, chi nhánh NHNN quyết định mà do DN phát hành quyết định. Đồng thời, việc thay đổi thời hạn thanh toán gốc và/lãi trái phiếu phải phụ thuộc vào các điều kiện, điều khoản của từng loại trái phiếu khi phát hành, phải tuân thủ Nghị định 163 của Chính phủ và các văn bản liên quan. Vì vậy, việc cho phép TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với TPDN là không phù hợp.

Theo số liệu thống kê của NHNN, tính đến ngày 14/4/2020, trên toàn hệ thống, tổng dư nợ cho vay chiếm 96,94%; đầu tư TPDN chiếm 2,47%, các hình thức cấp tín dụng khác chiếm 0,59%. Vì vậy, NHNN cho rằng việc Thông tư 01 quy định nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ là nợ phát sinh từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính mà không áp dụng đối với nợ phát sinh từ hoạt động chiết khấu, bao thanh toán, bảo lãnh ngân hàng, mua, đầu tư TPDN là phù hợp.

Trích lập dự phòng rủi ro theo nhóm nợ được cơ cấu lại tại Thông tư 01

Riêng với các khoản thấu chi, NHNN cho biết việc cho vay theo hạn mức thấu chi đối với thẻ ghi nợ, thấu chi trên tài khoản thanh toán là một hình thức cho vay. Vì vậy, các khoản vay này được cơ cấu lại khi đáp ứng đủ điều kiện tại Thông tư 01.

NHNN cũng khẳng định Thông tư 01 không giới hạn số lần cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ, song chỉ áp dụng với khoản vay phát sinh trước ngày 23/1/2020.

Về trích lập dự phòng các khoản nợ, NHNN cho biết các TCTD căn cứ vào nhóm nợ được xác định theo quy định tại Thông tư 01 để tính toán và trích lập dự phòng rủi ro tương ứng theo quy định của pháp luật liên quan về phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của TCTD.

Trả lời đề nghị về việc cho phép các TCTD tự quyết định việc trích lập dự phòng rủi ro hoặc điều chỉnh giảm các tỷ lệ trích lập dự phòng ở mức hợp lý hơn, NHNN cho biết việc xác định chi phí trích lập dự phòng phải phù hợp với mức độ rủi ro của tài sản có (căn cứ trên cơ sở kết quả xác định nhóm nợ), đảm bảo các TCTD chủ động về tài chính để xử lý rủi ro xảy ra và phải thực hiện thống nhất trong toàn hệ thống theo quy định của NHNN sau khi thống nhất với Bộ Tài chính. 

Thời báo Tài chính

Các tin tức khác

>   Giảm 50% lệ phí cấp phép thành lập ngân hàng từ 05/05 đến cuối năm (12/05/2020)

>   Gói hỗ trợ 650.000 tỉ đồng: Vì sao vẫn kêu khó? (12/05/2020)

>   Nhấp vào đường link lạ, tài khoản mất gần 850 triệu đồng (11/05/2020)

>   VPBank muốn mua lại trái phiếu quốc tế niêm yết ở Singapore (12/05/2020)

>   Vì sao nhà mạng mong chờ Mobile Money? (11/05/2020)

>   Thanh toán di động tại Việt Nam có thể tăng 400% vào năm 2025 (11/05/2020)

>   Ngân hàng cũng cần được nới lỏng (11/05/2020)

>   Triển khai 'tiền di động' (11/05/2020)

>   Quy mô gói tín dụng ưu đãi cho doanh nghiệp đã lên tới 650.000 tỉ đồng (10/05/2020)

>   Tái cấp vốn 16.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp vay trả lương (09/05/2020)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật