Gói hỗ trợ 650.000 tỉ đồng: Vì sao vẫn kêu khó?
Một số doanh nghiệp phản ánh chưa thể tiếp cận được gói tín dụng 650.000 tỉ đồng với lãi suất thấp hơn mặt bằng chung từ 2 - 3%/năm, bởi sự “cứng rắn” của các ngân hàng...
* Quy mô gói tín dụng ưu đãi cho doanh nghiệp đã lên tới 650.000 tỉ đồng
* 'Quả đấm thép' 650.000 tỷ giúp kinh tế bật dậy?
Ngân hàng không dám hạ chuẩn vay vì tiền huy động từ người dân, tổ chức kinh tế. Ảnh: Ngọc Thắng
|
Ngân hàng “bơm”, doanh nghiệp vẫn kêu “khát”
Với một nền kinh tế phụ thuộc vào vốn tín dụng (70% qua hệ thống ngân hàng - NH), vay được vốn lãi suất thấp sẽ cứu nhiều doanh nghiệp (DN) thoát cảnh phá sản. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chỉ đạo các NH thương mại nhà nước và yêu cầu các NH thương mại cổ phần tiết giảm chi phí, lợi nhuận để đăng ký gói hỗ trợ lãi suất thấp 300.000 tỉ đồng (đến nay lên tới 650.000 tỉ đồng, lãi suất cho vay thấp hơn mặt bằng chung từ 1 - 2%/năm, thậm chí có nhà băng còn giảm 3%/năm).
Kết quả, theo NHNN, đến ngày 8.5, các NH đã miễn, giảm, hạ lãi suất cho 260.000 khách hàng với dư nợ 1,08 triệu tỉ đồng; cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ 23.1 đến nay đạt khoảng 630.000 tỉ đồng cho khoảng 182.000 khách hàng, lãi suất thấp hơn phổ biến từ 0,5 - 3%/năm so với trước dịch.
Tuy nhiên, tại hội nghị mới đây của ngành nông nghiệp, đại diện HTX chăn nuôi lợn H.Tân Yên, Bắc Giang chia sẻ, HTX chăn 100 lợn nái và 500 lợn thương phẩm, song việc tái đàn rất khó khăn do thiếu vốn, con giống.
Đại diện này đề nghị các NH cho HTX khoanh nợ, giãn nợ, được vay nguồn vốn ưu đãi, lãi suất thấp… Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM, cũng đề nghị NHNN sớm có hướng dẫn việc thẩm định, đánh giá thiệt hại, ban hành danh mục ngành nghề, lĩnh vực DN chịu thiệt hại từ dịch Covid-19. Để các DN được hưởng hỗ trợ lãi suất thấp, vay vốn một cách công khai, minh bạch, hạn chế việc “xin - cho” bằng quan hệ, lợi dụng chính sách.
Vì sao các NH tuyên bố không hạn chế cho vay lãi suất rẻ, nhưng một số DN vẫn không tiếp cận được? Chủ tịch HĐQT Vietcombank Nghiêm Xuân Thành cho biết NH nào cũng muốn cho DN vay. Vietcombank còn giảm 2.240 tỉ đồng lợi nhuận để chia sẻ với các DN. Tuy nhiên, NH đi huy động vốn rồi cho vay lại, nên không thể giảm chuẩn tín dụng, vì rất nhiều rủi ro.
Ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch HĐQT VietinBank, cho biết đến hết tháng 4.2020, VietinBank đã giải ngân cho hơn 6.000 khách hàng khó khăn do dịch bệnh với doanh số trên 130.000 tỉ đồng. Vì vậy các đơn vị “kêu khó tiếp cận” chỉ là thiểu số.
“Năm 2020, VietinBank dự kiến dành khoảng 3.000 tỉ đồng từ cắt giảm lợi nhuận để hỗ trợ lãi suất và giảm phí, đồng hành, chia sẻ khó khăn với các khách hàng. Từ cuối tháng 1 đến nay, đã giảm hơn 800 tỉ đồng tiền lãi để hỗ trợ các khách hàng chịu ảnh hưởng của dịch bệnh”, ông Thọ cho biết.
Không thể mạo hiểm tiền gửi của dân
TS Cấn Văn Lực đánh giá gói hỗ trợ 300.000 tỉ đồng bản chất là tiền NH đi huy động từ người dân và tổ chức kinh tế, chứ không phải tiền ngân sách. Do đó, việc hạ thấp chuẩn tín dụng (cho vay với DN không đủ điều kiện trả nợ, phương án kinh doanh không khả thi) sẽ dẫn tới rủi ro.
“Vấn đề hiện nay không phải lãi suất mà là sức hấp thụ vốn của nền kinh tế rất yếu. Thực tế, NH đã giảm sâu lãi suất mà tín dụng cũng không tăng được”, ông Lực nhận định.
Đồng quan điểm, theo PGS-TS Đào Văn Hùng, Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển, nhận xét gói tín dụng hỗ trợ 300.000 tỉ đồng là do các NH thương mại sử dụng nguồn thu nhập của mình để giảm lãi suất, chia sẻ khó khăn với DN. Do vậy, khi NH xem xét khoản cho vay này, phải tuân thủ theo quy định, quy chế của mình trong thực hiện. Bên cạnh chia sẻ với DN, NH cũng phải tính đến rủi ro cho vay, phải tính đến khả năng hoàn vốn.
Đánh giá thêm về gói hỗ trợ này, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp số Việt, cho rằng các DN cần hiểu đúng bản chất và qua đó sẽ tiếp cận tốt hơn chương trình của Chính phủ, NHNN. Gói tín dụng 300.000 tỉ đồng không phải gói cứu trợ kinh tế trích từ ngân sách nhà nước.
“Cơ chế, quy trình cho vay cơ bản giống như cho vay thương mại thông thường, chỉ là thủ tục nhanh gọn, linh hoạt hơn, lãi suất ưu đãi hơn mức lãi suất cho vay thông thường từ 0,5 - 2,5%/năm”, ông Bình nói và lưu ý để vay được vốn, DN phải chứng minh được thiệt hại do dịch bệnh, mục đích sử dụng vốn cũng như khả năng trả nợ. Đây là vấn đề không phải DN nào cũng đáp ứng được ngay.
DN khỏe thì NH khỏe, DN yếu thì NH cũng khó khăn nên tinh thần đồng hành và chia sẻ rất quan trọng. Dòng vốn tín dụng dứt khoát phải đảm bảo tiếp sức nhanh và kịp thời cho các DN có tiềm năng nhưng đang gặp khó khăn tạm thời.
Chủ tịch Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc
|
Anh Vũ
Thanh niên
|