Hãng hàng không lâu đời thứ hai thế giới đệ đơn phá sản
Nếu không thể thoát khỏi vòng xoáy phá sản, hãng hàng không Avianca (trụ sở ở Bogota) sẽ là một trong những hãng hàng không lớn đầu tiên của thế giới rơi vào cảnh phá sản vì Covid-19.
* Virgin Australia sụp đổ, nhiều hãng hàng không cũng sẽ phá sản
Hãng Avianca không còn thực hiện chuyến bay chở khách theo lịch trình kể từ cuối tháng 3/2020 và phần lớn nhân viên (20,000 người) không được trả lương trong suốt cuộc khủng hoảng lần này.
“Hãng Avianca đang đối mặt với cuộc khủng hoảng khó khăn nhất trong lịch sử 100 năm qua”, Tổng giám đốc Avianca, Anko van der Werff, cho biết trong thông cáo báo chí.
Trên thực tế, hãng này đã yếu dần trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Tuy vậy, việc một hãng lâu đời như thế này nộp đơn phá sản cho thấy những thách thức của ngành hàng không – vốn không thể cậy nhờ đến các cuộc giải cứu của Chính phủ hoặc các cuộc giải cứu đến không đủ nhanh và kịp thời. Dẫu vậy, Avianca vẫn nuôi hy vọng Chính phủ cứu giúp.
“Điều này chẳng có gì bất ngờ”, Juan David Ballen, Chuyên gia kinh tế trưởng tại công ty môi giới Casa de Bolsa ở Bogota, cho hay. “Công ty đang chìm đắm trong nợ nần, mặc cho những nỗ lực tái cấu trúc trong năm 2019”.
Avianca – hãng hàng không lâu đời thứ hai trên thế giới, chỉ sau KLM – đang nợ 7.3 tỷ USD trong năm 2019. Hãng hàng không này đã nộp đơn phá sản ở New York và cho biết sẽ tiếp tục hoạt động trong lúc tái cấu trúc nợ.
Hiệp hội Hàng không Dân sự Colombia (ACDAC) – một liên đoàn đại diện cho nhiều nhân viên của Avianca – cho biết họ ủng họ động thái này.
Avianca đã trải qua quá trình phá sản vào đầu những năm 2000 và sau đó được doanh nhân dầu mỏ German Efromovich giải cứu.
German Efromovich đã thúc đẩy Avianca quyết liệt, nhưng cũng khiến hãng hàng không này lâm vào cảnh nợ nần chồng chất cho đến khi ông bị đẩy ra khỏi hãng hàng không này trong năm 2019. Ông vẫn sở hữu lượng lớn cổ phần tại Avianca.
United Airlines Holdings có thể mất tới 700 triệu tiền cho vay liên quan đến Avianca.
Hôm Chủ nhật (10/05), ông Efromovich nói với Reuters rằng ông không đồng tình với quyết định nộp đơn phá sản và không tham gia vào quá trình ra quyết định này.
Trước khi lâm vào tình cảnh phá sản
Sau khi ông Efromovich bị đẩy ra, ban quản lý chiếm quyền đã tập trung vào các chương trình tái cơ cấu và cắt giảm chi phí có tên là “Avianca 2021”, trước cuộc khủng hoảng trong năm nay.
Lời cảnh báo về tình hình tài chính mong manh xuất hiện ngày một nhiều. Năm 2019, trong một cuộc họp với nhân viên, Roberto Kriete – Chủ tịch Hội đồng quản trị của Avianca – cho biết hãng hàng không đã “vụn vỡ”.
Tháng trước, công ty kiểm toán cho Avianca, KPMG, cho biết họ “rất nghi ngờ” về khả năng tồn tại của hãng hàng không trong vòng 1 năm từ thời điểm đó.
Cổ phiếu Avianca khép lại phiên ngày thứ Sáu (08/05) ở mức 88 xu/cp, từ mức hơn 18 USD trong năm 2014.
Khẩn cấp nhất tại thời điểm này là việc Avianca phải trả nợ trái phiếu 65 triệu USD vào ngày Chủ nhật (10/05) và các chuyên viên phân tích không nghĩ hãng hàng không này có khả năng trả. S&P đã hạ bậc tín nhiệm của Avianca xuống “CCC”.
Các nhà lãnh đạo Avianca xác nhận vào đêm ngày Chủ nhật (10/05) rằng họ không có khả năng thanh toán.
Tổng Giám đốc Van der Werff thực hiện chiến lược quan hệ công chúng (PR) trong những tuần gần đây để kêu gọi Chính phủ Colombia hỗ trợ khẩn cấp, nhưng vẫn chưa có gì xảy ra (tính tới ngày 10/05).
Avianca chưa đưa ra ngày cụ thể để tiếp tục hoạt động, khi địa bàn chính của họ – Colombia, El Salvador và Peru – đều ngưng các chuyến bay vì Covid-19. Hãng hàng không này đối mặt với làn sóng chỉ trích dữ dội sau khi bán vé máy bay vào cuối tháng 5/2020 và sau đó hủy các tấm ve này khi Colombia kéo dài thời gian phong tỏa.
Avianca cũng sẽ đóng hoạt động ở Peru – vốn tạo 5% doanh thu cho hãng – và sa thải hàng trăm nhân viên trong 10 ngày tới.
“Tại thời điểm này, chúng tôi không có thanh khoản để duy trì những hoạt động tạo lỗ cho công ty”, Silvia Mosquera, Giám đốc thương mại của Avianca, nói với các phóng viên liên quan đến Avianca chi nhánh Peru.
Vũ Hạo (Theo Reuters)
FILI
|