Doanh nghiệp siết lương giám đốc, cắt giảm nhân sự cấp thấp
58% doanh nghiệp lựa chọn giảm lương của nhân sự cấp trung cấp cao, trong đó 21% chọn nhóm giám đốc/trưởng bộ phận.
42% doanh nghiệp lựa chọn khi khôi phục kế hoạch tuyển dụng ưu tiên tuyển nhân viên nhiều kinh nghiệm. Ảnh: PHONG ĐIỀN
|
Nhờ các giải pháp quyết liệt, Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch COVID-19, các hoạt động kinh tế-xã hội và đời sống người dân cả nước đã trở lại trạng thái bình thường mới. Tuy nhiên, tỉ lệ các doanh nghiệp tiếp tục duy trì sản xuất và nhu cầu tuyển dụng nhân sự vẫn chưa thực sự ổn định trở lại.
VietnamWorks - trang web tuyển dụng trực tuyến lớn nhất Việt Nam đã đưa ra phân tích tổng quan về thị trường nhân lực hoạt động trong trạng thái bình thường mới.
Trong đó, gần 60% doanh nghiệp thể hiện đủ năng lực nhất định để duy trì và tiếp tục phát triển kinh doanh. 44% doanh nghiệp phản hồi họ vẫn đang hoạt động bình thường, có khả năng duy trì lực lượng nhân sự cũng như lương và phúc lợi cho người lao động. 16% các doanh nghiệp cho biết họ đang tăng trưởng và tăng quy mô nhân sự.
Đáng chú ý, kết quả khảo sát của nhà tuyển dụng này cho thấy các doanh nghiệp đang tiếp tục cắt giảm nhân sự tại các cấp bậc trong công ty. Trong đó có 72% doanh nghiệp mạnh tay cắt giảm nhóm nhân viên cấp thấp. Cụ thể, 51% chọn cắt giảm nhóm nhân viên ít kinh nghiệm, 21% nhắm vào nhóm thực tập sinh hoặc mới ra trường.
42% doanh nghiệp lựa chọn khi khôi phục kế hoạch tuyển dụng ưu tiên tuyển nhân viên nhiều kinh nghiệm. Ảnh: PHONG ĐIỀN
|
Như vậy, nhóm nhân sự cấp thấp này sẽ đối mặt với khó khăn khi tìm kiếm việc mới, vì có gần 42% doanh nghiệp lựa chọn khi khôi phục kế hoạch tuyển dụng sẽ ưu tiên tuyển nhân viên nhiều kinh nghiệm, 19% chọn tuyển nhân viên ít kinh nghiệm và 5% chọn tuyển thực tập sinh hoặc người mới ra trường.
Đồng thời có 58% các doanh nghiệp lựa chọn giảm lương của nhân sự cấp trung cấp cao, trong đó có 17% doanh nghiệm chọn nhóm trưởng nhóm/giám sát; 20% chọn cắt giảm lương nhóm quản lý, 21% chọn nhóm giám đốc/trưởng bộ phận.
Về phương án khôi phục hoạt động tuyển dụng trở lại, 39% doanh nghiệp lạc quan phản hồi sẽ sớm khôi phục hoạt động tuyển dụng, trong đó 14% xác nhận họ khôi phục hoạt động tuyển dụng ngay lập tức. Thận trọng hơn 8% chọn nửa tháng sau, 17% chọn phương án khôi phục một tháng sau.
Ngược lại, có 20% doanh nghiệp vẫn chưa xác định được khi nào đưa hoạt động tuyển dụng trở lại bình thường. 19% doanh nghiệp đợi đến ba tháng sau và 17% chọn thời điểm tái tuyển dụng nửa năm sau.
PHONG ĐIỀN
Pháp luật TPHCM
|