Thứ Năm, 14/05/2020 09:58

Bộ Tài chính: Bãi bỏ 28, đơn giản hóa 24 thủ tục hành chính trong 4 tháng

Từ ngày 1/1-25/4, Bộ Tài chính đã ban hành 4 Quyết định công bố bãi bỏ 28 thủ tục hành chính (TTHC), đơn giản hóa 24 TTHC thuộc lĩnh vực quản lý công sản, kho bạc nhà nước, kế toán – kiểm toán và hải quan.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tính đến ngày 25/4, tổng số TTHC thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính là 938 TTHC.

Trong đó, thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 4 là 332 thủ tục, mức độ 3 là 210 thủ tục, mức độ 2 là 297 thủ tục, mức độ 1 là 99 thủ tục. Bộ Tài chính đã hoàn thành tích hợp, chia sẻ kết nối một số DVCTT mức độ 4 lên Cổng Dịch vụ công quốc gia, như: Cấp mã số cho đơn vị có quan hệ với ngân sách; hủy tờ khai hải quan; khai bổ sung hồ sơ hải quan; nộp thuế cho doanh nghiệp (DN); nộp thuế cho cá nhân; nộp lệ phí trước bạ ô tô, xe máy; khai báo phiếu giao nhận hồ sơ giao dịch kiểm soát chi qua mạng và giao dịch một cửa với Kho bạc Nhà nước.

Bộ phận 1 cửa tại Bộ Tài chính tiếp tục vận hành và hoạt động ổn định. Tính đến ngày 25/4, nơi đây đã tiếp nhận 294 hồ sơ TTHC thuộc 4 lĩnh vực bảo hiểm, kế toán – kiểm toán, tin học và giá. Trong đó đã giải quyết và trả kết quả cho cá nhân, tổ chức 190 hồ sơ và đang giải quyết trong hạn 104 hồ sơ, không có hồ sơ giải quyết quá hạn.

Bộ Tài chính cho hay, song song với việc đẩy mạnh cải cách TTHC theo hướng tạo thuận lợi cho người dân và DN, Bộ Tài chính cũng tăng cường hiện đại hóa hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý.

Bộ Tài chính tiếp tục vận hành và kết nối với Trục liên thông văn bản quốc gia ổn định, đảm bảo hiệu quả. Tính từ đầu năm đến nay, Bộ Tài chính đã nhận được 35.339 văn bản điện tử từ Trục liên thông văn bản quốc gia. Số văn bản điện tử gửi từ Bộ Tài chính tới Trục liên thông văn bản quốc gia cũng lên tới 5.883 văn bản.

Bộ Tài chính tiếp tục mở rộng triển khai các dịch vụ khai thuế điện tử, nộp thuế điện tử, hoàn thuế điện tử, hóa đơn điện tử; vận hành ổn định và nâng cao hiệu quả Hệ thống thông quan tự động VNACCA/VCIS; triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN.

Đối với lĩnh vực Thuế, hệ thống khai thuế điện tử đã được triển khai tại 63/63 tỉnh, thành phố và 100% Chi cục Thuế trực thuộc. Tính đến ngày 17/4, đã có hơn 767,000 DN tham gia sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử, đạt 99.9% DN đang hoạt động. Số lượng hồ sơ khai thuế điện tử mà cơ quan thuế đã tiếp nhận chỉ tính riêng từ ngày 1/1 đến ngày 17/4 đã lên tới gần 5.6 triệu hồ sơ.

Cũng tính tới thời điểm nêu trên, số lượng DN đã đăng ký tham gia sử dụng dịch vụ nộp thuế điện tử với cơ quan thuế là hơn 766,000 DN, đạt tỷ lệ 99.8%. Từ ngày 1/1 đến ngày 17/4, các DN đã nộp tiền thuế thông qua gần 1.4 triệu giao dịch nộp thuế điện tử với số tiền là hơn 206,000 tỷ đồng và gần 13 triệu USD.

Tổng số DN tham gia hoàn thuế điện tử trong 4 tháng đầu năm (tính đến ngày 17/4) là 4,100 DN trên tổng số 4,232 DN hoàn thuế (đạt 96.88%)…

Trong lĩnh vực hải quan, Bộ Tài chính đã phối hợp với các Bộ, ngành để hoàn thành triển khai mới 71 TTHC trên Cơ chế một cửa quốc gia trong năm 2020. Tính đến ngày 15/4, đã có 13 bộ, ngành tham gia kết nối; 198 thủ tục hành chính được đưa lên Cơ chế một cửa quốc gia với tổng số hồ sơ hành chính đã được xử lý trên Cổng thông tin một cửa quốc gia trên 3 triệu bộ hồ sơ và trên 36 ngàn DN tham gia. Trong đó trong tháng 4/2020, đã có 10 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Cục Thú y và Cục Bảo vệ thực vật – Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn được kết nối chính thức trên Cơ chế một cửa quốc gia.

Đồng thời, Bộ Tài chính đã sẵn sàng vận hành chính thức Hệ thống Một cửa quốc gia và quản lý giám sát tự động với hàng hóa xuất nhập khẩu, quá cảnh tại Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài, Hà Nội. Theo đó, sẽ thay đổi phương thức quản lý từ thủ công sang phương thức quản lý trên dữ liệu điện tử, đảm bảo kết nối thông tin giữa 3 khâu: Trước thông quan, trong thông quan và khâu đưa hàng qua khu vực giám sát. Hệ thống công nghệ thông tin đồng bộ tạo nên môi trường làm việc điện tử, DN có thể tương tác với hệ thống mọi lúc, mọi nơi.

Có một số bộ, ngành đạt luôn ở trong “top” đầu về cải cách hành chính như NHNN, Bộ Tài chính. Tuy nhiên, dù các cơ quan quản lý đã tích cực cải cách nhưng theo Báo cáo Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2019 do VCCI công bố thì: Số lượng DN phải bôi trơn dù giảm nhưng vẫn ở mức cao. Việc cải cách hành chính không đồng đều, không thực chất ở một số bộ, ngành khiến còn tồn tại những thủ tục rườm rà có thể phát sinh tiêu cực và tạo rào cản “ngầm”, ảnh hưởng tới việc xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng.

Việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính là lĩnh vực Chính phủ quan tâm chỉ đạo sát sao. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch COVID-19 ảnh hưởng gây ra không ít thiệt hại về kinh tế, các nguồn lực tài chính hỗ trợ có hạn, thì việc cắt giảm, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho sản xuất kinh doanh được Chính phủ xác định là giải pháp quan trọng hàng đầu giúp DN khắc phục khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh.

Để thúc đẩy việc thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, ngày 8/4/2020 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 45/2020/NĐ-CP về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. Mới đây nhất, ngày 12/5, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 68/NQ-CP Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025.

Mục tiêu trong giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2025, cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh tại các văn bản đang có hiệu lực thi hành tính đến hết ngày 31/5/2020 được các bộ, cơ quan thống kê, tính chi phí tuân thủ và công bố lần đầu (trước ngày 31/10/2020); đồng thời, giảm tối đa số lượng văn bản hiện hành có quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ.

Nhật Quang

FILI

Các tin tức khác

>   12 dự án 'đắp chiếu': Vướng mắc chưa giải quyết tập trung ở ba nhóm vấn đề (14/05/2020)

>   Cắt giảm 20% chi phí và thủ tục liên quan đến hoạt động kinh doanh (14/05/2020)

>   Cơ hội đón 'đại bàng' về Việt Nam làm tổ (14/05/2020)

>   Út 'Trọc' bị cáo buộc chiếm đoạt đất vàng quận 1 như thế nào? (13/05/2020)

>   Đề xuất tăng phí BOT: Doanh nghiệp vận tải và nhà đầu tư nói gì? (13/05/2020)

>   Thủ tướng: Không tăng 'sốc' giá xăng, chưa tăng giá điện trong năm 2020 (13/05/2020)

>   Hai sân bay của Việt Nam vào top đầu thế giới (13/05/2020)

>   Bộ GTVT đề xuất tăng phí 'cứu' doanh nghiệp BOT (13/05/2020)

>   Bộ GTVT: Tạm thời chưa xem xét thành lập hãng hàng không mới (12/05/2020)

>   Bộ Công Thương: Chủ động các biện pháp phòng vệ thích hợp để bảo vệ sản xuất và lợi ích người tiêu dùng (12/05/2020)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật