Bao giờ kinh tế Việt Nam phục hồi: Ẩn số và điều lo ngại nhất phải đối mặt
Theo chuyên gia Lê Duy Bình, khó để đoán định chính xác về một bức tranh kinh tế hậu đại dịch. Bao giờ dịch hoàn toàn được khống chế là một ẩn số, kéo theo sự phục hồi kinh tế cũng là ẩn số.
Chuyên gia Lê Duy Bình cho biết, hiếm thấy nước nào có nhiều đề nghị giải cứu từ các hiệp hội doanh nghiệp và từ các doanh nghiệp được ào ạt gửi tới Chính phủ như ở nước ta trong thời gian vừa qua.
|
Trò chuyện với Dân trí, ông Lê Duy Bình, chuyên gia kinh tế Economica Vietnam đã có những nhận định sâu sắc về sự phục hồi kinh tế, khuyến nghị về các giải pháp đưa doanh nghiệp hoạt động trong trạng thái mới, hiệu quả các gói hỗ trợ hiện nay...
Niềm tin chính là nền tảng tốt để vực dậy kinh tế
Chính phủ đã quyết định nới lỏng cách ly, đưa nền kinh tế hoạt động trở lại bình thường trong trạng thái mới. Quyết định này là đúng đắn, kịp thời, thưa ông?
-Sự hân hoan, vui mừng của người kinh doanh và các doanh nghiệp thông báo về nới lỏng giãn cách và việc dịch bệnh vẫn tiếp tục được kiểm soát có lẽ là câu trả lời tốt nhất về sự đúng đắn và tính kịp thời của quyết định này.
Đã có nhiều ý kiến tranh luận về việc nới lỏng có quá muộn hay không hay các quy định về cách ly có quá mạnh mẽ hay không.
Nhưng rõ ràng, nguyên tắc đặt sức khỏe, sự an toàn của người dân và các biện pháp dự phòng, bước đi cẩn trọng của Chính phủ trước diễn biến khó lường của dịch bệnh đã nhận được được sự đồng thuận và chia sẻ từ phía doanh nghiệp, hộ kinh doanh mặc dù họ là những đối tượng chịu thiệt hại trực tiếp từ những quy định giãn cách xã hội này.
Thiệt hại kinh tế từ việc giãn cách xã hội là vô cùng lớn. Chính phủ, doanh nghiệp và người dân đều nhìn thấy và bị ảnh hưởng trực tiếp từ quyết định này. Trong quá trình điều hành, Chính phủ chắc chắn đã và đang phải đối diện với nhiều sự lựa chọn khó khăn.
Có những thời điểm, những mục tiêu về kinh tế cần được ưu tiên hơn, nhưng cũng có những thời điểm các ưu tiên về xã hội, y tế hoặc môi trường sẽ phải được ưu tiên hơn.
Trong bối cảnh đại dịch, việc ưu tiên mục tiêu sức khỏe, xã hội và hy sinh các lợi ích kinh tế trong ngắn hạn là điều hoàn toàn dễ hiểu. Chúng ta cần có cái nhìn dài hạn về phát triển kinh tế. Sự phát triển trong dài hạn không chỉ phụ thuộc vào năm 2020.
Kiểm soát tốt dịch bệnh sẽ tạo niềm tin vững chắc trong xã hội, tạo sự ổn định cần thiết làm nền tảng cho sự phục hồi và phát triển bền vững vào những tháng còn lại của năm 2020 và trong giai đoạn tiếp theo.
Covid-19 bất ngờ ập đến. Cho đến thời điểm này, Việt Nam về cơ bản đã kiểm soát được dịch bệnh. Chúng ta đang nỗ lực đưa nền kinh tế trở lại hoạt động trong trạng thái mới. Với giả định nếu cứ đà này tiếp diễn, khả năng phục hồi kinh tế của Việt Nam sẽ ra sao, thưa ông?
-Với những dữ liệu về các xu hướng toàn cầu, đặc biệt là tại các quốc gia là đối tác thương mại và là thị trường lớn của Việt Nam và với chính thị trường trong nước, chúng ta có thể vẫn kỳ vọng vào triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2020.
Nhưng tăng trưởng ở mức trung bình thấp trong năm 2020 có thể là một kịch bản hợp lý.
Nền kinh tế Việt Nam có độ mở rất lớn với giá trị kim ngạch xuất khẩu gấp đôi GDP. Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào sự phục hồi của các thị trường xuất khẩu hoặc tiêu dùng của người dân các nước này ở Việt Nam ví dụ như thông qua du lịch.
Nhưng nền kinh tế của các nước này vẫn đang vật lộn với dịch bệnh. Mức tiêu dùng của người dân đối với những hàng hóa, dịch vụ cũng bị suy giảm rõ rệt.
Các hạn chế đi lại giữa các quốc gia làm trầm trọng thêm vấn đề. Và kết quả là các ngành kinh tế chục tỷ đô đang bị suy giảm nặng nề về doanh thu, điển hình là du lịch, dệt may, thủy sản, sản xuất đồ gỗ và nhiều ngành khác.
Rất khó để đoán định chính xác về một bức tranh kinh tế hậu đại dịch. Đến thời điểm hiện nay, bao giờ dịch hoàn toàn được khống chế trên toàn cầu vẫn là một ẩn số. Khả năng phục hồi của kinh tế thế giới do vậy cũng vẫn là ẩn số.
Sự suy giảm của nền kinh tế toàn cầu là thách thức vô cùng lớn
Như vậy điều đáng lo ngại nhất mà nền kinh tế Việt Nam đang đối mặt chính là cầu sụt giảm nghiêm trọng và điều này đang không ngoài tầm kiểm soát của chúng ta, thưa ông?
-Kinh tế suy giảm khiến thu nhập của người dân và doanh nghiệp bị giảm sút. Điều này ảnh hưởng trực tiếp tới sức mua và cầu nội địa đối với hàng hóa và dịch vụ của nền kinh tế.
Tiêu dùng trong nước giảm mạnh, nhiều chủ hộ kinh doanh phải trả mặt bằng. Tại những tuyến phố bình thường vẫn đông đúc khách nước ngoài nay vắng tanh vì đại dịch. Ảnh: N.Mạnh
|
Trong khi đó, nền kinh tế của Việt Nam hiện phụ thuộc rất lớn vào lượng cầu trị giá gần 300 tỷ USD đối với hàng hóa và dịch vụ do Việt Nam xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài. Lượng cầu này đang bị suy yếu do bệnh dịch.
Sự duy trì hay suy giảm hay phục hồi của lượng cầu từ các thị trường nước ngoài cho tới thời điểm này vẫn là một ẩn số lớn, nằm ngoài khả năng dự đoán và ngoài tầm kiểm soát của chúng ta.
Do vậy, các kịch bản tăng trưởng của chúng ta giờ đây dựa vào một biến số vô cùng quan trọng, đó là thời điểm và mức độ phụ thuộc của các nền kinh tế hiện đang là đối tác nhập khẩu chính của chúng ta như Mỹ, EU, Nhật Bản, các nước ASEAN và các đối tác khác. Và nó cũng phụ thuộc vào việc kiểm soát được dịch bệnh tại các nền kinh tế này và ngay tại đất nước chúng ta.
Lạm dụng các gói kích cầu không phải là một giải pháp hiệu quả
Các gói hỗ trợ kích cầu có phù hợp để tung ra thời điểm này không, thưa ông?
-Cầu trong nước có thể là một niềm hy vọng. Chúng ta có thể sử dụng một số biện pháp nhằm tăng thu nhập khả dụng của người dân và kích thích người dân, doanh nghiệp tiêu dùng nhiều hơn.
Thực hiện nhanh gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng cho người nghèo, người lao động bị ảnh hưởng bởi Covid-19 ngoài mục đích an sinh xã hội còn có ý nghĩa tăng thu nhập khả dụng, tăng mức tiêu dùng của người dân, đặc biệt là những người thu nhập thấp, vào các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu.
Tuy nhiên, với thu nhập hiện tại của người dân và thể trạng của doanh nghiệp và nền kinh tế, việc mở rộng cầu trong nước không thể dễ dàng thực hiện ngay.
Bất kỳ sự mở rộng cầu trong nước ở mức độ nào trong bối cảnh và điều kiện của nền kinh tế Việt Nam hiện nay cũng không thể thay thế sự sụt giảm lượng cầu từ nước ngoài đối với các hàng hóa và dịch vụ của nền kinh tế.
Rõ ràng, sự suy giảm của nền kinh tế toàn cầu và suy giảm cầu đối với hàng hóa dịch vụ của chúng ta sẽ thực sự là một thách thức và nằm ngoài bất kỳ nỗ lực hoặc ý chí kích cầu nào của chúng ta.
Tăng chi tiêu chính phủ là một biện pháp quan trọng để kích cầu. Việc giải ngân hiệu quả, đúng tiến độ sẽ có tác động hỗ trợ mạnh mẽ cho tổng cầu của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2020. Chúng ta còn có rất nhiều dư địa để duy trì và hỗ trợ cho tổng cầu của nền kinh tế.
Bên cạnh đó còn có các giải pháp về chính sách tiền tệ có thể được sử dụng trong những tháng kế tiếp khi nền kinh tế đã bắt đầu bước sang một trạng thái bình thường mới.
Chúng ta hãy sử dụng hết và thật hiệu quả các dư địa hiện có trước khi nghĩ đến các gói kích cầu hỗ trợ khác. Lạm dụng các gói kích cầu không phải là một giải pháp hiệu quả.
Đưa doanh nghiệp trở lại hoạt động bình thường trong trạng thái mới
Cái khó của nền kinh tế bây giờ là đưa doanh nghiệp, người dân trở lại hoạt động bình thường nhưng trong trạng thái mới, tức là vừa đẩy mạnh sản xuất kinh doanh vừa tích cực phòng chống dịch. Ông nghĩ thực hiện nhiệm vụ này có khó? Cách nào để chúng ta có thể làm tốt việc này? Giải pháp là gì thưa ông?
Không những khó mà là rất khó. Những khó khăn mà cả nền kinh tế và mỗi chúng ta gặp phải đều không giống với những cuộc khủng hoảng trước mà chúng ta đã trải qua.
Chúng ta vừa phải giải các bài toán về kinh tế và đồng thời các bài toán về kiểm soát dịch bệnh và an sinh xã hội.
Điều này buộc các cơ quan chính phủ và doanh nghiệp sẽ phải nỗ lực gấp đôi, gấp ba so với trước đây. Chúng ta cần có những giải pháp chưa có tiền lệ cho các vấn đề chưa có tiền lệ.
Nhà nước và doanh nghiệp sẽ phải thực thi tốt vai trò của mình trong nền kinh tế. Bối cảnh này đòi hỏi có sự hỗ trợ lẫn nhau mạnh mẽ hơn giữa Nhà nước và doanh nghiệp. Tuy nhiên vẫn rất cần sự rạch ròi về vai trò của Nhà nước và doanh nghiệp.
Nhà nước cần tạo dựng một môi trường kinh doanh thuận lợi, thông thoáng hơn nữa cho hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu của doanh nghiệp. Đây là thời điểm vàng để đẩy mạnh hơn nữa những cải cách môi trường kinh doanh, cải cách thể chế để Việt Nam.
Bên cạnh đó các biện pháp hỗ trợ về phí, lệ phí, thuế cũng có thể được triển khai trên nguyên tắc đảm bảo công bằng, minh bạch và phù hợp với các quy định của pháp luật và quy luật của thị trường.
Doanh nghiệp cần nhanh chóng xác định sách lược và chiến lược thích nghi với một thế giới đã thay đổi với Covid-19, với một sự bình thường mới và với những thay đổi rất mạnh mẽ sẽ diễn ra sắp tới đây trong nền kinh tế thế giới.
Với tinh thần kinh doanh, doanh nghiệp cần nỗ lực tìm ra các giải pháp giải cứu từ thị trường hơn là từ Nhà nước.
Đã xông pha làm doanh nghiệp thì đừng trông chờ vào sự giải cứu
Thực tế đúng như ông nói, không chỉ có doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp khó, mà một loạt tổng công ty, tập đoàn lớn rồi các doanh nghiệp bất động sản đều kêu khó khăn vì Covid-19. Vậy theo ông những đối tượng nào thực sự cần được hỗ trợ, giải cứu?
Trước tác động của dịch bệnh, sự hỗ trợ cho các doanh nghiệp là cần thiết. Sự hỗ trợ đó có thể được thực hiện thông qua các công cụ chính sách và các chương trình hỗ trợ.
Trong phạm vi quy định của pháp luật và nguồn lực của mình, sự hỗ trợ của Nhà nước càng đến được nhiều các loại hình doanh nghiệp thì càng tốt, bất kể đó là hộ kinh doanh, HTX, doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhà nước hay doanh nghiệp FDI. Tuy nhiên, sự hỗ trợ phải phù hợp với các nguyên tắc của thị trường.
Nhưng giải cứu thì là câu chuyện khác. Đã xông pha làm doanh nghiệp thì đừng cứ trông chờ vào sự giải cứu của Nhà nước.
Tại các quốc gia khác, tuy việc vận động hành lang để được hỗ trợ giải cứu là có, nhưng hiếm thấy nước nào có nhiều đề nghị giải cứu từ các hiệp hội doanh nghiệp và từ các doanh nghiệp được ào ạt gửi tới Chính phủ như được quan sát thấy ở nước ta trong thời gian vừa qua.
Tư duy vận hành trong một nền kinh tế thị trường thường thấy tại các doanh nghiệp ở các quốc gia phát triển cũng cần được xây dựng ở Việt Nam.
Sự giải cứu từ Nhà nước sẽ chỉ nên dành cho những doanh nghiệp đóng vai trò thiết yếu với quốc kế dân sinh, tới an ninh, quốc phòng, trật tự xã hội, tới sự ổn định của nền tài chính, sinh kế của nhiều người lao động và người dân.
Ngay cả trong các trường hợp giải cứu đó, biện pháp giải cứu cũng cần phù hợp với các quy định của pháp luật cũng như các nguyên tắc vận hành của thị trường.
Chủ trương chính sách thì đúng đắn kịp thời nhưng việc thực hiện các gói hỗ trợ đến nay bị phản ánh chậm trễ. Theo ông nên làm cách nào để các chính sách này hiệu quả hơn? Ông có nhận định gì về hiệu quả các gói hỗ trợ chúng ta tung ra?
Các nỗ lực của ngành ngân hàng nhằm dành 300 ngàn tỷ đồng cho các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh là sự sẻ chia rất lớn của ngành ngân hàng, đặc biệt trong bối cảnh việc triển khai gói hỗ trợ này sẽ khiến ngành ngân hàng sụt giảm về lợi nhuận và khiến ngành ngân hàng gánh chịu nhiều rủi ro hơn ngay lập tức và trong trung hạn.
Gói hỗ trợ nhằm giãn thời gian nộp thuế, phí và tiền thuê đất có tác động hỗ trợ trực tiếp cho thanh khoản của gần như toàn bộ khu vực doanh nghiệp. Hai gói hỗ trợ này dường như đã và đang đến được các đối tượng mục tiêu nhanh hơn.
Còn gói hỗ trợ người dân 62.000 tỷ đồng được đánh giá cao về nội dung và ý nghĩa. Khoản đầu tư công trị giá 700 ngàn tỷ cũng được đặt nhiều kỳ vọng.
Ngoài các ý nghĩa về hỗ trợ và thúc đẩy đầu tư công, cả hai gói hỗ trợ này sẽ có ý nghĩa hỗ trợ cho tổng cầu của nền kinh tế. Nhưng chúng ta cần nỗ lực mạnh mẽ hơn nữa để hai gói hỗ trợ này được triển khai nhanh hơn, hiệu quả hơn.
Nỗi lo về lạm phát sẽ như thế nào trong năm nay thưa ông khi chúng ta tung ra một loạt gói hỗ trợ như vậy?
-Lạm phát vẫn nằm trong khả năng kiểm soát. Nếu như giá một số mặt hàng như thịt lợn được kiềm chế, cộng với sự hỗ trợ của sự suy giảm của giá xăng dầu, chỉ số giá tiêu dùng sẽ được kiểm soát trong năm nay.
Các chính sách tài chính, tiền tệ hiện nay vẫn khá thận trọng và hợp lý. Nếu lạm phát và chỉ số giá tiêu dùng được kiểm soát, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh và khủng hoảng, thì đây sẽ là một điểm sáng của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2020.
Trong nền kinh tế hiện nay, luôn tồn tại những yếu tố có thể khiến chỉ số giá tiêu dùng và lạm phát tăng đột biến vào bất kỳ thời điểm nào.
Covid-19 cho chúng ta một bài học đắt giá
Ông nghĩ gì về chu kỳ 10 năm khủng hoảng 1 lần?
-Đúng là trong những thập niên vừa qua, khủng hoảng kinh tế cứ khoảng 10 năm lại đến một lần. Mọi cuộc khủng hoảng đều do chính chúng ta tạo ra. Covid-19 cho thấy khủng hoảng có thể đến vào bất kỳ lúc nào ngay cả khi chúng ta ít trông đợi nó nhất và ở một hình thái bất ngờ nhất.
Nó có thể được gây ra bằng bất kỳ nguyên nhân nào. Nguyên nhân của cuộc khủng hoảng sau không giống như cuộc khủng hoảng trước.
Trước đây, các cuộc khủng hoảng có thể được gây ra bởi các cuộc tấn công đầu cơ hoặc rút vốn hàng loạt ra khỏi một quốc gia, bởi sự sụp đổ của các công ty dotcom, bởi bong bóng nhà ở và nợ dưới chuẩn, hoặc bởi nợ công vượt tầm kiểm soát.
Cuộc khủng hoảng này diễn ra bởi một nguyên nhân rất bất ngờ - virus corona SARS-2. Điều này nhắc nhở chúng ta một cách nghiêm khắc rằng những cuộc khủng hoảng trong tương lai có thể đến từ những nguyên nhân phi truyền thống và vô cùng bất ngờ. Đó là những nguyên nhân bắt nguồn từ những vấn đề phi kinh tế nhưng vô cùng nóng bỏng hiện nay như biến đổi khí hậu, xã hội, môi trường, sử dụng quá mức nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Covid-19 cho chúng ta một bài học đắt giá rằng ngăn ngừa một cuộc khủng hoảng kinh tế không thể chỉ duy nhất bằng các chính sách và giải pháp kinh tế.
Nguyễn Mạnh
Dân trí
|