WB: Lượng tiền gửi từ nước ngoài về các nước đang phát triển giảm mạnh
WB cho biết lượng tiền mà các lao động di cư gửi từ nước ngoài về các nước đang phát triển dự báo sẽ giảm từ mức 554 tỷ USD năm 2019 xuống còn 445 tỷ USD năm 2020.
Ảnh minh họa. (Nguồn: ecopayz)
|
Trong một báo cáo, Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 21/4 cho biết lượng tiền mà các lao động di cư gửi từ nước ngoài về các nước đang phát triển dự báo sẽ giảm từ mức 554 tỷ USD năm 2019 xuống còn 445 tỷ USD năm 2020.
Mức giảm gần 20% này là mức giảm lớn nhất trong lịch sử gần đây, trong bối cảnh người lao động xuất khẩu bị giảm lương hoặc mất việc làm do các biện pháp chống dịch COVID-19 mà các nước sở tại áp dụng, cũng như tác động của suy thoái kinh tế.
Báo cáo của WB nhận định các nỗ lực nhằm kiềm chế dịch lây lan có thể gây suy thoái toàn cầu nghiêm trọng, và có nguy cơ kéo dài đến tận năm 2021.
Người di cư là đối tượng đặc biệt dễ bị mất thu nhập vì họ có xu hướng tập trung ở các khu vực đô thị và làm việc trong các ngành dịch vụ, vốn bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi suy thoái kinh tế.
WB cũng cảnh báo khi mùa vụ bắt đầu, nhiều nước công nghiệp có thể phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động trong ngành nông nghiệp, vốn dựa nhiều vào lao động nhập cư.
Dù lượng tiền gửi giảm, nhưng đây vẫn là nguồn thu nhập quan trọng đối với các nước có thu nhập thấp và trung bình khi đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) dự kiến giảm mạnh hơn, khoảng hơn 35%.
Tại một số quốc gia, như Sudan, Haiti, Nepal, Kyrgyzstan, Tajikistan, Montenegro và Tonga, lượng tiền mà người lao động ở nước ngoài gửi về nhà chiếm tới 1/4, thậm chí 1/3 GDP.
Các dòng tiền gửi dự báo giảm mạnh nhất ở châu Âu và Trung Á (27,5%), sau đó là châu Phi Nam sa mạc Sahara (23,1%), Nam Á (22,1%), Trung Đông và Bắc Mỹ (19,6%), Mỹ Latinh và Caribea (19,3%) và Đông Á và Thái Bình Dương (13%).
Ước tính trung bình mỗi người trong 1 tỷ người di cư - khoảng 270 triệu người làm việc ở nước ngoài và 760 triệu người di cư trong nước - đang hằng ngày nuôi sống 3 người thân của mình ở nhà./.
Bích Liên
Vietnam+
|