Dầu WTI giao tháng 6 sụt 43% xuống thấp nhất trong 21 năm
Các hợp đồng dầu thô tương lai chứng kiến phiên giao dịch đầy biến động khác vào ngày thứ Ba (21/04), với hợp đồng dầu WTI giao tháng 6 đóng cửa tại mức thấp nhất trong 21 năm, một ngày sau khi hợp đồng dầu WTI giao tháng 5 đánh dấu lịch sử bằng việc khép phiên ở mức âm lần đầu tiên, MarketWatch đưa tin.
Tình trạng dư cung dầu thô và thu hẹp không gian lưu trữ hàng hóa kết hợp đã xóa sạch giá trị dầu thô.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Ba, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 6 trên sàn Nymex lao dốc 8.86 USD (tương đương 43.4%) xuống 11.57 USD/thùng, sau khi chạm đáy trong phiên là 6.50 USD/thùng. Hợp đồng này đã đóng cửa tại mức thấp nhất kể từ tháng 02/1999, dữ liệu từ Dow Jones Market cho thấy.
Trong khi đó, hợp đồng dầu WTI giao tháng 5, đã hết hạn vào cuối phiên ngày thứ Ba, vọt 47.64 USD (tương đương 126.6%) lên 10.1 USD/thùng – mức tăng ròng lớn nhất trong một ngày, dữ liệu từ Dow Jones Market cho thấy. Động thái này diễn ra sau khi “bốc hơi” 306% trong ngày thứ Hai (20/04) xuống mức -37.63 USD/thùng.
Hợp đồng dầu Brent giao tháng 6 trên sàn Luân Đôn sụt 6.24 USD (tương đương 24.4%) xuống 19.33 USD/thùng, mức đóng cửa thấp nhất kể từ tháng 02/2002. Hợp đồng này cũng ghi nhận phiên giảm mạnh nhất kể từ tháng 01/1991.
Đà giảm sâu trong ngày thứ Hai (20/04) xuống mức âm của hợp đồng dầu WTI giao tháng 5 có nghĩa là các nhà sản xuất dầu thô phải trả tiền cho người mua để đưa dầu đi do cạn kiệt không gian lưu trữ hàng hóa.
Giá dầu thô lao dốc đáng kinh ngạc ngay cả sau khi nhóm các nhà sản xuất chủ chốt, bao gồm Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và Nga, được gọi chung là OPEC+, hồi tuần trước đã đạt được một thỏa thuận lịch sử để cắt giảm sản lượng mỗi ngày vào khoảng 10 triệu thùng/ngày trong tháng 5 và tháng 6/2020.
Thỏa thuận này nhằm chấm dứt cuộc chiến giá dầu giữa Nga và Ả-rập Xê-út, đã nổ ra ngay khi nhu cầu dầu dự kiến giảm mạnh trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát. Dịch bệnh này cũng khiến hoạt động kinh doanh và đi lại trên toàn thế giới đóng cửa, làm tổn hại nghiêm trọng đến nhu cầu dầu.
Các chuyên gia phân tích ước tính thỏa thuận của OPEC+, bao gồm những thỏa thuận cắt giảm sản lượng của các thành viên ngoài OPEC như Na Uy và Mỹ, không đủ để bù đắp lượng dầu thừa và cú sốc nhu cầu do COVID-19.
“Thỏa thuận này đơn giản là không đủ với các nhà phân tích ước tính sự sụt giảm nhu cầu có thể lên đến 30 triệu thùng/ngày, gấp 3 lần mức cắt giảm của OPEC+”, Carlo Alberto De Casa, Giám đốc phân tích tại ActivTrades, cho hay.
Tình trạng mất cân bằng của thị trường năng lượng đã khuyến khích các nhà sản xuất trữ dầu với hy vọng giá dầu sẽ phục hồi, nhưng kỳ vọng giá cao hơn trong tương lai chỉ làm trầm trọng thêm đà sụt giảm.
Các hợp đồng dầu WTI giao sau đã dao động ở mức giá cao hơn nhiều so với hợp đồng dầu WTI giao tháng 5. Độ dốc lên cao của giá dầu trong những tháng sau, một điều kiện gọi là contango (bù hoãn mua), nhấn mạnh việc thiếu thốn không gian dự trữ dầu thô trong những tuần gần đây khi đại dịch COVID-19 phá hủy nhu cầu dầu toàn cầu.
Ủy ban Đường sắt (RRC) Texas, cơ quan điều tiết ngành công nghiệp dầu khí tại bang này, đã thành lập một đội đặc nhiệm với mục đích nghiên cứu những gì có thể làm để “hỗ trợ ngành công nghiệp” trong thời điểm vô cùng khó khăn này của dầu thô, Chủ tịch RRC Texas Wayne Christian cho biết trong cuộc họp của Ủy ban vào ngày thứ Ba.
Ủy viên Ryan Sitton đã đề xuất cắt giảm 20% sản lượng dầu của Texas bắt đầu từ ngày 01/06, với mức độ cắt giảm theo nhu cầu thị trường và phụ thuộc vào các nhà sản xuất khác của Mỹ, Canada và OPEC+ đang cắt giảm 4 triệu thùng/ngày. Tuy nhiên, ông Christian cho biết Ủy ban cần phải đảm bảo rằng bất kỳ động thái nào mà họ thực hiện phù hợp với quy định pháp lý và không bị vướng lại ở tòa án. Cuộc họp tiếp theo sẽ được tổ chức vào ngày 05/05.
Vào ngày thứ Hai (20/04), phát biểu trong cuộc họp báo thường nhật về phản ứng của Mỹ đối với đại dịch COVID-19, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết Mỹ “đang tìm kiếm” để bổ sung thêm 75 triệu thùng dầu vào Kho Dự trữ Chiến lược (SPR).
Cũng trong phiên giao dịch ngày thứ Ba, hợp đồng xăng giao tháng 5 lao dốc 23.6% xuống 51.03 xu/gallon. Hợp đồng dầu sưởi giao tháng 5 mất 18.1% còn 72.69 xu/gallon.
Hợp đồng khí thiên nhiên giao tháng 5 giảm gần 5.4% xuống 1.821 USD/MMBtu.
An Trần
FILI
|