Thứ Ba, 21/04/2020 13:35

Phó thủ tướng ra chỉ đạo mới về 'con đường đắt nhất hành tinh'

Phó thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu không để xảy ra khiếu kiện vượt cấp, kéo dài liên quan đến tuyến đường Hoàng Cầu - Voi Phục (Hà Nội).

Văn phòng Chính phủ mới có Văn bản số 3006 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đối với một số vướng mắc, tồn tại ở Dự án xây dựng đường Vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục, trong đó có việc xử lý, giải quyết các khiếu nại của người dân nằm trong diện bị thu hồi đất.

Trên cơ sở xem xét báo cáo của UBND TP Hà Nội và ý kiến của một số bộ, ngành về việc triển khai Dự án xây dựng đường Vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục, Phó thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì cùng các Bộ: Xây dựng, Tư pháp, Tài chính, GTVT... phối hợp hướng dẫn UBND TP Hà Nội xem xét, điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án theo đúng quy định pháp luật về đầu tư công và các quy định khác có liên quan.

UBND TP Hà Nội cũng được yêu cầu tiếp tục thực hiện đầy đủ ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng, bảo đảm không để xảy ra khiếu kiện vượt cấp, kéo dài.

Dự án đường Vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục.

Trước đó, xét báo cáo của Bộ KH&ĐT về kiểm tra đơn thư phản ánh, tố cáo của một số công dân tại phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa về dự án, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình giao Chủ tịch UBND TP Hà Nội thực hiện rà soát lại toàn bộ nội dung dự án, kiểm tra hoàn thiện hồ sơ đảm bảo đúng quy định; công khai quy hoạch sử dụng đất, chỉ giới đường đỏ thuộc dự án cho cộng đồng dân cư nơi thực hiện dự án được biết; tiếp nhận, giải quyết đơn thư theo thẩm quyền, tổ chức đối thoại, phổ biến, tuyên truyền các chế độ, chính sách và các quy định của Nhà nước, tránh việc khiếu nại, tố cáo kéo dài và vượt cấp thẩm quyền.

Dự án xây dựng đường Vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục được xem là giải pháp nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, đặc biệt tại hai nút giao Láng Hạ - Vành đai 1 và Nguyễn Chí Thanh - Vành đai 1, cũng như kết nối giao thông vùng trung tâm thành phố.

Ban đầu, dự án dự kiến khởi công vào quý IV/2018, nhưng do công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) không được như mong muốn nên tiến độ khởi công phải lùi sang quý II/2019. Chi phí GPMB của dự án lên tới hơn 6.000 tỷ đồng, liên quan tới 2.328 hộ dân, trong đó địa bàn quận Ðống Ða 808 hộ, quận Ba Ðình 1.520 hộ.

Theo quy hoạch trước đó, toàn bộ đoạn phố này sẽ bị giải tỏa và các hộ dân mặt đường sẽ bị lấy đất để làm bãi đỗ xe, cây xanh. Từ năm 2017, khi nhận thông tin về quy hoạch này, các hộ dân trên đường Đê La Thành đoạn từ ngã tư Hoàng Cầu đến ngã tư Láng Hạ - Giảng Võ đã đồng loạt gửi đơn thư khiếu nại lên nhiều cấp lãnh đạo và căng băng rôn với nội dung phản đối việc giải tỏa khu vực này để làm bãi đỗ xe, cây xanh.

Hà Bùi

Zing.vn

Các tin tức khác

>   Thủ tướng yêu cầu cấp bách giải quyết vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng cao tốc Bắc – Nam (16/04/2020)

>   Bộ GTVT làm chủ đầu tư dự án cải tạo đường băng Nội Bài, Tân Sơn Nhất (16/04/2020)

>   Dự kiến khởi công sân bay Long Thành tháng 5/2021 (15/04/2020)

>   Tuyến metro số 1 chính thức bàn giao mặt bằng trước Nhà hát Thành phố (15/04/2020)

>   Cân nhắc chỉ định thầu dự án cao tốc Bắc - Nam (15/04/2020)

>   TP.HCM chuẩn bị khởi công 15 dự án giao thông mới trong quý 2 (14/04/2020)

>   Lo vỡ tiến độ cao tốc Bắc - Nam vì 'bê bết' giải phóng mặt bằng (14/04/2020)

>   Bà Rịa – Vũng Tàu tính xây sân bay rộng 250ha trên đảo (13/04/2020)

>   Nhiều doanh nghiệp muốn 'xin' nhận thầu cao tốc Bắc - Nam (13/04/2020)

>   Xin 'lệnh cấp bách', sửa chữa 2 sân bay lớn nhất Việt Nam (11/04/2020)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật