Cân nhắc chỉ định thầu dự án cao tốc Bắc - Nam
Một số doanh nghiệp đang “xin” nhận thầu các dự án cao tốc Bắc - Nam, cho thấy việc chỉ định nhà thầu có thể sẽ dẫn đến thiếu cạnh tranh lành mạnh, bất bình đẳng, tạo ra cơ chế xin cho tại dự án này.
* Lo vỡ tiến độ cao tốc Bắc - Nam vì 'bê bết' giải phóng mặt bằng
* Dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi: Hé lộ nhiều sai phạm nghiêm trọng
* Nhiều doanh nghiệp muốn 'xin' nhận thầu cao tốc Bắc - Nam
Việc ưu tiên chỉ định thầu cho một vài doanh nghiệp có thể tạo sự bất bình đẳng với các doanh nghiệp khác. Ảnh: Mai Hà
|
Doanh nghiệp “xin” dự án
Tập đoàn Cienco4 vừa có tờ trình gửi Bộ GTVT mong muốn được tạo điều kiện tham gia thi công 2 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu và Diễn Châu - Bãi Vọt (2 đoạn từ Thanh Hóa - Nghệ An). Theo ông Nguyễn Tuấn Huỳnh, Tổng giám đốc Tập đoàn Cienco4, doanh nghiệp (DN) này đã tham gia đấu thầu PPP và trúng sơ tuyển tại 2 dự án Nghi Sơn - Diễn Châu và Diễn Châu - Bãi Vọt trước đó. Cienco4 đã thực hiện đầu tư và đang thu phí hoàn vốn các dự án đầu tư xây dựng công trình mở rộng QL1 Nghi Sơn (Thanh Hóa) - Cầu Giát (Nghệ An) và dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng QL1 đoạn Nam cầu Bến Thủy - tuyến tránh TP.Hà Tĩnh theo hình thức BOT. Việc đầu tư dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam sẽ phân lưu, ảnh hưởng đến phương án tài chính hoàn vốn của các dự án BOT này.
Đại diện Bộ GTVT cho biết, việc chuyển đổi 8 dự án PPP cao tốc Bắc - Nam từ hình thức PPP sang đầu tư công sẽ do Quốc hội quyết định. Sau khi được chấp thuận, việc dự án áp dụng hình thức đấu thầu hay chỉ định lựa chọn nhà thầu đều phải tuân thủ đúng quy định của pháp luật.
|
Trong trường hợp áp dụng hình thức nhượng quyền thu phí, Cienco4 đề nghị Bộ GTVT xem xét đến việc ảnh hưởng hợp đồng BOT đối với các dự án trên QL1 để đảm bảo phương án hoàn vốn cho các nhà đầu tư, trong đó có Tập đoàn Cienco4. Lãnh đạo Cienco4 cũng cho biết có nhiều năng lực, kinh nghiệm trong thi công cũng như đầu tư, vận hành, khai thác các dự án BOT giao thông, và “mong muốn Bộ GTVT xem xét tạo điều kiện cho đơn vị được tham gia thi công và quyền thu phí hai dự án thành cao tốc Bắc - Nam đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu và Diễn Châu - Bãi Vọt”.
Trước đó, Bộ KH-ĐT và Bộ Quốc phòng cũng kiến nghị giao thầu thi công các dự án thành phần đường cao tốc Bắc - Nam cho các DN quân đội thực hiện. Trong đó, Bộ Quốc phòng đề nghị Thủ tướng xem xét, chỉ đạo các bộ, ngành liên quan ưu tiên chỉ định thầu cho Tổng công ty xây dựng Trường Sơn được tham gia thi công các gói thầu thuộc 3 dự án PPP thành phần cao tốc Bắc - Nam phía đông dự kiến chuyển đổi theo hình thức đầu tư công, gồm đoạn Mai Sơn - QL45, QL45 - Nghi Sơn và Phan Thiết - Dầu Giây.
Trước đó, Chính phủ cho biết sẽ đề xuất Quốc hội chuyển hình thức đầu tư 8 dự án cao tốc Bắc - Nam thành phần PPP sang hình thức đầu tư công. Tại hội nghị giao ban trực tuyến mới đây của Chính phủ, Bộ KH-ĐT cũng kiến nghị cho phép chuyển hình thức 8 dự án này, đồng thời cho phép áp dụng hình thức chỉ định thầu (kèm theo cắt giảm 5% so với dự toán) khi triển khai thực hiện, nhằm đẩy mạnh đầu tư công, giải quyết khó khăn về hạ tầng, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Dự kiến, sau khi được chấp thuận, 8 dự án cao tốc Bắc - Nam có thể sẽ hoàn tất thủ tục, khởi công ngay trong tháng 8 - 9.2020.
Công khai, minh bạch là then chốt
Trong bối cảnh đang “đói” dự án mới, việc được tham gia xây lắp các gói thầu trị giá hàng nghìn tỉ đồng của cao tốc Bắc - Nam rất hấp dẫn với các DN xây lắp trong nước, trong ngành giao thông lẫn ngoài ngành.
Theo ông Vũ Đức Nhận, Phó tổng giám đốc Công ty Phương Thành, 2 phương thức đấu thầu và chỉ định thầu đều có những ưu nhược điểm riêng. Đấu thầu công khai sẽ chọn được các nhà thầu có năng lực, cạnh tranh về giá, nhưng nhược điểm là thời gian lâu hơn, trong khi chỉ định thầu nhanh hơn nhưng lại khó lựa chọn và không minh bạch bằng.
“Đấu thầu hay chỉ định thầu sẽ do các cơ quan có thẩm quyền quyết định, nhưng hình thức nào thì minh bạch, công khai vẫn là yếu tố hàng đầu, không nên chỉ định thầu cho một vài DN nào đó dù là DN quốc phòng, không bình đẳng với các DN khác”, ông Nhận nói. Cũng theo đại diện DN này, nếu chỉ định thầu có thể áp dụng bài học kinh nghiệm từ nhiều dự án mở rộng QL1 trước đây là chấm điểm thầu. Các nhà thầu xây lắp muốn tham gia thi công phải chứng minh được năng lực từng làm bao nhiêu công trình tương tự, có bao nhiêu máy móc thiết bị, nhân lực, tiềm lực vốn bao nhiêu... DN nào được điểm cao sẽ được chỉ định các gói thầu lớn. Nói cách khác, sẽ chấm sơ bộ về năng lực để chọn nhà thầu cho từng gói, đẩy nhanh tiến độ hơn so với đấu thầu.
“DN nào không đủ tầm, chưa làm cao tốc bao giờ chỉ nên cho làm nhà thầu phụ. Xây dựng đường cao tốc thì kinh nghiệm nhà thầu rất quan trọng, quyết định đến chất lượng, kỹ thuật, tiến độ và biện pháp thi công. Nếu nhà thầu mà kém thì chủ đầu tư lại phải cầm tay chỉ việc, tiến độ bị kéo dài, lại phải điều chuyển khối lượng...”, ông Nhận nói.
Theo TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ VN, phương án chỉ định thầu chỉ nên áp dụng với một số gói thầu cấp bách vì các mục tiêu an ninh, quốc phòng và có thể giao cho các nhà thầu của Bộ Quốc phòng thực hiện. Song, ông Chủng cũng cho rằng, phần lớn các dự án khác nên chọn hình thức đấu thầu, sẽ tạo cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh hơn giữa các DN, song song với đó nhà nước cần kiểm soát được tình trạng ép giá, ép tiến độ.
Mai Hà
Thanh niên
|