Thứ Ba, 28/04/2020 15:45

Phó chủ tịch Quốc hội: 'Thuế là thiên nga, chỉ lo thu thì giống con vịt què'

Nói về đề xuất miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp tới năm 2025, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, Chính phủ chỉ nói tới tác động của khoản tiền miễn thuế 7.500 tỉ mỗi năm là chưa đầy đủ.

* Đề xuất tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết năm 2030

Phó chủ tịch Quốc hội: 'Thuế là thiên nga, chỉ lo thu thì giống con vịt què'
Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển. Ảnh: Gia Hân

Đề xuất miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp tới 2025, mỗi năm 7.500 tỉ

Sáng 28.4, trình bày tờ trình của Chính phủ về dự thảo Nghị quyết về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, Chính phủ đề nghị kéo dài chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp thêm 5 năm, tới hết 2025.

Theo ông Dũng, chính sách này đã được thực hiện từ năm 2001 tới nay theo nghị quyết của Quốc hội, nên sẽ không ảnh hưởng tới nguồn thu ngân sách.

Dự kiến số thuế được miễn là 7.500 tỉ mỗi năm sẽ là nguồn đầu tư tài chính quan trọng trực tiếp cho khu vực nông nghiệp, nông thôn để đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Trong báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình tại phiên họp, cơ quan thẩm tra nhất trí với đề nghị của Chính phủ trình nghị quyết để Quốc hội thông qua tại kỳ họp 9 tới.

Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ cần đánh giá một cách kỹ lưỡng, thận trọng về phạm vi, đối tượng được tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, nhằm góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất, hạn chế việc bỏ hoang hóa ruộng đất trong thời gian qua.

Ông Hải cũng cho biết, trong Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách có ý kiến cho rằng, việc thực hiện miễn thuế đất nông nghiệp trên thực tế còn một số tác động thiếu tích cực khi không tạo động lực thúc đẩy đối với nhiều đối tượng là tổ chức, cá nhân trong việc canh tác, sản xuất trên diện tích đất được giao, gây nên tình trạng hoang hóa, lãng phí đất.

Do đó, đề nghị cần bổ sung các quy định chặt chẽ hơn trong dự thảo nghị quyết, để chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp thực sự có tác động đến việc nâng cao hiệu quả phát triển nông nghiệp, tránh lãng phí nguồn lực đất đai.

Không miễn thuế cho người để đất hoang hóa

Đồng ý Quốc hội khoá này (XIV) ban hành 1 nghị quyết kéo dài miễn giảm thuế là cần thiết, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhận định thực tế đất bỏ hoang, sử dụng lãng phí là có nhiều lý do, chứ không phải việc bỏ hoang là do miễn thuế.

Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cũng đồng tình cho rằng, Chính phủ cần đánh giá kỹ lưỡng, thận trọng về phạm vi, đối tượng được tiếp tục miễn thuế, không nên miễn tràn lan, để làm sao chính sách này tác động tích cực để khuyến khích người ta sử dụng đất nông nghiệp có hiệu quả, không để lãng phí đất đai.

Việc miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp được thực hiện từ 2001 tới nay. Ảnh: Gia Bình

Tương tự, Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc đề nghị cần có khảo sát, đánh giá cụ thể về đối tượng tiếp tục được hưởng chính sách miễn thuế của nhà nước. “Nếu miễn tràn lan, người sản xuất trên đất nông nghiệp cũng được miễn, ông đất bỏ hoang cũng được miễn thì như thế nào? Có công bằng không?”, Tổng thư ký Quốc hội nêu.

Bên cạnh đó, Tổng thư ký Quốc hội cũng cho rằng, báo cáo của Chính phủ còn đánh giá sơ sài, không rõ tác động của chính sách này. “Nếu thực sự chính sách này là đòn bẩy để giúp phát triển nông nghiệp thì tôi ủng hộ, gấp đôi cũng không sao, nhưng thực tế có như thế không?”, ông Phúc băn khoăn.

Theo ông Phúc, thực tế vừa qua, tình trạng bỏ đất nông nghiệp diễn ra khá phổ biến. “Tôi về tiếp xúc cử tri 3 huyện ở Thái Bình thì huyện nào cũng kêu là tình trạng bỏ đất nông nghiệp nhiều lắm, rất nhiều!”, ông Phúc dẫn chứng.

Kết luận phiên làm việc, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ rà soát dự thảo nghị quyết với tinh thần những đối tượng để đất đai hoang hoá thì không thuộc đối tượng được miễn thuế đồng thời có tổng kết và đánh giá đầy đủ tác động của chính sách.

“Nếu chỉ nhìn các khoản thu không thôi thì chính sách thuế như là con vịt què. Chính sách thuế là con thiên nga khi nhìn ở 3 góc độ: thứ nhất là thu ngân sách; thứ 2 là đòn bẩy thúc đẩy sản xuất phát triển; thứ 3 là công cụ quản lý của nhà nước”, ông Hiển nói, và cho rằng nếu báo cáo của Chính phủ chỉ nói về tác động của khoản 7.500 tỉ mỗi năm khi miễn thuế thì chưa đầy đủ.

Từ đó, ông Hiển đề nghị đề nghị Chính phủ hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội, trong đó có đánh giá tác động, có tổng kết 20 năm thực hiện chính sách này để báo cáo Quốc hội vì đây là chính sách lớn, quan điểm lớn và sẽ được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm. “Trình hồ sơ sơ sài thì chúng ta sẽ bị phê bình”, ông Hiển nói thêm.

Lê Hiệp

Thanh niên

Các tin tức khác

>   Những điều cần biết về thủ tục nhận gói hỗ trợ 62.000 tỷ (27/04/2020)

>   Doanh nghiệp không bị kiểm toán nghĩa vụ thuế vì Covid-19 (25/04/2020)

>   Hà Nội dự kiến giảm thu ngân sách hơn 33.000 tỉ đồng năm 2020 (24/04/2020)

>   Gói giãn thuế 180.000 tỷ chậm đến tay doanh nghiệp (23/04/2020)

>   Đề xuất Quốc hội giảm 50% thuế thu nhập cho doanh nghiệp vừa và nhỏ (21/04/2020)

>   Chính phủ xem xét giảm một loạt thuế, phí vì Covid-19 (20/04/2020)

>   'Nên chỉnh ngưỡng thu nhập chịu thuế cao hơn' (20/04/2020)

>   Kiến nghị kéo dài thời gian gia hạn thuế (18/04/2020)

>   Yêu cầu sớm ban hành nghị định hồi tố gần 4.900 tỉ đồng cho doanh nghiệp (18/04/2020)

>   Ngân sách Nhà nước thặng dư 47,900 tỷ đồng trong quý 1/2020 (16/04/2020)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật