Thứ Bảy, 18/04/2020 08:23

Kiến nghị kéo dài thời gian gia hạn thuế

Nhiều doanh nghiệp cho rằng thời gian gia hạn nộp thuế 5 tháng theo Nghị định 41 của Chính phủ chưa đủ cho họ “hồi sức” sau cú đánh quá mạnh của dịch Covid-19 hiện nay.

* Kiến nghị mở rộng đối tượng được gia hạn thuế

* Hàng loạt doanh nghiệp được gia hạn thuế từ 25/3 tới

* Muốn gia hạn thuế, doanh nghiệp phải có văn bản đề nghị

Kiến nghị kéo dài thời gian gia hạn thuế
Nhiều cơ sở kinh doanh đóng cửa trong thời điểm thực hiện giãn cách xã hội. Ảnh: Khả Hòa

Gia hạn thuế lên 1 năm

Ông Dương Trí Thành, Tổng giám đốc Vietnam Airlines, trong buổi đối thoại mới đây, cho biết sau 2 tuần giãn cách xã hội toàn quốc, lượng khai thác của các hãng hàng không Việt Nam chỉ còn có 2 - 5% năng lực.

Với quy mô khoảng 100 máy bay mà bị ảnh hưởng như năm nay, sau dịch bệnh nếu làm ăn tốt thì tối thiểu 5 năm mới bù lại được các khoản lỗ phát sinh. Vì thế, theo ông Thành, chính sách hỗ trợ không phải trong thời gian gần mà phải tính xa hơn, có ngành 1 năm, có ngành 2 năm thậm chí có ngành 3 - 4 năm.

Do đó, các giải pháp hỗ trợ phải nhanh và tính đến độ dài thời gian bị ảnh hưởng.

Phân tích cụ thể hơn, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) Nguyễn Trần Nam nói quy trình thủ tục để thực hiện một dự án bất động sản mất khoảng 5 năm.

Thời gian bắt đầu triển khai xây dựng dự án đến lúc đủ điều kiện bán hàng cũng mất gần 1 năm nữa. Nhiều doanh nghiệp (DN) đã phải tạm dừng hoặc hủy bỏ tổ chức sự kiện quan trọng trong hoạt động kinh doanh như khởi công, mở bán, quảng bá, tiếp thị dự án...

Khách hàng cũng không đến các sàn giao dịch bất động sản. Chính vì vậy mà thời gian gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất 5 tháng là rất ngắn. Ông Nam trong kiến nghị gửi Chính phủ rất sớm cũng đã đề xuất, thời gian gia hạn nộp thuế cần được kéo dài 1 năm thay vì 5 tháng.

Một điểm khá đặc biệt của Nghị định 41 là có thời gian thực hiện ngay tức thời và không cần thông tư hướng dẫn thực hiện. Nhằm hỗ trợ nhanh nhất cho người nộp thuế, nghị định quy định người nộp thuế thuộc nhóm đối tượng được gia hạn chỉ cần gửi giấy đề nghị gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất (bằng phương thức điện tử hoặc phương thức khác) theo mẫu tại phụ lục cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp một lần cho toàn bộ các kỳ của các sắc thuế và tiền thuê đất được gia hạn cùng với thời điểm nộp hồ sơ khai thuế theo tháng (hoặc theo quý).

Tất cả các thủ tục gia hạn đều phải nộp trước ngày 30.7.2020. Tuy nhiên, sau gần 10 ngày Nghị định 41 có hiệu lực thi hành, một số DN gặp phải nhiều vướng mắc chưa có câu trả lời cụ thể như DN hoạt động đa ngành nghề, trong đó có lĩnh vực thuộc đối tượng được gia hạn thuế, vậy DN có được gia hạn toàn bộ số thuế hay phải tách số thuế lĩnh vực được gia hạn? Trong trường hợp DN nộp giấy đề nghị gia hạn nộp thuế lên cơ quan thuế mà không nhận được phản hồi của cơ quan thuế là thuộc diện có được gia hạn hay không? Sau này DN có bị phạt vì chậm nộp thuế hay không, đồng thời việc xử lý những khoản thuế năm 2019 mà DN chưa nộp sẽ thực hiện như thế nào?...

Giãn, giảm thuế cho doanh nghiệp “sống sót”

Ông Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, cho rằng kiến nghị kéo dài thời gian gia hạn thuế của các DN hoàn toàn hợp lý trong bối cảnh diễn biến dịch phức tạp, các DN đang đứng trước những khó khăn chưa từng có. Trong báo cáo triển vọng kinh tế thế giới 2020, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo kinh tế VN năm nay tăng trưởng GDP khoảng 2,7% (không cao như những đánh giá trước đó của các tổ chức khác) và sang năm 2021 là 7%. Điều này cho thấy kinh tế VN năm 2020 bị ảnh hưởng nặng từ đại dịch.

IMF gọi cuộc khủng hoảng hiện tại là “Đại phong tỏa”, khác hoàn toàn những cuộc khủng hoảng khác với “quy mô và tốc độ sụp đổ các hoạt động vì lệnh phong tỏa nhanh chưa từng thấy”.

Theo ông Trần Hoàng Ngân, vấn đề là làm sao giúp DN sống sót qua đại dịch năm 2020 để có thể phục hồi vào năm 2021. Ngay từ đầu, Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo hiệu quả ngăn chặn dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe người dân. Không những vậy, Chính phủ cũng triển khai các biện pháp “bảo vệ sức khỏe” của DN, cụ thể như Nghị định 41 gia hạn thuế và tiền thuê đất có hiệu lực tức thời và thực hiện ngay mà không chờ thông tư hướng dẫn. Tuy nhiên, thời gian gia hạn thuế 5 tháng là khá ngắn, chưa đủ để DN có thể sản xuất hoạt động sau thời điểm dịch.

“Tôi nghĩ Chính phủ nên kéo dài thêm thời gian gia hạn thuế đối với DN thay vì chỉ 5 tháng. Thời gian kéo dài thêm tùy vào cân đối vĩ mô, ngân sách. Chính phủ cũng cần có phương án hỗ trợ bước 2, bước 3 đối với DN “sống sót” sau dịch. Ngoài ra, các biện pháp hỗ trợ DN khác không kém phần quan trọng cũng cần được thực hiện nhanh. Chẳng hạn cơ cấu nợ cho DN, lãi suất vay giảm, cơ chế bảo lãnh tín dụng cho DN... Nguồn thu ngân sách sẽ tăng trở lại sau dịch khi kinh tế phục hồi, nhu cầu tiêu dùng, mua sắm, đi lại gia tăng...”, ông Trần Hoàng Ngân cho hay.

Có thể Chính phủ chỉ được quyết định thời gian gia hạn thuế trong năm 2020. Do đó để tăng thời gian gia hạn thuế, tiền thuê đất qua năm 2021, Chính phủ, Bộ Tài chính cần đưa ra phương án để có thể kịp trình Quốc hội trong kỳ họp tháng 10 tới.

Ông Trần Xoa
(Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang)

Thanh Xuân

Thanh niên

Các tin tức khác

>   Yêu cầu sớm ban hành nghị định hồi tố gần 4.900 tỉ đồng cho doanh nghiệp (18/04/2020)

>   Ngân sách Nhà nước thặng dư 47,900 tỷ đồng trong quý 1/2020 (16/04/2020)

>   Doanh nghiệp kiến nghị hồi tố quy định trần chi phí lãi vay (14/04/2020)

>   Vốn 'khủng' cho nhà ở xã hội (13/04/2020)

>   Kiến nghị miễn giảm thuế thu nhập cá nhân (13/04/2020)

>   Sửa nghị định 20: Hồi tố thuế có thật sự 'nguy hiểm' theo như Bộ Tài chính? (11/04/2020)

>   Đề xuất giảm thuế môi trường với xăng dầu (10/04/2020)

>   Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nêu phương án tài chính tổng thể trước đại dịch (10/04/2020)

>   6,8 triệu người hưởng lợi, 1 triệu người không phải nộp thuế thu nhập cá nhân (10/04/2020)

>   Miễn, giảm, hoãn 200 ngàn tỷ tiền thuế, xoay 1 tỷ USD bù hụt thu (10/04/2020)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật