Miễn, giảm, hoãn 200 ngàn tỷ tiền thuế, xoay 1 tỷ USD bù hụt thu
Bộ Tài chính cho biết đang đàm phán với các nhà tài trợ này để có điều kiện vay ưu đãi nhất số tiền trị giá khoảng 1 tỷ USD do nguồn thu suy giảm.
* Chính phủ thông qua gói 62.000 tỷ hỗ trợ người yếu thế
* Gói giãn thuế 180.000 tỉ đồng: Khi nào 98% doanh nghiệp được hưởng?
Ngày 9/4, Bộ Tài chính có báo cáo các giải pháp chính sách tài khoá nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trước tác động của đại dịch Covid-19.
Miễn giảm loạt thuế phí với tổng giá trị gần 200 ngàn tỷ đồng
Giải pháp đầu tiên được Bộ Tài chính đề cập là gia hạn, miễn, giảm các loại thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất với tổng mức khoảng gần 200 ngàn tỷ đồng để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.
Trong đó, gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất theo Nghị định 141 ngày 8/4 với giá trị khoảng 180 ngàn tỷ đồng. Dự kiến 98% doanh nghiệp thuộc diện được áp dụng.
Giãn thuế cho loạt đối tượng với trị giá khoảng 180 ngàn tỷ đồng.
|
Ngoài ra, Bộ Tài chính đã thực hiện miễn thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng khẩu trang y tế, nước rửa tay sát trùng, nước sát trùng, nguyên liệu sản xuất khẩu trang y tế, vật tư và thiết bị y tế khác. Đồng thời, điều chỉnh biểu thuế xuất khẩu và biểu thuế nhập khẩu ưu đãi để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực da giày, dệt may, chế biến nông, lâm, sản, thủy sản, hỗ trợ phát triển cơ khí, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp ô tô.
Dự kiến việc điều chỉnh này sẽ giúp giảm nghĩa vụ nộp ngân sách của các doanh nghiệp năm 2020 trên 6.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ để trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 5 tới đây quyết định thực hiện chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ ngay từ 1/7/2020 (theo lộ trình ban đầu thì dự kiến áp dụng từ 1/1/2021).
Theo đó dự kiến áp dụng thuế suất 15-17% tùy thuộc vào quy mô doanh thu và số lượng lao động của doanh nghiệp, đồng thời cho phép miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 2 năm liên tục kể từ khi có thu nhập chịu thuế đối với doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ được thành lập mới từ hộ kinh doanh.
“Trường hợp thực hiện từ tháng 7/2020, thì dự kiến sẽ có khoảng 700 ngàn doanh nghiệp (chiếm khoảng 93% tổng số doanh nghiệp trong cả nước) được hưởng lợi, qua đó giảm nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước năm 2020 khoảng 7.000-8.000 tỷ đồng (cả năm là 15,6 ngàn tỷ đồng)”, Bộ Tài chính tính toán.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đề xuất nâng mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân. Mặt khác, Bộ Tài chính đang phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan rà soát để thực hiện cắt giảm nhiều loại phí, lệ phí cho doanh nghiệp và người dân như miễn lệ phí môn bài đối với một số đối tượng; giảm 70% mức thu lệ phí đăng ký doanh nghiệp; giảm 67% mức phí công bố thông tin doanh nghiệp; giảm 50-70% phí thẩm định cấp sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động bưu chính. Tổng số phí, lệ phí cắt giảm trong thời gian còn lại của năm 2020 khoảng 500 tỷ đồng.
Thu ngân sách giảm, chi an sinh xã hội tăng nên phải tìm cách vay thêm để bù đắp.
|
Vay tỷ đô để bù đắp thiếu hụt chi tiêu
Bộ Tài chính cho biết: Trước khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19, dự báo nguồn thu ngân sách nhà nước năm 2020 sẽ giảm.
Hiện nay, Bộ Tài chính đang dự kiến với phương án tích cực nhất (dịch kết thúc trong Quý II/2020), tăng trưởng GDP đạt khoảng 5,3% (giảm 1,5% so với kế hoạch), giá dầu bình quân cả năm khoảng 35 USD/thùng, thu từ cổ phần hoá và thoái vốn DNNN không thực hiện được, thì thu ngân sách nhà nước ước giảm khoảng 140-150 ngàn tỷ đồng.
Trường hợp tăng trưởng GDP không đạt mức dự kiến nêu trên (dưới 5% như dự báo của các tổ chức quốc tế), Bộ Tài chính lo ngại thu ngân sách sẽ giảm lớn hơn, nhất là thu ngân sách ở các khu vực kinh tế trọng điểm đang chịu rất nhiều tác động từ sự đình trệ của các ngành dịch vụ, du lịch, thương mại, logistics,... như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Hải Phòng,...
Trong bối cảnh dự báo thu ngân sách nhà nước có thể giảm lớn nhưng vẫn phải đảm bảo chi đầu tư phát triển, tăng chi an sinh xã hội và phòng chống dịch bệnh, Bộ Tài chính đã kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương rà soát, cắt giảm ít nhất 30% kinh phí hội nghị, công tác phí trong nước và 50% công tác phí nước ngoài (riêng các cơ quan TƯ dự kiến tiết kiệm được khoảng 600-700 tỷ đồng).
Trên tinh thần chia sẻ trách nhiệm giữa TƯ và địa phương trong việc bố trí nguồn lực cho các nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Tài chính kiến nghị các địa phương, bên cạnh việc sử dụng dự phòng, dự trữ tài chính của ngân sách địa phương, phải chủ động sử dụng từ nguồn tăng thu ngân sách địa phương và kinh phí cải cách tiền lương còn dư để xử lý.
“Đối với những địa phương khó khăn, Ngân sách Trung ương sẽ hỗ trợ theo các mức 30%, 50% và 70% kinh phí thực phát sinh ở địa phương”, Bộ Tài chính nêu rõ.
Dù đã nêu cao tinh thần tiết kiệm, nhưng Bộ Tài chính cũng lưu ý với mức độ ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến sản xuất kinh doanh như nêu trên, khả năng bội chi ngân sách nhà nước sẽ tăng thêm khoảng 1,5-1,6% GDP (tức là ở mức 5-5,1%GDP).
“Kể cả trong trường hợp kiểm soát được số tuyệt đối bội chi ngân sách nhà nước năm 2020, thì tỷ lệ bội chi so GDP dự kiến vẫn tăng lên, do quy mô GDP (số tuyệt đối) không đạt mức kế hoạch”, Bộ này nhấn mạnh.
Thời gian qua, một số tổ chức quốc tế đề xuất cho Việt Nam vay hỗ trợ ngân sách, như: Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) và Cơ quan phát triển Pháp (AFD).
Đề cập vấn đề này Bộ Tài chính cho biết đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đang đàm phán với các nhà tài trợ này để có điều kiện vay ưu đãi nhất. Dự kiến có thể vay với chi phí thấp từ các tổ chức này khoảng 1 tỷ USD.
Bộ Tài chính kiến nghị trường hợp thực hiện vay thêm từ các tổ chức quốc tế thì trước mắt giảm tương ứng phần vay trong nước để đảm bảo thực hiện đúng Nghị quyết của Quốc hội về dự toán ngân sách năm 2020.
Lương Bằng
Vietnamnet
|