'Quả đấm thép' 650.000 tỷ giúp kinh tế bật dậy?
Theo các chuyên gia, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công cho một loạt công trình trọng điểm là động lực quan trọng giúp thúc đẩy tăng trưởng trong bối cảnh dịch Covid-19.
Tăng trưởng kinh tế trong năm 2020 được dự báo rất khó khăn để đạt mục tiêu 6,8% mà Chính phủ đề ra. Không chỉ Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) mà nhiều tổ chức, nhóm nghiên cứu đưa ra nhiều kịch bản tăng trưởng thận trọng do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Hiện tại gần như chắc chắn chưa thể khống chế dịch trong tháng 3, kịch bản tăng trưởng quý I và II có thể chỉ đạt lần lượt 3,8% và 5,81% so với kế hoạch đặt ra. Từ đó dẫn đến tăng trưởng cả năm có thể không đạt như kỳ vọng.
Trong bối cảnh đó nhiều người cho rằng Chính phủ nên có gói kích thích kinh tế. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định Chính phủ đã nắm trong tay số tiền hàng trăm nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công. Chỉ cần giải ngân số vốn khổng lồ này, giống như một “quả đấm thép” giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Nguồn tiền lớn chỉ đợi tiêu
Theo tính toán, số tiền vốn đầu tư công đang chờ giải ngân lên đến khoảng 650.000 tỷ đồng (gần 30 tỷ USD).
Theo đó, trong kỳ họp cuối năm 2019, Quốc hội thông qua kế hoạch chi đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách năm 2020 là 470.600 tỷ đồng. Số vốn này bao gồm vốn trong nước là 410.600 tỷ đồng (trong đó, vốn chương trình mục tiêu quốc gia là 23.756,273 tỷ đồng); vốn nước ngoài là 60.000 tỷ đồng.
Nhiều khoản tiền đầu tư công trị giá hàng trăm nghìn tỷ đồng chưa được giải ngân. Ảnh: K. Long.
|
Năm 2020, tổng số vốn phân bổ khoảng hơn 243.144 tỷ đồng. Số vốn còn lại chưa phân bổ là hơn 227.455 tỷ đồng.
Nhiều bộ ngành được giao vốn nhiều như Bộ Giao thông vận tải là 35.300 tỷ đồng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là 15.800 tỷ đồng, Bộ Y tế là 6.600 tỷ đồng, Ngân hàng Phát triển Việt Nam là 6.400 tỷ đồng, Ngân hàng Chính sách xã hội 2.000 tỷ đồng, một số cơ quan khác là 17.200 tỷ đồng…
Trong khi đó, giải ngân vốn đầu tư công năm 2019 mới chỉ đạt 88%, số tiền còn dư ước tính khoảng 50.000 tỷ đồng tiếp tục chuyển sang năm 2020 để sử dụng.
Cùng với đó, một loạt dự án trọng điểm quốc gia cũng được Quốc hội thông qua và giao vốn. Theo đó, Quốc hội thông qua khoản 55.000 tỷ đồng để Chính phủ thực hiện dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam đoạn phía đông. Số tiền này giải ngân trong giai đoạn ngân sách là 2016-2020.
Quốc hội cũng thông qua đã biểu quyết thông qua dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành với số tiền 23.000 tỷ đồng.
Quốc hội cũng đồng ý để Chính phủ dùng tiền từ kế hoạch đầu tư công trung hạn và dự phòng ngân sách trung ương 2019 để hỗ trợ các địa phương trong vùng đồng bằng sông Cửu Long với số tiền hàng nghìn tỷ đồng.
Tiêu bằng cách nào?
Theo TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công chính là một trong những giải pháp quan trọng để kích thích tăng trưởng kinh tế. Ông nhấn mạnh đây chính là một trong những cách “bơm tiền” vào nền kinh tế mà không cần gói kích thích.
Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho rằng số vốn đầu tư công đợi giải ngân là số tiền mà Chính phủ đã có sẵn, hoàn toàn chủ động trong giải ngân.
“Việc giải ngân là động lực tăng trưởng kinh tế, còn khuyến khích các thành thần kinh tế khác nữa”, ông Lâm nói.
Tuy nhiên, ông Lâm nhấn mạnh cần tiếp tục tháo gỡ về thể chế, chính sách, để các dự án đầu tư công có thể đẩy nhanh tiến độ giải ngân.
“Cần có đột phá về chính sách, thậm chí phân cấp mạnh để giải ngân vốn đầu tư công. Đột phá này cũng cần đảm bảo tính minh bạch, khách quan”, ông nói.
Bộ trưởng KHĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng giải ngân vốn đầu tư là ưu tiên số 1 lúc này. Ảnh: QH.
|
Trao đổi với chúng tôi, Bộ trưởng KHĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng giải ngân vốn đầu tư là ưu tiên số 1 lúc này.
“Tiền đã có sẵn, chỉ cần giải ngân. Giải ngân sẽ kích thích cả chiều cầu và cung, không cần phải bơm thêm, không làm ảnh hưởng bội chi, không làm ảnh hưởng ổn định kinh tế vĩ mô”, ông nói.
Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, quan trọng nhất là thái độ và trách nhiệm người đứng đầu các đơn vị được giao vốn. Các vướng mắc về thể chế trong đầu tư công đã dần được tháo gỡ, vấn đề hiện tại chỉ là việc thực hiện.
Ông cũng nhấn mạnh, nhiều dự án hợp tác công tư (PPP) do gặp khó khăn kêu gọi đầu tư, có thể chuyển sang đầu tư công, với hình thức chỉ định thầu để đẩy nhanh tiến độ.
Bộ trưởng nhấn mạnh nếu giải ngân được hàng trăm nghìn tỷ sẽ đạt được nhiều mục đích cùng lúc. Vừa giúp nền kinh tế đối phó với dịch Covid-19, duy trì đà tăng trưởng, để không bị trì trệ. Vừa có thể nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, duy trì đà tăng trưởng sang giai đoạn tới.
“Khi kết thúc dịch, nền kinh tế sẽ có đà bật lại, không bị tác động quá sâu. Nếu phải phục hồi vừa tốn kém, vừa mất thời gian”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Hiếu Công
Zing.vn
|