Giảm thuế để kích cầu tiêu dùng
Giảm giá hàng hóa thông qua giảm thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân là giải pháp để kích cầu tiêu dùng hiệu quả trong bối cảnh hiện nay.
* Ảnh hưởng Covid-19: TPHCM kiến nghị giãn, giảm thuế và giảm giá điện
* Chặn suy giảm kinh tế: Cần giảm thuế, phí
* Giảm thuế cứu doanh nghiệp vì dịch
Giảm thuế GTGT sẽ góp phần kích cầu trên thị trường. Ảnh: M.Phương
|
Giảm thuế giá trị gia tăng
Hàng hóa tiêu dùng hiện nay tại Việt Nam đang chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT) 5% hoặc 10%. Nếu giảm thuế, giá hàng hóa sẽ rẻ hơn, từ đó kích thích tiêu dùng.
Thực tế, việc giảm thuế GTGT đã từng được áp dụng trong những giai đoạn kinh tế khó khăn trước đây. Cuối năm 2008, cuộc khủng hoảng tài chính từ Mỹ đã lan rộng toàn thế giới, Việt Nam cũng không ngoại lệ.
Khi đó, Chính phủ đã ban hành hàng loạt chính sách kích thích kinh tế như giảm thuế, hỗ trợ lãi suất để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, duy trì việc làm và bảo đảm tăng trưởng...
Trong đó, các hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh được giảm 50% thuế GTGT một số nhóm hàng hóa, dịch vụ từ ngày 1.2 - 31.12.2009. Theo ông Nguyễn Đức Nghĩa, Chủ nhiệm Câu lạc bộ thuế TP.HCM, cơ quan chức năng nên xem xét giảm thuế GTGT, góp phần tác động đến giảm giá cả hàng hóa để kích thích tiêu dùng.
Chính sách này tác động đến toàn dân, giúp doanh nghiệp (DN) bán hàng nhiều hơn. “Mỹ cũng đã điều chỉnh giảm 50% thuế GTGT. Theo tôi, Việt Nam cũng nên giảm 50% thuế GTGT để giảm khó khăn cho người tiêu dùng hiện nay. Hàng hóa, dịch vụ nào áp dụng thuế suất 10% thì giảm xuống 5%, thuế suất 5% giảm xuống 2,5%. Người bệnh cần có thuốc ngay mới hiệu quả, nên chính sách giảm thuế GTGT cần áp dụng ngay từ ngày 1.4 để kích cầu trên thị trường”, ông Nghĩa nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Ngọc Tú, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Thuế, nhận xét các biện pháp về thuế để hỗ trợ kinh tế hiện nay vẫn chưa đủ “liều” để giúp DN khôi phục sản xuất.
Bởi sức tiêu thụ của thị trường không cao, người tiêu dùng vẫn ở trong nhà, thắt lưng buộc bụng thì DN cũng không thể bán được hàng. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, các chính sách hỗ trợ thuế cần triển khai khẩn cấp, đồng bộ hơn.
Để kích thích người tiêu dùng mua sắm, một số nước bên cạnh các giải pháp hỗ trợ DN, còn cả việc chi tiền trực tiếp cho người dân. Chúng ta chưa có điều kiện để làm như vậy thì có thể thực hiện giải pháp thứ 2 là giảm thuế. Theo đó, giảm thuế GTGT khoảng 50% so với mức thuế suất hiện để giúp hàng hóa dịch vụ của DN giảm thêm, kích thích người tiêu dùng.
“Ví dụ giá một sản phẩm hiện nay là 100.000 đồng, đóng thuế GTGT thuế suất 10%, giá bán lên 110.000 đồng thì khi giảm thuế GTGT 50%, giá hàng hóa chỉ còn 105.000 đồng. Điều này sẽ khiến người dân thấy mình cũng được Chính phủ quan tâm như với DN hay hộ kinh doanh khác”, ông Tú dẫn chứng.
Nuôi dưỡng nguồn thu sau này
Ngoài việc đề xuất giảm thuế GTGT, theo TS Nguyễn Văn Thuận, Trưởng khoa Thuế - Hải quan (Trường ĐH Tài chính - Marketing TP.HCM), cần xem xét giảm thuế thu nhập cá nhân (TNCN) với mức 40 - 50% số thuế phải nộp.
TS Thuận phân tích: nhiều DN đã ngưng hoạt động hay giảm bớt số lượng nhân viên. Như vậy nhiều gia đình chỉ còn 1 - 2 người đi làm và họ sẽ phải chịu gánh nặng ngân sách gia đình hơn.
Đó là chưa kể ngoài nhu cầu thiết yếu như thông thường thì hiện nay cũng phát sinh nhiều nhu cầu chi tiêu liên quan phòng chống dịch bệnh như khẩu trang, nước sát khuẩn, nước rửa tay hay tăng thêm thực phẩm bảo đảm sức khỏe. Do đó dù nhiều người có xu hướng siết chặt chi tiêu nhưng vẫn phải tăng chi phí.
Vì vậy nếu cứ giữ nguyên số thuế TNCN như trong điều kiện bình thường là thiệt thòi cho người dân. “Có thể xem xét giảm 50% số thuế phải nộp trong một thời gian nhất định. Chẳng hạn một người lao động có thu nhập hằng tháng 30 triệu đồng và có 2 người phụ thuộc trước đây phải nộp thuế TNCN khoảng 1,3 triệu đồng/tháng thì nếu được giảm 50%, số thuế họ phải nộp chỉ còn khoảng 650.000 đồng. Như vậy cũng sẽ giúp họ chi tiêu cho các nhu cầu phát sinh thêm trong mùa dịch bệnh hiện nay. Từ đó cũng là một cách kích thích nhu cầu trong nền kinh tế”, TS Nguyễn Văn Thuận chia sẻ.
Ông Nguyễn Ngọc Tú cũng cho rằng hiện nay cơ quan thuế đang thực hiện quyết toán thuế TNCN năm 2019, nên có thể nghiên cứu giảm số thuế mà cá nhân phải nộp để kích thích họ mua sắm, chứ không nên chờ đến hết năm 2020. Bởi nếu đã qua mùa dịch thì điều đó sẽ không còn ý nghĩa hỗ trợ DN.
“Cơ quan chức năng cần sớm ban hành và áp dụng ngay trong năm 2020 về việc tăng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế TNCN có thu nhập từ tiền lương, tiền công. Người lao động có thêm thu nhập sẽ mạnh dạn chi tiêu hơn. Trong thời buổi khẩn cấp như hiện nay, việc giãn thuế chỉ là tạm thời hỗ trợ nên phải kèm theo chính sách mạnh hơn để hỗ trợ cho DN lẫn cá nhân, đặc biệt DN vừa và nhỏ. Giảm thuế tất nhiên ảnh hưởng đến nguồn thu, nhưng bối cảnh hiện nay đang cần các giải pháp đủ mạnh để hỗ trợ DN, nuôi dưỡng nguồn thu sau này”, ông Tú nhấn mạnh.
Mỹ sẽ chi tiền mặt cho người dân
Hãng Reuters ngày 18.3 đưa tin chính phủ Mỹ sẽ bơm 1.000 tỷ USD kích thích nền kinh tế nước này nhằm đối phó tác động từ dịch Covid-19. Bên cạnh đó, chính phủ sẽ giảm thuế cho DN và người lao động. Đáng chú ý, chính phủ Mỹ đang thúc đẩy thông qua kế hoạch chi cho mỗi công dân 1.000 USD.
|
Thanh Xuân
Thanh niên
|