Nợ công của Hàn Quốc vượt 1.400 tỷ USD trong năm 2019
Chỉ tính riêng khoản nợ của chính phủ và các địa phương đã là 728.800 tỷ won (khoảng 596,4 tỷ USD), tăng 48.400 tỷ won (khoảng 39,6 tỷ USD) so với năm 2018.
* S&P duy trì xếp hạng AA+ với nợ công của Mỹ bất chấp dịch COVID-19
* IMF: Nợ công toàn cầu tăng lên mức kỷ lục 188 ngàn tỷ USD
* 10 nền kinh tế có nợ công trên GDP lớn nhất và thấp nhất thế giới
Hàng hóa được xếp tại cảng ở Busan, Hàn Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)
|
Phóng viên TTXVN tại Seoul dẫn báo cáo quyết toán quốc gia năm 2019 công bố tại cuộc họp Nội các Hàn Quốc ngày 7/4 cho biết, nợ công của nước này năm 2019 là 1.743.600 tỷ won (khoảng 1.427 tỷ USD), tăng 49,2 tỷ USD so với năm 2018, do phát hành trái phiếu chính phủ để bù đắp thâm hụt ngân sách.
Chỉ tính riêng khoản nợ của chính phủ và các địa phương đã là 728.800 tỷ won (khoảng 596,4 tỷ USD), tăng 48.400 tỷ won (khoảng 39,6 tỷ USD) so với năm 2018. Đây là lần đầu tiên khoản nợ này vượt ngưỡng 700.000 tỷ won.
Theo báo cáo trên, cán cân ngân sách của Hàn Quốc thâm hụt 12.000 tỷ won (khoảng 9,82 tỷ USD) trong một năm là mức thâm hụt cao nhất trong 10 năm kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Mức thâm hụt còn lên đến hơn 43.000 tỷ won (khoảng 35,19 tỷ USD) nếu so sánh với thặng dư 31.200 tỷ won (khoảng 25,5 tỷ USD) của năm 2018.
Tổng thu chi ngân sách, trừ các quỹ an sinh xã hội, chỉ số phản ánh tình hình tài chính thực tế của chính phủ, đạt mức thâm hụt cao kỷ lục 54.400 tỷ won (khoảng 44,6 tỷ USD) kể từ năm 1990 đến nay.
Bộ Kế hoạch và Tài chính Hàn Quốc lý giải rằng nguyên nhân chủ yếu là do các khoản thu bị giảm và thuế tăng thêm được tính vào khoản thuế phân bổ về các địa phương.
[Triển vọng tăng trưởng kinh tế Hàn Quốc được dự đoán âm gần 1%]
Trong khi đó, thống kê của Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BoK) cho thấy cán cân vãng lai trong tháng Hai vừa qua của nước này đạt thặng dư 6,41 tỷ USD, tăng 2,56 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2019 với mức 3,85 tỷ USD.
Theo lý giải của BoK, kết quả này có được là nhờ số ngày nghỉ Tết Nguyên đán thay đổi, số ngày sản xuất tăng lên, tình hình thị trường chip bán dẫn đang khởi sắc dẫn đến thặng dư cán cân hàng hóa tăng lên. Ngoài ra, do số người dân xuất cảnh giảm cũng khiến cán cân dịch vụ được cải thiện.
Bên cạnh đó, số ngày làm việc trong tháng Hai vừa qua cũng tăng 3,5 ngày so với năm 2019, sản lượng xuất khẩu thiết bị công nghệ thông tin và chip bán dẫn lần lượt tăng 51,3% và 27,9% so với cùng kỳ năm 2019.
Cán cân thu nhập thặng dư 1,25 tỷ USD nhờ lợi nhuận của các khoản đầu tư vào thị trường nước ngoài tăng lên. Kim ngạch xuất khẩu đạt 41,82 tỷ USD, tăng 4% trong khi kim ngạch nhập khẩu đạt 35,24 tỷ USD, tăng 1,3%.
Bên cạnh đó, do đại dịch COVID-19 bùng phát từ Trung Quốc hồi cuối tháng Một vừa qua khiến nhiều nhà máy ở nước này phải đóng cửa khiến sản lượng xuất khẩu hàng hóa của Hàn Quốc sang Trung Quốc đã giảm 6,7% so với cùng kỳ năm 2019.
Cán cân dịch vụ thâm hụt 1,45 tỷ USD (giảm 90 triệu USD) và cán cân du lịch chịu mức thâm hụt 570 triệu USD (giảm 270 triệu USD)./.
Anh Nguyên
Vietnam+
|