Nhịp đập Thị trường 20/04: Rung lắc tiếp diễn
Thị trường tiếp tục giằng co khi các áp lực chốt lời và lực cầu liên tục “đấu đá” nhau.
SAB tại rổ VN30 hiện đã đẩy được lên mức trần, qua đó đánh dấu phiên thứ 4 liên tiếp bứt phá, song thanh khoản hiện tại có dấu hiệu tiếp tục sụt giảm so với những phiên trước - một tín hiệu thể hiện sự suy yếu của lực cầu. PLX cũng là một mã nhiều khả năng sẽ được đẩy lên mức trần vào cuối phiên, khi mã hiện đã đạt sắc xanh 6% và được khối ngoại mua ròng mạnh.
Rổ VN30 hiện có 13 mã tăng, 16 mã giảm và 1 mã đứng giá, song chiều tăng có phần chiếm ưu thế so với chiều giảm khi biên độ sắc xanh hầu hết đều hơn 1%, trong khi chiều giảm chỉ có BVH, MSN mất hơn 1%.
Sự sụt giảm ở giá dầu dự kiến sẽ tác động tích cực tới các công ty lấy hàng hóa này là nguyên vật liệu đầu vào, cụ thể là các công ty bột giặt như NET, LIX, DGC và điều này đã được kiểm chứng khi theo BCTC quý 1/2020, LIX đã báo đạt lợi nhuận “khủng” khi gấp 2.5 lần cùng kỳ, với nguyên nhân đến từ giá cả nguyên vật liệu đầu vào giảm, đồng thời chứng kiến sự bật tăng ở doanh thu, với lý do chính nhờ hưởng lợi từ dịch bệnh vì các công ty này cũng cung cấp cảc sản phẩm nước rửa tay khô. Nhờ vậy, giá các mã này đều đã bứt phá trong thời gian qua, với DGC, LIX đều đã tăng hơn 30% kể từ khi tạo đáy, trong khi NET có dấu hiệu của cơn sóng tăng mới.
BHN cũng là một mã nhóm bia hiện sắc tím và nhìn theo góc nhìn kỹ thuật, kháng cự mạnh của mã nằm ở vùng quanh mốc 24,000 đồng.
Nhóm hàng không chứng kiến sự đột phá ở ACV khi mã này tiến hơn 11%, kèm với đó là ông lớn HVN khi hiện sắc tím, trong khi ông lớn còn lại là VJC lùi nhẹ dưới tham chiếu.
Phiên sáng: Trở lại với nhịp tăng
VN-Index kết phiên sáng tăng 0.7%, đạt mức 795.15 điểm; chỉ số HNX-Index giảm 0.06 điểm và đạt mức 110.4 điểm. Độ rộng thị trường nghiêng về bên mua với 361 mã tăng và 235 mã giảm.
Càng về cuối phiên sáng, diễn biến thị trường càng khởi sắc trở lại khi đến lượt các mã đã rung lắc tại nhóm Large Cap trong suốt tuần trước bắt đầu nhen nhóm bứt phá, qua đó giúp VN-Index giành lại tham chiếu, trong khi HNX-Index tiến gần tham chiếu.
Rổ VN30 phân hóa với 13 mã tăng, 14 mã giảm và 3 mã đứng giá, trong đó nhóm dẫn đầu ngoài SAB và MWG còn có thêm sự xuất hiện của POW và PLX ở mức hơn 4%. Cả hai mã này đều cho tín hiệu kỹ thuật tích cực khi tạo cây nến White Marubozu sau 1 tuần sideway trước đó. Ở chiều ngược lại, số mã mất 1% chỉ còn NVL và BVH, còn lại đều chỉ lùi nhẹ dưới tham chiếu.
Bất chấp giá dầu thế giới đã rơi khỏi đáy trước đó, diễn biến nhóm dầu khí lại vô cùng khởi sắc và được tô điểm bởi sắc tím trên OIL, PVB. Cả hai mã đều đạt dư mua lớn và có thanh khoản bứt phá. Tình hình tương tự cũng diễn ra ở nhóm đạm với DCM, BFC và DPM đều tăng kịch trần và có khối lượng đột biến.
Xét theo góc độ nhóm ngành thì đa phần các nhóm đều trong trạng thái nở rộ sắc xanh, hay tệ hơn là phân hóa.
Khối ngoại bán ròng hơn 100 tỷ đồng trên sàn HOSE và hơn 17 tỷ đồng trên sàn HNX. Lực bán ròng tập trung ở các cổ phiếu DPM, DBC, MSN trên sàn HOSE. PVS, HUT là các mã bị bán ròng nhiều nhất tại sàn HNX.
11h00: Giằng co trở lại
Trận chiến giữa bên mua và bên bán đã tạo nến thể giằng co trên thị trường, khi VN-Index liên tục rung lắc quanh tham chiếu, trong khi HNX-Index ngụp lặn trong sắc đỏ.
Rổ VN30 vẫn nghiêng về bên bán với 19 mã giảm, 8 mã tăng và 3 mã đứng giá, đặc biệt số mã mất hơn 1% đã đạt tới số 8, với sự góp mặt của 2 mã mới là STB và VIC. Ở chiều ngược lại, SAB và MWG vẫn dẫn đầu nhờ vào sắc xanh hơn 2%. Theo góc nhìn kỹ thuật, cả hai mã đều đã tiến gần kháng cự là đỉnh cũ trước đó, song tình hình SAB có phần bi quan hơn khi chỉ báo RSI đã tiến vào vùng overbought.
FRT hiện là một điểm nhấn tại sàn HOSE nhờ vào sắc tím và gần 800 ngàn cổ phiếu đặt ở giá trần, đặc biệt là thanh khoản của mã rất thấp. Điều này chứng tỏ đà tăng trần nhiều khả năng sẽ còn tiếp diễn trong những phiên tiếp theo và theo góc nhìn kỹ thuật, điểm đến của mã nằm ở vùng quanh mốc 23,500 đồng.
Diễn biến nhóm bất động sản khu công nghiệp duy trì sự tích cực từ cuối tuần trước, khi sắc xanh vẫn chiếm ưu thế tại nhóm. Trong đó, điểm sáng nằm ở SZC với sắc tím và thanh khoản đột biến, theo sau là ITA ở mức cận trần, SZL hơn 5%, còn LHG sau phiên tím trước đó hiện chỉ tiến hơn 1%.
10h05: Áp lực bán lớn tại nhóm Large Cap
Áp lực bán lớn dần tại nhóm Large Cap đả đẩy thị trường trở lại với đà lao dốc, cụ thể như HNX-Index và VN-Index đều đã rơi khỏi tham chiếu, song sắc đỏ hiện tại chỉ là sắc đỏ nhẹ.
Rổ VN30 đảo chiều và nghiêng hẳn về bên bán với 19 mã giảm, 7 mã tăng và 4 mã đứng giá, trong đó chỉ có SAB và MWG giữ được sắc xanh đậm hơn 2%, trong khi các mã còn lại đều bị thu hẹp xuống dưới 1% như POW, PLX, EIB, PNJ và VNM. Ở chiều ngược lại, số mã rớt hơn 1% đạt tới con số 6 là MBB, MSN, BVH, VPB, CTD và VRE. Khối ngoại bán ròng hầu hết các mã rổ này, ngoại trừ ROS được mua ròng mạnh hơn 300 ngàn đơn vị.
Nhóm hàng không cũng chịu cảnh bị thu hẹp sắc xanh khi ông lớn HVN, ACV chỉ còn tiến dưới 3%, trong khi VJC lùi nhẹ dưới tham chiếu.
KHÓA HỌC ONLINE
Phân tích Kỹ thuật Ứng dụng
- Khai giảng: 04/5/2020
- Ưu đãi 50% ++
Hotline: 0908 16 98 98
>>Đăng ký ngay
|
Sự đảo chiều ở thị trường đã gây sức ép lớn đến diễn biến nhóm chứng khoán khi gam màu chính của nhóm này hiện là màu đỏ. Cả 3 ông lớn của nhóm là SSI, HCM và VND đều rơi khỏi tham chiếu và mất hơn 1% giá trị.
DBC cũng đã mất sắc tím và chỉ còn tăng 2%, đồng thời đạt thanh khoản lớn khi hiện tại đã khớp hơn 2.6 triệu đơn vị, qua đó chứng tỏ mã đang chịu áp lực chốt lời lớn. Theo góc nhìn kỹ thuật, mã đang tạo cây nến High Wave với bóng trên dài - một dấu hiệu của sự kết thúc ở nhịp tăng hiện tại. Nếu giá rơi khỏi Rising Window trong phiên 17/04/2020 thì một nhịp điều chỉnh đã xuất hiện ở mã.
Mở cửa: Về gần mốc 800 điểm
Thị trường mở phiên duy trì sự tích cực khi các chỉ số đều hiện sắc xanh, trong đó VN-Index hiện tiến gần 6 điểm, chỉ số về gần mốc 800 điểm.
Độ rộng thị trường tính tới 9h30 đang nghiêng về bên mua với 328 mã tăng và 143 mã giảm điểm. Số mã tăng, giảm trong rổ VN30 đang nghiêng về sắc xanh với 22 mã tăng, 8 mã giảm.
SAB, VNM cùng VHM đang là những động lực chính đằng sau sắc xanh cho VN-Index. Ở chiều ngược lại, VIC, CTD và VHM là những mã có tác động tiêu cực tới chỉ số, song tác động này không mấy to lớn.
Sau phiên ATO, sắc xanh đang tràn ngập trong ngành ngân hàng. Cụ thể, VBB có cú bứt phá cận trần, đi sau đó là mức tăng hơn 1% của VIB, TPB, CTG… Ở chiều ngược lại chỉ có 43 mã hiện sắc đỏ là VPB, SHB và LPB.
Hòa chung với diễn biến của thị trường hiện tại, nhóm công nghệ thông tin đang thể hiện một bộ mặt vô cùng tích cực. TTN hiện dẫn đầu nhóm với sắc xanh cận trần và được khối ngoại mua ròng hơn 15 ngàn đơn vị, theo sau là CTR và CMG ở mức hơn 2%.
Ngành bất động sản dân dụng có diễn biến vô cùng tích cực. Có thể kể tên, VRC, DRH tiếp tục tăng trần, CCL, TDH, HAR bứt phá hơn 5%.
Lý Hỏa
FILI
|