Nhịp đập Thị trường 16/04: Nhà đầu tư chưa muốn thị trường điều chỉnh
VN-Index nổi sóng 2 lần trong phiên chiều nay: Ngay từ đầu phiên và lúc gần đóng cửa. Mức tăng chỉ số trong 2 lần này không cao, chỉ chừng 0.4-0.5% nhưng nếu so sánh với diễn biến phiên sáng thì có thể thấy tâm lý tích cực vẫn khá rõ. Có thể có NĐT đang chốt lời, nhưng nhiều người khác chưa “muốn” thị trường điều chỉnh.
Nhóm VN30 đẩy chỉ số chính sàn HOSE trong phiên chiều, thậm chí đến lúc này mức tăng của VN30-Index còn nhỉnh hơn VN-Index. Số cổ phiếu tăng giá đã tăng gấp đôi so với cuối phiên sáng, trong khi số cổ phiếu giảm chỉ còn 8 mã. Trong số những mã hồi phục đáng chú ý trong phiên chiều, có thể nói đến MBB, MWG, TCB, VPB… Những mã đã tăng tích cực từ phiên sáng như VJC, SAB, CTD… thì đến chiều nay lùi lại 1 chút, nhưng đóng cửa vẫn giữ được đà tăng khá.
Tính từ cuối tháng Ba đến nay, VN-Index đã tăng một mạch khoảng 120 điểm, tức gần 18% và chỉ còn giảm chừng hơn 20% so với thời điểm được coi là dịch Covid-19 tác động lên chứng khoán.
Diễn biến sàn UPCoM có chút áp lực hơn so với sàn HOSE hay HNX. Chỉ số UPCoM-Index cũng kịp hồi về tham chiếu ngay sau 13h, nhưng sau đó lại giảm về mức thấp hơn “đóng cửa” phiên sáng, rồi cuối cùng quay lên tham chiếu 1 lần nữa. MML vẫn dư mua trần, BCM và LTG vẫn duy trì được đà tăng hơn 12%, nhưng những mã như VTP, CTR, OIL… đã có những thời điểm kéo hay dìm chỉ số sàn này.
Ngân hàng là nhóm lớn tiếp tục có những diễn biến gây chú ý trong phiên chiều. MBB, hay HDB đã tăng giá trở lại, VCB, TCB và VPB cũng kịp thoát khỏi sắc đỏ vào lúc cuối. những mã khác như ACB, STB, KLB… vẫn ổn dịnh đà tăng suốt phiên.
GAS, PVS, PVD, POW… và một số cổ phiếu dầu khí khác họ PVN cũng tham gia vào con sóng đợt đầu phiên chiều nay, tuy nhiên sau đó lại quay về mặt bằng cũ. Giá dầu thế giới đang tăng nhẹ lúc này có thể hỗ trợ 1 chút cho các cổ phiếu này, nhưng đối với GAS, có lẽ diễn biến tích cực còn đến từ thông tin về lợi nhuận năm nay của doanh nghiệp, khi quý 1 dù “dính” dịch bệnh cùng giá dầu thế giưới giảm sâu, GAS vẫn kịp hoàn thành 32% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
ROS tăng giá suốt phiên sáng, nhưng đến chiều đã giảm dần về tham chiếu, thậm chí có lúc xuống dưới tham chiếu. Giao dịch đột biến cách đây mấy hôm đã được xác nhận người bán chính là Nguyên chủ tịch công ty, nhưng người mua thì chưa chịu hiện tên ra. Chưa rõ, người mua lại 9% cổ phần đó là 1 hay nhiều người.
HBC cũng gây chút sóng gió trong phiên chiều nay nhưng cuối cùng đóng cửa lại thấp hơn 1 chút so với cuối phiên sáng. Tập đoàn vừa mới công bố trúng thầu 1 dự án lớn, tuy nhiên ai cũng thấy hoạt động xây dựng nói chung và của doanh nghiệp nói riêng vào lúc này đang gặp rất nhiều khó khăn, và để phục hồi chắc không thể nhanh hay ngay lập tức.
Phiên sáng: Quay về tham chiếu
VN-Index đã quay về tham chiếu vào thời điểm chừng 11h10, sau đó dao động quanh đó cho đến bữa trưa. Được đẩy bởi 1 số cổ phiếu vốn hóa lớn, ví dụ như VRE, VNM… nhưng VN-Index cũng được đẩy bởi nhiều cổ phiếu midcap và cả smallcap. 2 chỉ số nhóm mid và smallcap đều bật cao hơn 0.6%.
Chỉ số nhóm VN30 vẫn dưới tham chiếu 2 điểm, nhưng rõ ràng là hỗ trợ đẩy VN-Index nhất là sau 11h. Số cổ phiếu giảm giá trong nhóm này vẫn cao (21 mã) nhưng không ít mã hồi, thậm chí vọt lên trên tham chiếu như FPT. SAB vẫn tăng mạnh trên 5% nhưng đi ngang trong 2 tiếng cho đến cuối phiên sáng. Cổ phiếu ngân hàng và bán lẻ vẫn giảm khá nhiều.
GAS tăng giá từ khoảng 9h45 và duy trì đến lúc này. PVT đã tiến đến mức dư mua trần với lượng khớp tăng đột biến. Nhiều mã khác trong “họ” PVN cũng có diễn biến hồi khá tích cực như BSR, OIL…
HNX và UPCoM-Index cũng được lan tỏa từ tốc độ phục hồi của VN-Index trong nửa cuối phiên sáng. HNXIndex cũng quay lại lên trên tham chiếu, trong đó nhiều Large Cap tăng giá như NTP, ACB, PVS, VCS… đối với sàn UPCoM, MML dư mua trần, LTG và BCM tăng hơn 12%, MCH cũng tăng giá (dù thanh khoản thấp như thường lệ).
¾ đại gia ngân hàng có vốn nhà nước có diễn biến hồi khá tốt dù vẫn còn trong sắc đỏ, trừ BID giảm mạnh hơn so với đầu phiên sáng. Đối với những cổ phiếu vốn hóa nhỏ hơn, STB, ACB, VIB đã giữ được sắc xanh…
HVN đã sớm tăng giá trở lại trước 10g, như vậy cả 3 đại gia hàng không đều tăng giá.
PPC chỉ giảm 1.8% sáng nay, dù doanh nghiệp ra tin lãi quý 1 giảm 44%. Trong suốt phiên sáng nay, PPC không hề có dấu hiệu giảm sâu hơn, như vậy mức giảm 1.8% có thể coi là rất lạc quan.
10h30: Chứng khoán Việt muốn hồi bất chấp châu Á đỏ
VN-Index sau khi giảm mạnh đầu phiên, hiện đã hồi lại được một nửa, chỉ còn thấp hơn tham chiếu chừng 2 điểm. Đa số chỉ số chứng khoán châu Á vẫn đỏ sáng nay, nhưng Việt Nam có lẽ muốn đi ngược sớm.
Sau 3 phiên tăng liên tiếp, không loại trừ khả năng đang có người chốt lời, tuy nhiên thanh khoản đến lúc này không hề tăng so với cùng thời gian của ngày hôm qua, nên có thể dự báo thêm rằng vẫn có nhiều NĐT còn tin xu hướng hồi của chỉ số còn tiếp tục. Số cổ phiếu tăng giá trên sàn HOSE hiện nhiều gấp đôi so với đầu phiên.
Nhóm VN30 vẫn gây áp lực lên VN-Idnex, nhưng mức độ giảm dần. Số cổ phiếu giảm giá hiện giảm từ 25 về 23 mã, trong đó ROS sớm xanh trở lại chỉ vài phút sau ATO. Nhìn chung trong nhóm giảm giá, hầu hết giảm dưới 1.5%, trừ VPB. Những cổ phiếu chuyển sang sắc xanh sau đó có thể kể đến là VJC và GAS.
Các đại gia ngân hàng vẫn giảm trên dưới gần 1%, nhưng cổ phiếu ngân hàng nhỏ đang có xu thế hồi sớm hơn. TPB, VIB, BAB, KLB hay cả ACB cũng đã quay về tham chiếu. Các biệt có STB và LPB chuyển sắc xanh. Mới đây có thông tin 4 đại gia ngân hàng (3 trong số đó đã niêm yết) phải giảm lãi 40% để phục vụ cho công cuộc hỗ trợ doanh nghiệp, có lẽ đây chính là lý do khiến cổ phiếu không chỉ các ngân hàng đó, mà còn cả nhóm ngân hàng bị ảnh hưởng, bởi lớn ngân hàng lớn mà giảm lãi, thực chất là giảm lãi suất, thì ngân hàng nhỏ đứng ngoài?
GAS, PVS đã đổi màu, chuyển sang sắc xanh, PVT tăng đến 5%. Trong nhóm dầu khí họ PVN, đang dần có sự hồi phục giá sáng nay.
Chỉ số UPCoM-Index giảm không sâu, nhưng chưa thấy diễn biến hồi như 2 chỉ số 2 sàn kia. Có không ít Large Cap sàn này tăng giá như LTG, ACV, BCM…thậm chí MML đã tăng trần 14.8%, nhưng dường như PCoM vẫn bị trì kéo bởi không ít mã nhỏ hơn.
2 cổ phiếu có liên quan đến.. thịt tăng giá mạnh sáng nay là DBC và MML. MML hiện đã chuyển sang dư mua trần và đây là phiên tăng giá đáng kể đầu tiên trong tháng Tư. DBC tăng giá hơn 5%, tăng gần 10,000 đ/cp tính từ đầu tháng tư đến nay. DBC đã sớm có ước tính lợi nhuận quý 1, còn MML thì chưa, nhưng rõ ràng đang có sự suy luận mang tính liên quan ở đây.
Đầu phiên giảm nhẹ với áp lực từ nhóm VN30
Cả 3 chỉ số chính 3 sàn đều giảm tại ATO. Đúng hơn, HNX-Index và UPCoM-Index đã giảm ngay từ 9h. diễn biến từ sàn Mỹ đêm qua có thể là 1 yếu tố dẫn đến mức giảm đầu phiên của các sàn chứng khoán Việt Nam, nhất là sau khi VN-Index đã có 3 phiên tăng điểm liên tục.
Việc giãn cách xã hội 12 tỉnh thành thêm 1 tuần nữa có thể là 1 yếu tố phụ, nhưng mức độ tác động chắc rất nhỏ. Hiện số cổ phiếu giảm giá trên sàn HOSE nhiều gấp 3 số tăng giá. Đối với nhóm VN30, chỉ có 4 mã tăng giá, so với 25 mã giảm giá.
Thông tin (có thể chưa hoàn toàn chính thức) các hãng hàng không sẽ tăng bay ngay trở lại khi hết giãn cách xã hội có khi lại là 1 dạng “tin ra là bán”. Sáng nay VJC đứng giá nhưng HVN giảm nhẹ 1%. HVN đã bật mạnh từ mức 17 ngàn/cp lên gần 25 ngàn/cp trong khoảng 2 tuần qua, nhưng hiện có vẻ muốn rơi trở lại. Có lẽ, dù tăng các chuyến bay, nhưng rõ ràng HVN không thể sớm quay lại trạng thái như trước dịch. Hãng hàng không này cũng đã sớm ước tính lỗ khủng trong quý 1 vừa qua, và quý 2 có lẽ cũng sẽ rất ảm đạm.
Nhóm ngân hàng vốn gây chú ý lớn hôm qua, sáng nay lại quay về trong sắc đỏ. VCB giảm hơn 1%, 1 loạt cổ phiếu khác như BID, CTG, MBB, VPB… cũng vậy. Tuy nhiên nhiều cổ phiếu đang có lực cầu tăng dần, thậm chí ACB đang có vẻ muốn tăng.
Thông tin giá dầu lại quay đầu tìm… đáy có lẽ đang tác động lên nhiều cổ phiếu dầu khí lớn họ PVN sáng nay. Giá dầu WTI đang được dự báo quay về đáy 18 năm, tương tự cho dầu Brent, dù đang ở mức khoảng 28 USD/thùng, cao hơn gần 30% so với đáy 20 USD/thùng. GAS sáng nay giảm nhẹ gần 1%, 1 loạt cổ phiếu lớn khác giảm như PVD, PVS, OIL, BSR, POW… Tuy nhiên PVT là điểm sáng khi tăng hơn 2%.
Trường hợp của OIL với PLX cũng đáng chú ý lúc này. Cả 2 đều là các đơn vị phân phối xăng dầu nhất nhì trên phạm vi cả nước, nhưng diễn biến giá cổ phiếu, thậm chí dự báo của giới phân tích chứng khoán cũng khác nhau. PLX sáng nay tăng 1.3% còn OIL giảm 0.6%. So với mức đáy cách đây khoảng 2 tuần, PLX đã tăng khá tốt, trong khi OIL vẫn ngụp sát đáy.
Hoàng Nam
FILI
|