Lừa kinh doanh qua mạng
Hầu như tuần nào trên địa bàn TP.Đà Nẵng cũng xảy ra các vụ lừa qua mạng khi kẻ gian lợi dụng mô hình kinh doanh qua mạng trong mùa dịch Covid-19. Một số chiêu lừa mới xuất hiện, người dân cần cảnh giác.
Ứng dụng Smart Banking bị chỉnh sửa từ “chuyển sau” thành “chuyển ngay”. Ảnh: Nguyễn Tú
|
Chị Dương Thị Nhàn (29 tuổi, ngụ Q.Thanh Khê, TP.Đà Nẵng) vừa đến Công an quận trình báo, sau khi đọc thông tin trên tài khoản Facebook “Nguyen Thanh Huong” bán sỉ khẩu trang y tế chống dịch liền kết nối, tìm cơ hội kinh doanh trong thời buổi làm ăn khó khăn. Chị Nhàn đăt mua 5 thùng để được hưởng giá sỉ 10 triệu đồng/thùng/10.000 cái, tương đương 1.000 đồng/cái. Nhưng sau 2 lần chuyển khoản tổng cộng 45,5 triệu đồng, tài khoản Facebook “Nguyen Thanh Huong” mất dấu…
Ngay người bán hàng qua mạng cũng dính chiêu lừa. Chị Trần Nguyễn Tú Anh (29 tuổi, ngụ P.Hòa Khê) mới sáng sớm nhận được tin nhắn từ tài khoản Facebook "Cuong Cuthe" hỏi mua chăn nệm. Chốt xong, chị nhập thông tin tài khoản vào đường link "Cuong Cuthe" gửi để nhận tiền thì bị… rút trộm 17 triệu đồng. Tương tự, chị Lã Thị Năm (33 tuổi, ngụ P.Thanh Khê Đông, Q.Thanh Khê) được tài khoản Facebook "Cao Mỹ Minh Anh" đặt mua 1 lạng yến giá 3,8 triệu đồng, giao hàng tại đường Tôn Thất Đạm (Q.Thanh Khê). Khách hàng lấy lý do tài khoản chị Năm không hiển thị, đề nghị chị nhập thông tin vào một đường link. Hậu quả, không những không bán được hàng, chị còn bị rút mất 12,7 triệu đồng.
Theo Công an Q.Thanh Khê, thủ đoạn gửi đường link yêu cầu nhập thông tin tài khoản không mới, nhưng nhiều người kinh doanh qua mạng vẫn “sập bẫy”, nhất là đối tượng dùng web giả lập, nhái tên khiến nạn nhân mất cảnh giác, cung cấp mã OTP để kẻ gian rút tiền.
Ổ nhóm và chiêu lừa mới
Cũng liên quan đến thủ đoạn chiếm mã OTP, Công an H.Hòa Vang vừa bắt Đỗ Văn Điệp (22 tuổi, ngụ TT.Nam Phước, H.Duy Xuyên, Quảng Nam) và 2 anh em Trương Diên Nghĩa (26 tuổi), Trương Diên Tiến (22 tuổi, cùng ngụ P.Tứ Hạ, TX.Hương Trà, Thừa Thiên - Huế) để điều tra về tội dùng mạng internet, lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Điệp chuyên dùng sim rác mạo danh nhân viên ngân hàng, gọi điện đề nghị nạn nhân cung cấp thông tin tài khoản để kiểm tra. Điệp dùng thủ đoạn dọa nạn nhân bị tấn công tài khoản, hoặc lừa phỉnh cho rằng nạn nhân có một số tiền lớn chuyển đến, cần xác minh. Tại Đà Nẵng, Điệp lừa chị L.T.Th. (28 tuổi, ngụ xã Hòa Nhơn, H.Hòa Vang, nữ công nhân KCN Hòa Cầm) để chiếm đoạt gần 40 triệu đồng.
Đáng chú ý, Công an H.Hòa Vang phá chuyên án này làm hé lộ một đường dây lừa đảo qua mạng chuyên nghiệp. Trong đó, Điệp lừa đảo, chuyển tiền đến tài khoản của anh em Nghĩa, Tiến. Hai anh em này sau khi nhận tiền “bẩn” thì chuyển sang ví điện tử, nạp card game online rồi quy đổi thành tiền “sạch”, rút tiền mặt qua ATM….
Tại Q.Hải Châu, gần đây nổi lên thủ đoạn lợi dụng Smart Banking (ứng dụng thanh toán trên điện thoại) để lừa đảo. Anh T.X.H. (25 tuổi) có hẹn giao iPhone 7 Plus và iPhone XS Max, nhưng người mua nại lý do không tiền mặt nên dùng điện thoại chuyển khoản. Khi xem rõ thông báo xác nhận của ngân hàng đã chuyển tiền, anh tin tưởng giao máy; hậu quả bị lừa 20,5 triệu đồng. Tương tự, anh N.T.H.H. (20 tuổi, ngụ Q.Hải Châu) bị lừa bán 8 chiếc iPhone, mất trắng 76 triệu đồng.
Theo Công an Q.Hải Châu, các đối tượng lừa đảo này đều dùng Smart Banking của một ngân hàng, chuyển khoản cho người mua khi tài khoản không đủ tiền và chọn hình thức “chuyển sau”. Đây là hình thức chuyển khoản hẹn giờ, khi có tiền vào tài khoản thì giao dịch mới thực hiện; nếu đến hẹn, tài khoản không đủ tiền thì tự hủy giao dịch. Tuy nhiên, kẻ gian lợi dụng màn hình ứng dụng Smart Banking vẫn thông báo nội dung giao dịch gồm bên chuyển, bên nhận, số tiền… nên chỉnh sửa nội dung “chuyển sau” thành “chuyển ngay”, khiến nạn nhân tin tưởng.
Nguyễn Tú
Thanh niên
|