Chờ giảm mãi không thấy, hàng loạt hộ nhận hóa đơn điện tăng vọt
Trong khi hàng triệu hộ gia đình đang ngóng được giảm giá điện, nước thì lại nhận hóa đơn tiền điện tăng mạnh.
* Người dân sẽ được giảm tối đa khoảng 62.000 đồng tiền điện
* Giá điện mặt trời giảm về hơn 1.640 đồng một kWh
Giải pháp giảm giá điện được đánh giá là thiết thực, hiệu quả, nhanh, độ bao phủ rộng thì lại chậm trễ từ đề xuất cho tới thực hiện. Ảnh: Ngọc Thắng
|
Giảm giá điện, nước được coi là giải pháp thiết thực nhất để hỗ trợ người dân đang bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Nhưng đến giờ phút này, khi dịch Covid-19 đã chính thức tròn 100 ngày kể từ khi xuất hiện ca đầu tiên tại Vũ Hán (Trung Quốc), cái mà đa số các hộ gia đình nhận được là hóa đơn tiền điện đã tăng vọt so với những tháng trước.
Đề xuất giảm dè dặt...
Theo đề xuất ban đầu của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), đối tượng giảm trọng tâm là các khu vực cách ly tập trung; các viện xét nghiệm virus SARS-CoV-2; các bệnh viện đang thực hiện nhiệm vụ chữa trị bệnh nhân bị nhiễm Covid-19. Đề xuất này không nhận sự đồng tình từ cộng đồng bởi chi phí điện đang gia tăng trong hầu hết các hộ gia đình khi con cái không đi học, người lớn giảm đi làm, giảm ra đường và thời tiết (ở miền Nam) đang trong mùa nắng nóng khiến nhu cầu sử dụng điện tăng vọt. Quan trọng hơn, chi phí điện tăng nhưng thu nhập nói chung của người dân đang giảm trầm trọng vì mất việc, giảm lương, kinh doanh đóng cửa... do ảnh hưởng từ dịch Covid-19. Vì thế, việc "khu biệt" đối tượng giảm tiền điện ở quy mô quá nhỏ của EVN như nói trên không thể hiện được sự đồng hành với Chính phủ và chia sẻ với khách hàng của mình trong bối cảnh khó khăn chung hiện nay.
Trước tình hình đó, Bộ Công thương đã đề xuất giảm giá điện 10% cho sản xuất, kinh doanh và các hộ gia đình từ tháng 4 đến tháng 6. Dù đối tượng được giảm đã mở rộng hơn so với đề xuất trước đó nhưng theo tính toán, nếu đề xuất này được thông qua thì mức giảm nhiều nhất cũng khoảng 62.000 đồng, thấp nhất là hơn 8.300 đồng. Cụ thể, giá điện sinh hoạt của người dân hiện đang áp dụng ở 6 bậc khác nhau với đơn giá tăng lũy tiến theo từng bậc. Từ 0 - 50 kWh giá là 1.678 đồng/kWh; 51 - 100 kwh có giá 1.734 đồng/kWh; 101 - 200 kWh có giá 2.014 đồng/kWh; 201 - 300 kWh giá 2.834 đồng/kWh... Cụ thể hơn, những hộ đang sử dụng trong 50 kwh/tháng phải trả 83.900 đồng thì sắp tới sẽ được giảm 8.390 đồng xuống còn 75.510 đồng. Những gia đình nào sử dụng dưới 100 kWh/tháng phải trả tiền điện là 170.600 đồng thì sẽ được giảm 17.060 đồng xuống còn 153.540 đồng. Tương tự, nhà nào đang sử dụng dưới 200 kWh/tháng phải trả tiền điện là 372.000 đồng sẽ được giảm 37.200 đồng và sử dụng dưới 300 kWh sẽ được giảm 62.560 đồng xuống còn hơn 563.000 đồng...
Tiền điện tăng nhanh
Đáng nói đến lúc này, đã gần giữa tháng 4, tháng cao điểm của sử dụng điện của người dân do lệnh cách ly xã hội của Thủ tướng Chính phủ nhưng vẫn chưa thấy nhà điện "động tĩnh" gì về việc giảm bao nhiêu, bao giờ giảm. Trong khi người dân đang trông ngóng thì lại đến kỳ đóng tiền điện tháng này với hóa đơn tăng vọt. Anh T.K.H (Q.4, TP.HCM) giật mình khi nhận thông báo tiền điện tháng 4 tăng thêm gần 500.000 đồng so với tháng trước. Đáng nói từ sau tết, hóa đơn điện cứ tăng dần đều với mức tăng mạnh. Nếu như tháng 2 nhà anh H. hết 1,6 triệu đồng tiền điện, sang tháng 3 là 2,4 triệu đồng thì qua đến tháng 4 đã lên 2,9 triệu đồng. "Gia đình tôi không thuộc diện được giảm nhưng tiền điện tăng quá mạnh. Trước đây cả nhà đi làm, con đi học, còn bây giờ thì cả nhà ở nhà, cái gì cũng xài nên hóa đơn tăng vọt là đúng rồi. Nhà nào cũng vậy thôi, cách ly toàn xã hội, ở nhà hết nên chi phí gì cũng tăng. Nhà điện không giảm nhanh, các hộ nghèo càng khó khăn hơn" - anh H. nói.
Nhà chị Thảo (quận 12) từ sau Tết khi có thông tin dịch bệnh, thu nhập giảm nên đã ra "quân lệnh" không sử dụng máy lạnh, chỉ xài 2 quạt máy để tiết kiệm nên tháng 2 và tháng 3 chỉ dao động từ 400.000 a 450.000/tháng. Thế nhưng hoá đơn tháng 4 của nhà chị Thảo vẫn tăng vọt lên 550.000 đồng. "Tháng này cao điểm ở nhà nên tiền điện tăng vọt. Cái gì cũng tăng chỉ có thu nhập là giảm"- chị Thảo than thở.
Thường khoảng ngày 19- 20 hằng tháng mới nhận hóa đơn tiền điện nhưng anh Đ.S (H.Nhà Bè) cho biết, hóa đơn tiền điện nhà anh đã tăng mấy tháng nay. Cụ thể, tháng 12.2009 là 1,92 triệu đồng, tháng 1.2020 là 2,27 triệu đồng, tháng 2 là 2,42 triệu đồng và tháng 3 lên 2,6 triệu đồng. Tương tự, nhà chị M.Phương (Q.7) chi phí điện cũng "tăng dần đều" với tháng 1 là 790.000 đồng, tháng 2 là 890.000 đồng và tháng 3 là 1,08 triệu đồng. "Sau 3 tháng, tiền điện nhà mình đã tăng 30%. Tháng 4 chắc còn tăng mạnh vì đây mới là cao điểm ở nhà hầu như toàn bộ thời gian" - chị M.Phương nói.
Hàng triệu người lao động mất việc, xã hội đang chung tay lo từng bữa ăn cho người bán vé số, cây ATM gạo cho người nghèo; Chính phủ đã duyệt khoản ngân sách hơn 62.000 tỉ đồng hỗ trợ khẩn cấp... để giúp họ bớt khó trong mùa dịch. Thế nhưng giải pháp giảm giá điện được đánh giá là thiết thực, hiệu quả, nhanh, độ bao phủ rộng thì lại chậm trễ từ đề xuất cho tới thực hiện.
Mai Ka
Thanh niên
|