Hong Kong suy thoái sâu hơn khủng hoảng tài chính 1997 và 2008
Lãnh đạo tài chính Hong Kong thừa nhận GDP của nền kinh tế thành phố có thể sụt giảm tới 7% trong năm nay vì tác động của dịch Covid-19.
Theo Bloomberg, ông Paul Chan Mo-po, lãnh đạo Ủy ban Tài chính Hong Kong, cho biết nền kinh tế đặc khu sẽ sụt giảm 4-7% trong năm nay. Sụt giảm GDP trong quý I (được công bố ngày 4/5) có thể sẽ tồi tệ hơn cả cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009 và khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997-1998.
GDP Hong Kong lao dốc 8,3% trong quý III/1998 và 7,8% trong quý I/2009. Đây là hai quý tồi tệ nhất của nền kinh tế Hong Kong kể từ năm 1974. Nhà kinh tế Iris Pang thuộc ING Bank NV dự báo GDP Hong Kong rơi tự do 10% trong quý I và thất nghiệp chạm mốc 10% trong cả năm nay.
Người già và người có thu nhập thấp là nhóm dễ tổn thương trước ảnh hưởng của đại dịch. Ảnh: South China Morning Post.
|
"Các ngành du lịch, bán lẻ và nhà hàng tại Hong Kong hứng chịu hai cú sốc liên tiếp là những cuộc biểu tình và dịch Covid-19", chuyên gia Pang nhấn mạnh.
Theo South China Morning Post, mới đây giáo sư Paul Yip Siu-fai, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phòng chống Tự tử tại Đại học Hong Kong, cảnh báo nguy cơ các vụ tự tử gia tăng tại Hong Kong vì tác động của dịch Covid-19.
Theo đó, nhóm có nguy cơ cao nhất là người mất việc làm, đối mặt với khó khăn tài chính nghiêm trọng và những người cao tuổi bị mắc kẹt ở nhà vì ảnh hưởng của đại dịch. “Nếu không sớm can thiệp, Hong Kong có thể chứng kiến tỷ lệ tự tử cao hơn đợt bùng phát dịch SARS từng tàn phá nền kinh tế hồi năm 2003”, giáo sư Yip nhấn mạnh.
Dịch bệnh có thể làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng xã hội tại Hong Kong. Ảnh: South China Morning Post.
|
Số vụ tự tử tăng cao cao kỷ lục 18,6/10.000 người hồi năm 2003, sau khi dịch SARS tấn công Hong Kong. Thời điểm đó, số người già tự tử cao hơn cùng kỳ năm trước 60 người. Dịch SARS lây nhiễm cho 1.755 người ở Hong Kong, khiến 299 người thiệt mạng. Tháng 6/2003, tỷ lệ thất nghiệp của thành phố chạm ngưỡng 8,5%.
Theo giáo sư Yip, việc đóng cửa các cơ sở hạ tầng như bảo tàng, sân thể thao và phòng hòa nhạc cũng có tác động đến người nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn trong thành phố. “Nhiều người Hong Kong sống trong những ngôi nhà rất nhỏ. Yêu cầu ở nhà cũng như việc tạm dừng các dịch vụ công cộng đã hình thành sự bất bình đẳng lớn trong thành phố”, ông nhấn mạnh.
Phương Thảo
ZING
|