Thứ Sáu, 17/04/2020 09:40

Hiệp định EVFTA sẽ tác động đến kinh tế Việt Nam như thế nào?

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tiến hành nghiên cứu đánh giá tác động của Hiệp định EVFTA đối với Việt Nam nói chung và với kinh tế nói riêng.

* Việt Nam triển khai các thủ tục phê chuẩn Hiệp định EVFTA

* Hội đồng châu Âu thông qua thủ tục cuối cùng cho EVFTA

* 'Đường cao tốc' EVFTA: Doanh nghiệp có tìm được đường vào?

Hiệp định EVFTA nhìn chung tác động tích cực đến kinh tế Việt Nam

Trong đó, Thương mại hai chiều và đầu tư từ EU vào Việt Nam sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực được dự báo sẽ tăng trưởng ở mức khá, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, giải quyết công việc làm cho người lao động. Riêng thu ngân sách nhà nước có thể sẽ được cải thiện và tăng trong trung hạn và dài hạn.

Bên cạnh các tác động chung tới các khía cạnh khác nhau của nền kinh tế (các chỉ số kinh tế vĩ mô), Hiệp định có các tác động khác nhau đối với các ngành do mức độ mở cửa, lợi thế cạnh tranh, năng lực của từng ngành là khác nhau. Ngoài ra, tác động gián tiếp thông qua sức ép cải cách thể chế cũng sẽ mang lại những ảnh hưởng tích cực tới nền kinh tế.

Tác động tới tăng trưởng

Nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy nếu các cam kết về cắt giảm thuế quan và phi thuế quan được thực thi triệt để, kết hợp với một số yếu tố từ chiến tranh thương mại, khả năng Anh rời khỏi EU (Brexit), sự thay đổi chính sách của các nước…, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ được cải thiện trong cả ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Kết quả tính toán chỉ ra rằng Hiệp định EVFTA dự kiến sẽ góp phần làm GDP tăng thêm ở mức bình quân từ 2.18 đến 3.25% (cho giai đoạn 05 năm đầu thực hiện), 4.57-5.30% (cho giai đoạn 05 năm tiếp theo) và 7.07-7.72% (cho giai đoạn 05 năm sau đó).

Tác động đến thương mại

Về xuất khẩu, Hiệp định EVFTA dự kiến giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 42.7% vào năm 2025 và 44.37% vào năm 2030 so với không có Hiệp định.

Xét về tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới, dự kiến kim ngạch của ta sẽ tăng trung bình 5.21-8.17% (cho giai đoạn 05 năm đầu thực hiện), 11.12-15.27% (cho giai đoạn 05 năm tiếp theo) và 17.98-21.95% (cho giai đoạn 05 năm sau đó).

Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của một số ngành sang EU như sau:

+ Nhóm hàng nông sản: gạo (tăng thêm 65% vào năm 2025), đường (8%), thịt heo (4%), lâm sản (3%), thịt gia súc gia cầm (4%), đồ uống và thuốc lá (5%).

+ Nhóm ngành chế biến chế tạo tăng: dệt (67%), may mặc (81%), da giày (99%).

+ Nhóm ngành dịch vụ tăng: vận tải thủy (100%), vận tải hàng không (141%), tài chính và bảo hiểm (21%), các dịch vụ phục vụ kinh doanh khác (80%).

Về nhập khẩu, nhập khẩu của Việt Nam từ EU tăng khoảng 33.06% vào năm 2025 và 36.7% vào năm 2030.

Xét về tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ thế giới, dự kiến kim ngạch của ta tăng trung bình 4.36-7.27% (cho giai đoạn 05 năm đầu thực hiện), 10.63-15.4% (cho giai đoạn 05 năm tiếp theo) và 16.41-21.66% (cho giai đoạn 05 năm sau đó).

Nhóm hàng được dự báo tăng nhập khẩu nhiều nhất từ EU là phương tiện và thiết bị vận tải, chiếm khoảng 12% tổng giá trị nhập khẩu tăng thêm, nhóm hàng máy móc thiết bị (10%), dệt may và điện thoại và linh kiện điện tử (6-7%), nông, lâm, thủy sản (5%).

Xét về tổng thể, EVFTA sẽ góp phần giúp đa dạng hóa thị trường của ta để không bị phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường nào, từ đó giúp bảo đảm an ninh kinh tế của Việt Nam.

Tác động tới đầu tư trực tiếp nước ngoài

Nghiên cứu chưa tính được con số chính xác về FDI tăng thêm do phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Tuy nhiên, kỳ vọng về đổi mới thể chế, cải thiện môi trường đầu tư do thực hiện Hiệp định sẽ tạo ra sức hấp dẫn lớn đối với các nhà đầu tư.

Các cam kết rộng và sâu về đầu tư của Hiệp định sẽ giúp Việt Nam tiếp tục đổi mới cơ cấu kinh tế, hoàn thiện thể chế và môi trường kinh doanh ở Việt Nam, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư EU kinh doanh tại Việt Nam.

Các cam kết về thuận lợi hóa đầu tư cùng với mức độ tự do hóa các ngành dịch vụ của Việt Nam dành cho các nhà cung cấp dịch vụ của EU tăng lên, đặc biệt là dịch vụ kinh doanh, dịch vụ môi trường, dịch vụ bưu chính, ngân hàng, bảo hiểm, vận tải biển. Điều này sẽ thúc đẩy dòng vốn FDI từ EU vào Việt Nam tăng trong thời gian tới.

Về chất lượng đầu tư, với Hiệp định EVFTA, đầu tư từ các đối tác có nguồn gốc từ các các nước phát triển sẽ tăng do Việt Nam tăng cường mở cửa thị trường hàng hóa cũng như dịch vụ cho các doanh nghiệp EU. Điều này sẽ tạo ra những động lực mới cho dòng vốn FDI vào Việt Nam.

Cơ cấu lĩnh vực đầu tư cũng có thể thay đổi khi Việt Nam thu hút được các đối tác đầu tư mới và các lĩnh vực thu hút đầu tư được mở rộng. Với EVFTA, cơ cấu dòng vốn FDI vào những lĩnh vực đầu tư còn dư địa lớn tại Việt Nam và EU cũng có thể mạnh như năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.

Tác động đến ngân sách Nhà nước

Cắt giảm thuế quan theo Hiệp định EVFTA sẽ có tác động hai chiều đến nguồn thu ngân sách nhà nước (NSNN). Một là giảm thu NSNN do giảm thuế nhập khẩu và thuế xuất khẩu. Hai là, tăng thu NSNN do có thu thêm từ thu nội địa dưới tác động tích cực của thương mại, đầu tư và tăng trưởng kinh tế.

Theo đó, dự kiến tổng mức giảm thu NSNN từ giảm thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu theo lộ trình của Hiệp định EVFTA là 2,537.3 tỷ đồng. Mặt khác, thu NSNN tăng lên do thu nội địa từ tác động tăng trưởng của EVFTA là 7,000 tỷ đồng trong giai đoạn 2020-2030. Mức tăng sẽ tăng dần theo mức độ tác động của Hiệp định tới tăng trưởng. Như vậy lợi ích của Hiệp định EVFTA về thu ngân sách có thể sẽ được phát huy tốt hơn trong trung và dài hạn.

Nhật Quang

FILI

Các tin tức khác

>   Tăng tàu hỏa, máy bay giữa Hà Nội - TP HCM (17/04/2020)

>   28 địa phương 'cách ly xã hội' đến 22.4 (17/04/2020)

>   TP HCM chuẩn bị khôi phục kinh tế - xã hội (16/04/2020)

>   Chính phủ lại đề nghị chưa sửa luật Đất đai trong năm 2020 (16/04/2020)

>   Cảnh báo 12 mặt hàng có nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại (16/04/2020)

>   Giá điện sẽ được giảm 10% từ kỳ ghi hóa đơn tháng 5 (16/04/2020)

>   Phó Thủ tướng yêu cầu báo cáo việc mở tờ khai xuất khẩu gạo (16/04/2020)

>   Đề nghị công khai thương nhân đăng ký tờ khai hải quan xuất khẩu gạo (16/04/2020)

>   Bộ Công Thương xin ý kiến về đề nghị cho phép xuất khẩu gạo nếp (16/04/2020)

>   Tăng gấp 3 số chuyến bay Hà Nội - TP HCM từ ngày mai 16-4 (15/04/2020)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật